Cần quy hoạch, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng thuận thiên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng Nghị quyết 120/NQ-CP thực sự mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển sang hướng tới mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên”.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Đẩy nhanh quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120/NQ-CP), vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; kinh tế, xã hội có bước phát triển nhanh; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện.

Nghị quyết 120/NQ-CP đã góp phần định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của Đồng bằng sông Cửu Long. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung. Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được khẩn trương hoàn thành. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

Thủy sản là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủy sản là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Diện tích canh tác ba vụ lúa được cắt giảm. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ. Nhiều mặt hàng gạo Việt Nam đã được vinh danh quốc tế. Chuỗi một số ngành hàng nông sản ở đồng bằng bắt đầu được xâu kết.

Qua 3 năm, ngành Giao thông Vận tải đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (nối Cao Lãnh - Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng giành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau - Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ và Sóc Trăng.

Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Một số cơ chế chính sách chậm đi vào thực tiễn, nhất là cơ chế điều phối liên kết vùng; nguồn vốn đầu tư công cho các công trình có tính chất kết nối vùng chưa đáp ứng yêu cầu. Luật quy hoạch được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp tích hợp, và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thách thức lớn nhất của vùng là biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch xây dựng; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu... được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường” với 5 quan điểm định hướng phát triển vùng, gồm: Phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, phát triển tập trung, liên kết vùng, phát triển hạ tầng.

Phối cảnh Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ là nơi đấu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Phối cảnh Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ là nơi đấu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 174 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa toàn Vùng tăng từ 27% (năm 2017) lên trên 31% (năm 2020). Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện từ năm 2011. Qua hai giai đoạn, Chương trình đã hoàn thành xây dựng được 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn, đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ.

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư thực hiện nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 89 nghìn tỷ đồng, trong đó 14 dự án đã hoàn thành, 14 dự án đang triển khai, 3 dự án đang chuẩn bị triển khai.

Nhiều dự án thủy lợi, đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao, hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu; các cụm, tuyến dân cư, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và cải tạo cảnh quan được quan tâm đầu tư đảm bảo người dân được sống an toàn, ổn định. Công trình Cống Cái Bé, theo đánh giá của chuyên gia, đã bước đầu kiểm soát mặn cho khoảng 20 nghìn ha đất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang, giảm chi phí xây dựng khoảng 120 đập tạm sau cống vừa cải thiện môi trường, không ảnh hưởng giao thông thuỷ và ứ đọng nước.

Nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 16% so với cả nước, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 80 nghìn tỷ. Trung ương cũng đã bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn 2,5 nghìn tỷ để xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm.

“Khi các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công ngày càng phức tạp; cơ chế điều phối tiểu vùng khó phát huy được hiệu quả, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi: thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh hơn, nhất là trong 5 năm tới, trong đó chủ trương phát triển thuận thiên, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực cần tiếp tục được quán triệt trong mọi quyết sách.

Do đó, việc quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện theo cách tiếp cận mới: Chia Đồng bằng sông Cửu Long thành 3 vùng ngọt - lợ - mặn, từ đó có những giải pháp phát triển “thuận thiên”, chứ không ngăn mặn - giữ ngọt như trước.

Trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất 13 dự án liên kết vùng, với tổng mức đầu tư là 26.731 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là 19.916 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ 16.250 tỷ đồng cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Khoản vốn này sẽ chỉ hỗ trợ phần xây lắp trong tổng mức đầu tư, các chi phí khác như giải phóng mặt bằng, dự phòng, tư vấn… do địa phương chủ động cân đối.

Đọc thêm