Quảng Ninh trên hành trình vươn tới thương hiệu đẳng cấp quốc tế (Bài 3): “Cất cánh” từ những quy hoạch chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm vừa qua, Quảng Ninh không ngừng nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên cơ sở bám sát các quy hoạch chiến lược dài hạn, tạo đột phá và hành lang thuận lợi cho các thành phần kinh tế “cất cánh”.
Những Quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.
Những Quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh Quảng Ninh xác định: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn là một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh, động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế.

“Cất cánh” từ những quy hoạch chiến lược

Những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị của Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện Quảng Ninh đã phát triển 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái), 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều); 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Cái Rồng) và 5 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô, thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ).

Cùng với đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch xây dựng, như quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng các vùng huyện.

Hiện ở cấp huyện đã có 6/13 địa phương (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều) được lập quy hoạch chung; 2 địa phương đã lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch vùng huyện (Hải Hà, Đầm Hà); 2 địa phương đã lập quy hoạch chung thị trấn mở rộng (Tiên Yên, Cô Tô). Ở cấp xã, 100% thị trấn trong tỉnh cũng đã hoàn thành việc lập quy hoạch chung...

Cảng container quốc tế Cái Lân (ảnh Nguyễn Hưng).

Cảng container quốc tế Cái Lân (ảnh Nguyễn Hưng).

Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, Quảng Ninh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Uông Bí - Đông Triều; đường vào Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Hải Hà...

Tỉnh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc...

Trong buổi lễ khai trương cảng hàng không Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long với tổng trị giá 20 ngàn tỷ đồng cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có tư duy, nhận thức, định hướng phát triển, triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực. Ông cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương khác nghiên cứu mô hình phát triển để nhân lên ở địa phương mình.

Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại, hướng tới đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 66%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển TP Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã tạo ra nguồn lực và động lực xây dựng, hoàn thiện, tạo bước phát triển đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố được mở rộng, phát triển theo hướng bền vững hơn với tầm nhìn dài hạn.

Một góc thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.Một góc thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Một trong những kinh nghiệm dẫn đến thành tích vượt trội đó là “đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển”, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan và xác định chiến lược dài hạn. “Chúng tôi thực hiện phương châm ‘Quy hoạch tổng thể; xây dựng từng phần’; cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện”.

Để có được những thành công đó phải nói đến tầm nhìn chiến lược dài hạn mà Quảng Ninh đã thực hiện, thông qua việc mời các tổ chức mang đẳng cấp quốc tế về tư vấn cho địa phương, cụ thể như: McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản)...

“Đề bài” của tỉnh đối với đơn vị tư vấn là các quy hoạch phải đáp ứng được những mục tiêu: Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Đặc biệt, Tập đoàn McKinsey & Company - Hoa Kỳ tư vấn lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh với tầm nhìn dài hạn đến 2050.

Tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”

Khi tìm hiểu về mô hình cũng như kinh nghiệm phát triển của Quảng Ninh trong những năm gần đây, hầu hết mọi người đều nhận định, những đường hướng, chiến lược phát triển của tỉnh thường được đúc kết thành những “Triết lý” rất ngắn gọn, súc tích nhưng hàm ý những nội dung rất sâu sắc và rộng lớn. “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” là một trong những “Triết lý” như vậy.

Theo đó, Tâm là thành phố Hạ Long, là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh. Hai tuyến gồm: Tuyến phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới;

Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.

Đa chiều là phối hợp liên kết ở cấp quốc gia, hợp tác cạnh tranh ở cấp quốc tế.

Hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.

Tầm vóc thành phố du lịch nhìn từ Công viên Sun World Hạ Long.

Tầm vóc thành phố du lịch nhìn từ Công viên Sun World Hạ Long.

Ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ: “Chúng tôi bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển ‘một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tỉnh cũng thống nhất quan điểm dựa vào Triết lý phát triển là “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, hàng loạt các công trình như tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào sử dụng, rút ngắn đáng kể thời gian đi từ Quảng Ninh đến các tỉnh trong vùng”.

Các công trình này đã giúp Quảng Ninh vươn lên thành một tỉnh rất dễ tiếp cận với các nhà đầu tư, khách du lịch…, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian trước đây.

Trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra thì huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đạt trên 123.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020.

Với mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cùng với nền tảng vững chắc từ những thành quả về cải cách thủ tục hành chính cũng như phát triển hạ tầng đô thị, Quảng Ninh sẽ khẳng định được vị thế hàng đầu trong những thành phố đáng sống, hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh ngày cành phát triển bền vững hướng tới đẳng cấp quốc tế.

(Đón đọc bài cuối: "Thế" và "Lực" hướng tới thương hiệu đẳng cấp quốc tế)

Đọc thêm