Biết ơn những điều bình thường bé nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước khi làm một người thành công, trí tuệ, trước khi bay cao, bay xa, hãy nhớ nằm lòng bài học để làm một người tử tế. Hãy biết ơn, biết yêu thương và trân trọng cuộc sống từ những điều bình thường, nhỏ bé...
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Có những tán cây làm bóng mát, có những tán cây lại cho quả ngọt, cũng sẽ có nhưng cây nở bung từng chùm hoa rực rỡ... Mỗi một mầm xanh đều làm nên cuộc sống.

Những cậu bé, cô bé học trò của tôi cũng như những cây xanh trong vườn cây. Để đổi lấy một nụ hoa thơm, một bóng mát dịu ngày hè, một chùm quả ngọt là năm tháng, là mong ngóng, là những cảm xúc mong ngóng từng ngày. Có những khắc khoải, có những tự hào, có những sự lặng thầm không thành lời mà rịn lại thành giọt mồ hôi qua năm tháng..

Khi còn thơ ấu, các bạn nhỏ thường tự có cho riêng mình một khung trời với những ước mơ về ngày sau khôn lớn. Như tấm lòng của những người thầy, những người làm mẹ, làm cha lại mãi nhìn học trò của mình, nhìn con của mình đang còn thơ bé như những cái cây non trong vườn. Để mình luôn còn được che chở, được uốn nắn, chỉ bày. Để thấy được sự lớn lên, thấy những ước mơ, hy vọng trưởng thành dần lên theo ngày tháng.

Có những cây từ non bấy đã còi cọc, có cây héo hắt cũng như những học trò của tôi. Có em vất vả, có em ốm o, có em lại ẩm ương trái nết. Nhưng những tấm lòng thầy cô và cha mẹ như một bầu sinh quyển thu nhỏ. Thương lo, phập phồng và chăm sóc cho những mầm xanh ấy lớn lên.

Có những điều giản dị như lúa và bình thường như đất mà tôi tin rằng các học trò của tôi sau này sẽ đều thấu hiểu. Đôi khi, như khí trời, ta hít thở mỗi ngày và quên mất rằng mình đang được dưỡng nuôi từ mẹ thiên nhiên.

Thiên nhiên bao la, kỳ diệu.

Thiên nhiên bao la, kỳ diệu.

Ta gặp một người thầy và nhận được một nụ cười hiền đầy thấu cảm, một sự khích lệ, chỉ bày mà quên mất rằng, để có được những điều ấy, người thầy đã trải qua bao cảm ngộ từ cuộc đời, bao va vấp, gian nan.. Ta quên khí trời như quên nắng ấm nơi hiên nhà, quên lòng mẹ cha thương lo thấp thỏm, quên mái trường với tình thầy bạn nâng cho mình thêm khôn lớn.

Đôi khi, ta bỏ lại những trong veo ấy để rồi bị cuốn vào những phù phiếm bon chen, những dối lừa và phản trắc... Để rồi, đến khi phải trả tiền cho thời gian dùng máy thở trong bệnh viện, ta mới biết rằng mình nợ cuộc đời này quá nhiều!

Năm nay, thế giới vẫn phải đối mặt với một thảm cảnh, một biến cố dịch bệnh lịch sử đã không còn mới. Những ngày qua, cả thế giới đau lòng chứng kiến thảm cảnh ở Ấn Độ: "Dịch Covid-19 "càn quét" Ấn Độ khiến quốc gia Nam Á rơi vào tình trạng nghiêm trọng, với cảnh các bệnh viện không còn giường trống và thi thể xếp hàng dài trước các cơ sở hỏa táng… Không một ai ở Delhi từng chứng kiến cảnh tượng này. Trẻ con mới 5 tuổi, thiếu niên 15 tuổi hay thanh niên 25 tuổi bị hỏa táng. Cặp đôi mới cưới cũng bị hỏa táng. Thật khủng khiếp khi chứng kiến cảnh này"...

Đã có những ngày tháng, ở Hà Nội và Sài Gòn, người ta lập những điểm để đồ ăn đủ cho một ngày để ai cần có thể đến lấy dùng tạm mà qua những ngày gian khó. Tất cả toàn bộ những trường học trở nên im lìm. Các học sinh, sinh viên được nghỉ học để tránh dịch bệnh lây lan. Phương pháp học thay thế là online và bởi vậy, càng khi có dịch, những người làm giáo dục như chúng tôi càng bận rộn hơn.

Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng tôi lại cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm và nhiệt huyết hơn. Đây là cách mà những người được gọi là “nhà giáo” như chúng tôi chung tay góp sức để cùng đất nước vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Dịch bệnh, nhưng thầy và trò không bị “ngắt kết nối”. Sự cố gắng của thầy và của trò đã trở thành một yếu tố làm tăng sức mạnh đoàn kết cùng với toàn dân tộc.

Chúng ta biết, không khí mà chúng ta hít thở, không phải tự nhiên mà có và sẽ vững bền tồn tại mãi mãi như vậy không đổi thay. Nhìn sâu vào sự vật, ta thấy trong một cánh hoa có mặt trời, có nước, có đất, có đám mây ngày ngày ngang qua... trong một bông lúa, có giọt mồ hôi người cày cấy, có ánh nắng, có những dòng sông cho nước về ruộng đồng, có dấu ấn của những ước mong gian khó. Tất cả nương vào nhau để biểu hiện và có mặt trong nhau.

Cũng như những lớp lớp học trò của mình, tôi thường tâm niệm mỗi một em như một cái cây. Mỗi cây là một ước vọng. Có cây là niềm vui; có cây là hạnh phúc; có cây lại là yêu thương; có cây là bao dung; có cây là thành đạt.. Các cây ấy chắc chắc sẽ lớn lên, vươn cành vươn nhánh để kết trái đơm hoa hoặc là rủ bóng che mát êm đềm cho hiên nhà, một góc sân trường nào đó của khu vườn mang tên Cuộc Sống!

Tôi và những đồng nghiệp của mình thường đùa, chúng tôi như những người làm vườn. Âm thầm, cần mẫn với công việc của mình. Lặng lẽ, nhưng không bao giờ dừng lại. Ươm những hạt mầm, tưới tẩm từng chút nắng, chút mưa, từng chút dưỡng chất cho những cái cây trong khu vườn của mình lớn lên vững vàng, xanh tốt.

Chúng tôi cũng thường tự nhắc nhau và chia sẻ cùng học trò của mình. Chúng ta có bao nhiêu tiền tài và còn có những gì để trả phí cho cuộc đời này đã bao bọc, dưỡng nuôi? Trước khi làm một người thành công, trí tuệ, trước khi bay cao, bay xa, hãy nhớ nằm lòng bài học để làm một người tử tế. Hãy biết ơn, biết yêu thương và trân trọng cuộc sống từ những điều bình thường, nhỏ bé.

Đọc thêm