Túi khót là bảo vật thiêng truyền đời, vật yểm trợ và không thể thiếu của ông mo khi ông hành lễ. Nếu biết mo và hành lễ giỏi đến mức nào mà không có khót thì cũng không được coi là ông mo.
Khót – trong tiếng Mường có nghĩa là sót. Khót của các ông mo là những cổ vật sót lại ở đâu đó mà chính họ và người nhà sưu tập được (có thể là lượm được, hoặc có những vật mà họ phải đổi, trác bằng trâu, bò, của cải, vàng, bạc).
Họ quan niệm đó là những vật thiêng, vật có sức mạnh nên mới sót lại, có sức sống trường tồn theo thời gian. Các mo cũng cho rằng phải có nhân duyên thì vật đó mới đến với mình để góp sức mạnh thực hiện việc làm phúc cho đời.
Vật thiêng trong túi khót của thầy mo chỉ là những vật rất bình thường nhưng lại có sức mạnh thần bí, siêu nhiên |
Khót được các ông mo mang đi hành lễ và sử dụng rất đơn giản. Khót thường có vài hòn đá cuội, mảnh gỗ, trang sức đá, đá mài, rìu đá, rìu đồng, đồ đồng, lưỡi rìu sắt, vỏ ốc, răng thú, nanh thú, xương động vật… Thường ngày, khi ở nhà, khót được đựng vào một chiếc túi vải hoặc túi gấm, thanh sạch được đặt trên bàn thờ tổ tiên nhà ông mo.
Thầy mo Bùi Văn Lựng (ở xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết, ngoài việc biết mo và có khót thì một yếu tố quan trọng là “nổ”. “Nổ” là những người thế hệ trước trong gia tộc nhà ông mo đã từng làm ông mo lúc sinh thời.
“Nổ” có một vai trò quan trọng là bảo trợ cho sức mạnh của ông mo lúc hành lễ. Điều kiện đó không thể có đối với người mới học nghề mo như trường hợp ông Lựng, vì thế muốn có “nổ” thì người thầy dạy mo phải chia “nổ” cho. Việc chia nổ cũng không phải muốn là được. Trong suốt quá trình theo học, người thầy dạy mo nhận thấy khi nào người học trò của mình đã biết mo, đã thông thuộc phong tục tập quán, đã có đủ đạo đức nghề mo, lúc ấy thầy mới tin tưởng làm lễ chia “nổ” cho.
Lễ chia “nổ” được tổ chức ở nhà người học mo, lễ vật dâng cúng là một một con lợn to. Trong lễ nghi đó, người thầy là người cúng lễ. Nội dung của bài cúng đó là mời “nổ” của ông ta đến tại nhà của người học trò này để thầy mo làm lễ tuyên bố chia Khót cho người học trò của mình. Kể từ sau lễ này, người học trò chính thức trở thành ông mo.
Một ông mo Mường đang làm lễ cúng năm mới |
Tuy nhiên không phải ai muốn học mo thì người thầy cũng truyền nghề cho. Trường hợp ông mo truyền nghề cho con trai hay cháu trai bên họ nội của mình thì ông ta không phải làm lễ chia “nổ”. Nhưng việc rất quan trọng để trở thành ông mo chính thức, và được công nhân trong cộng đồng là người đó phải thực hiện một lễ thức rất quan trọng trong tang lễ, đó là lễ thức “Thiền thẳn”, hay còn gọi là “Đạp ma”.
Văn hóa Mường từ trước đến nay chưa có chữ viết riêng của dân tộc mình, vì vậy việc học mo trước đây chỉ được học theo cách truyền miệng. Sau này, khi chữ quốc ngữ đã được phổ biến vào các vùng Mường thì người học mo đã biết dùng những con chữ La-tin đó, tự phiên âm và ghi chép theo cách riêng của mình. Tuy nhiên các ông mo cũng cho biết, nếu chỉ học mo theo cách đơn thuần là học thuộc lòng theo sách thì rất khó nhớ.
Mo Bùi Văn Chiến – một thầy mo xuất thân trong một gia đình hành nghề mo đến đời thứ 8 cho biết: Cách học mo một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất là ghi âm ra sách, đọc vài lần và chủ yếu là thực hành trên thực tế gắn với nghi lễ.
Hai yếu tố vừa học thuộc lòng, vừa thực hành bổ trợ cho nhau. Trên thực tế, như mo tang lễ dài đến 12 ngày đêm, hoặc các lễ nghi khác cũng đến vài giờ đồng hồ mà chỉ học theo cách học thuộc lòng là rất khó nhớ, không biết đến khi nào mới thuộc. Học mo kết hợp với thực hành nghi lễ sẽ giúp cho người học mo nhắc nhớ rằng những bước lễ thức nào sẽ mo những đoạn gì, vì mo gắn liền với lễ thức trong nghi lễ.
Những người mới học mo, dù là “con nhà nòi” hay không thì họ cũng đều được thầy mình cho đi theo để quan sát, học tập phong tục tập quán. Thầy sẽ cho mo giúp những đoạn mo ngắn và dễ. Thầy luôn ở bên cạnh, nếu có quên thì thầy nhắc.
Cỗ Tết của người Mường |
Thông thường, người học mo bao giờ cũng được thầy dạy cho bắt đầu từ những bài mo của những lễ nghi có tính bao quát nhất, nhưng đó cũng là những lễ thuộc loại khó. Từ đó có thể học những bài mo khác của những lễ “đồng dạng” sẽ dễ dàng hơn, vì những lễ “đồng dạng” chỉ là thêm hay giản lược hay khác đôi chút về nhân vật thờ cúng, lễ vật dâng cúng và lý do của lễ …
Cùng với túi khót, những đạo cụ khác như: chuông, gươm, mũ, áo, quạt đều là những vật hỗ trợ cho sức mạnh của ông mo, đồng thời nó cũng là những thứ làm tăng thêm vẻ đẹp oai phong của ông mo.
"Nếu các dân tộc Tây Nguyên có Sử thi Đăm San thì người Mường có sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” nằm trong hầu hết các bài Mo Mường. Bởi thế người Mường có câu: "Nghe mo, nhòm Mường". Đó là nghe lại lịch sử qua những bài khấn mo. Trong các dịp lễ, Tết, người Mường ôn lại nguồn gốc tổ tiên, qua các bài khấn mo. Dù không có văn bản, nhưng một ông mo giỏi thường thuộc lời đủ cho 20 đêm mo liên tục".
Thời xưa tục lệ khấn ngày Tết thường được tiến hành từ đêm ba mươi (nếu tháng thiếu thì bắt đầu từ đêm hai mươi chín) tháng Chạp đến hết mùng hai Tết Nguyên đán với những lễ thức tỉ mỉ và phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay, lễ tục này thường chỉ được tiến hành từ đêm ba mươi đến hết mùng một Tết nguyên đán và lễ thức cũng được cải biến đi theo chiều hướng giảm nhẹ.
Tết của người Mường kéo dài từ tầm 27 tháng Chạp và kết thúc vào ngày 7 tháng Giêng năm mới. Ngày 7 người Mường lại tưng bừng tổ chức lễ hội “mở mắt cồng, mắt lệnh”, cũng là lễ hội “xuống đồng”, các ông mo Mường lại tiến hành nghi lễ tế tại lễ hội mong cả bản một năm ấm no, hạnh phúc.
Đã nghe hơi Xuân tràn ngập khắp đất trời, trong tiếng cồng vang vọng giữa núi rừng….