Khi nông dân lên sàn… thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa dịch, các phương thức mua bán truyền thống không còn phát huy tác dụng. Thương mại điện tử lên ngôi khiến cho kế hoạch đưa nông dân lên sàn thương mại điện tử hiện thực hơn bao giờ hết…
Người nông dân live stream bán vải tại vườn.
Người nông dân live stream bán vải tại vườn.

Từ vườn lên… mạng

Tháng 6/2021, lần đầu tiên một vườn vải thiều được live stream trên ứng dụng của sàn thương mại điện tử Sendo. Người chủ của vườn vải trực tiếp thực hiện, giới thiệu các công đoạn chăm sóc, thu hoạch vải và chốt đơn hàng ngay trong live stream. Sau đó lần lượt vườn nhãn, thanh long lên live. Đây chính là những hình thức đầu tiên trong nỗ lực giúp bà con nông dân tiêu thụ hoa quả tới mùa thu hoạch trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay.

Ngay sau khi các sàn thương mại điện tử tư nhân vào cuộc giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, một quyết định giao 2 sàn thương mại điện tử trực thuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được đưa ra. Theo đó, Bộ này quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso (của Viettel) và Postmart (của VNPT) với mục tiêu hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA - Bộ Công Thương) cho biết, tại Nghị quyết của Chính phủ, cũng như tại Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã có định hướng thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của nền cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chương trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (từ sản xuất đến người tiêu dùng) đạt 35 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình là 25%/1 năm, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Do đó, IDEA đã từng bước xây dựng các hình thức để những người chủ của các sản phẩm nông nghiệp đến gần nhất với khách hàng của mình.

“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn Voso, Postmart, Sendo là một cầu nối B2C hữu hiệu nhất. Ở đấy người nông dân sẽ tự quản lý gian hàng của mình, đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn.

Người nông dân đang từng bước tiếp cận sàn thương mại điện tử.Người nông dân đang từng bước tiếp cận sàn thương mại điện tử.

Rất nhiều chương trình đã được triển khai như “Ngày Đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa”, “Phiên chợ nông sản Việt”, “Tuần lễ nông sản Việt” kết nối trực tiếp tới nhà vườn, sản phẩm nông sản được cam kết theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức phân phối trên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm là nông sản tiêu biểu của các tỉnh được tiêu thụ đa dạng như hành tím, khoai lang tím, bơ, mận, xoài, nhãn, na…

Riêng chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, theo thống kê tổng hợp từ các sàn đã cho thấy có khoảng trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ với gần 1 triệu đơn hàng trên 6 sàn thương mại điện tử (không tính các kênh trực tuyến và mạng xã hội khác).

Từng bước đào tạo người nông dân

Hiện chương trình đưa người nông dân lên sàn… thương mại điện tử đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp các tỉnh/thành trên cả nước và tiếp tục mở rộng ra các sàn lớn khác Tiki, Shopee và Lazada với các hình thức triển khai khác nhau, được sự ủng hỗ và hỗ trợ của lãnh đạo các tỉnh, Sở ban ngành và doanh nghiệp ở địa phương.

Các sàn đảm bảo sẽ hỗ trợ người nông dân tối đa bằng nhiều hình thức như tổ chức các ngày hội để người nông dân đến gần hơn với người tiêu dùng. Bằng hình thức này, hàng trăm tấn nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan khi là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai kế hoạch đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nhiều hộ gia đình đã tiên phong trong việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng số.

Tính đến khoảng giữa tháng 8, Lạng Sơn đã tạo được gần 4.600 gian hàng, số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là khoảng 3.000, số đơn hàng vào khoảng 3.000 đơn với 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng.

Tuy có nhiều tín hiệu tốt nhưng ông Lịch cũng cho rằng, hai sàn thương mại điện tử cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại tỉnh, phát triển các cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho từng hộ gia đình…

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, hiện tại, hơn 200 sản phẩm nông sản Hưng Yên đã lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 55 sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện nay sản phẩm chủ lực của tỉnh là nhãn lồng đang vào mùa vụ chính.

Các nhà vườn cũng đang tìm các phương thức kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên Hưng Yên đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như thói quen của bà con nông dân chủ yếu là buôn bán qua thương lái, kỹ năng bán hàng qua các sàn thương mại điện tử còn hạn chế.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hưng Yên đề xuất các sàn thương mại điện tử cần bố trí lực lượng hỗ trợ tại chỗ để hướng dẫn bà con nông dân các kỹ năng như đăng ký tài khoản, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; bên cạnh đó phối hợp với các Sở Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong hoạt động đào tạo kỹ năng, hướng dẫn bà con cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm đến người dân trong nước và cả nước ngoài thông qua môi trường số.

Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các sàn tích cực phối hợp với các Sở ngành liên quan lên danh sách các hộ, Hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu thụ, khảo sát đặc tính sản phẩm của địa phương, từ đó thống nhất các phương án đóng gói, lưu thông hàng hóa, trước mắt là đối với sản phẩm nhãn Hưng Yên kịp thời, theo đúng mùa vụ.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự quan tâm tới môi trường thanh toán cho bà con nông dân, để đảm bảo an toàn cho bà con, vì đối với đặc thù của tỉnh, bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất thấp, do đó, việc thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ rất khó khăn.

Bà Huyền khẳng định, khi phối hợp với các sàn thương mại điện tử thì IDEA đều đã tính đến các vấn đề khó khăn khi đưa người nông dân lên… sàn, đặc biệt là từ thói quen sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử cũng đã có những kế hoạch chi tiết, từng bước đào tạo để người nông dân có thể làm chủ gian hàng của mình, dần dần đưa các gian hàng trở thành kênh tiêu thụ hàng hóa chủ đạo, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Đọc thêm