Chung tay bảo vệ môi trường vì một Việt Nam xanh, phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hơn lúc nào hết, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, thích ứng trước mọi hiểm họa để phát triển an toàn, bền vững là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ, chính quyền các địa phương và của mỗi công dân…

Chuyển tải thông điệp về bảo vệ môi trường

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy giai đoạn 2021 - 2030 là thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Ở Việt Nam, chúng ta đã trả những bài học đắt giá về kinh tế, xã hội và con người khi môi trường thiên nhiên bị tàn phá. Những cánh rừng ngã xuống, những thảm xanh mất đi, những ngọn núi bị gặm mòn. Và ngay sau đó là lũ lụt triền miên, là đất đai bạc màu, là khí hậu biến đổi, là môi trường sống ô nhiễm, là sức khỏe suy giảm trong khi nguy cơ nghèo đói và mất an ninh lương thực gia tăng...

Trong bối cảnh đó, việc duy trì, bảo vệ và kiến tạo môi trường sống trong lành cho con người Việt Nam, giảm thiểu những thiệt hại của thiên tai trên mọi vùng đất yêu thương máu thịt của Tổ quốc là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, xuyên suốt. Chính phủ đã và đang tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiệm vụ đó bằng hàng loạt các chính sách phát triển, bằng công cụ quản lý nguồn lực của quốc gia và bằng cả các cam kết quốc tế.

“Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, “phát triển bền vững”, “thuận thiên” đã không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thực tiễn từ cơ quan quản lý Nhà nước lan tỏa đến các doanh nghiệp và từng người dân. Từ đó, tạo dựng môi trường sống trong lành, duy trì sản xuất xanh cho nền kinh tế bền vững và hài hòa.

Tại diễn đàn “Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” được tổ chức vừa qua ở tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Việt Nam đang là một quốc gia chịu nhiều ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa và chất thải rắn sinh hoạt. Nguồn tài nguyên đang bị khai thác thiếu khoa học, đe dọa nguồn cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động, gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, Việt Nam đang là một quốc gia chịu nhiều ô nhiễm rác thải biển.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, Việt Nam đang là một quốc gia chịu nhiều ô nhiễm rác thải biển.

Sự ô nhiễm tập trung ở một số nguyên nhân như: sử dụng chất nổ, dùng điện, chất độc để đánh bắt thủy hải sản khiến các loài sinh vật chết hàng loạt. Các vùng nước lợ, rừng ngập mặn ven biển và các hệ rạn san hô không được bảo tồn tốt dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển và làm mất đi môi trường sống của một số loài lưỡng cư. Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp chưa được xử lý từ các khu đô thị hay các nhà máy sản xuất công nghiệp đổ ra sông, chảy ra biển. Việc vứt rác thải bừa bãi, thiếu văn hóa từ hoạt động du lịch.

Theo bà Hoài, báo chí, truyền thông không chỉ phản ánh thực trạng và tác hại của ô nhiễm môi trường biển mà cần phân tích thấu đáo nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Từ đó, chuyển tải thông điệp về ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mỗi người dân cần tự giác, chủ động, hành động khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần phải được thực hiện thường xuyên, có hệ thống, linh hoạt, sáng tạo hơn để kiến thức pháp luật, chính sách đến được với những đối tượng quan trọng, đặc thù”, bà Hoài cho biết.

Vì một Việt Nam xanh, phát triển bền vững

Công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, làm sạch biển là một trong những nhiệm vụ hết sức cần thiết, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của cả hệ thống chính trị xã hội, trong đó báo chí luôn là lực lượng xung kích đóng vai trò quan trọng.

Diễn đàn “Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” đã góp phần hỗ trợ các nhà báo thêm tư duy về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình tác nghiệp; giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến; là cầu nối giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về tài nguyên môi trường để có những điều chỉnh kịp thời. Từ đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong những năm qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải chịu những tác động thiên tai nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa bế mạc tại Vương quốc Anh, một trong những cam kết quan trọng để duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C là “Cam kết về bảo vệ rừng”, được hơn 130 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước tiếp tục chung tay thực hiện một số giải pháp với mục tiêu chung vì một Việt Nam xanh, phát triển bền vững.

Thứ trưởng Lê Công Thành (phải) trồng cây rừng ngập mặn ở ven biển Khánh Hòa.

Thứ trưởng Lê Công Thành (phải) trồng cây rừng ngập mặn ở ven biển Khánh Hòa.

Cụ thể, thứ nhất, quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức bảo vệ môi trường, phát triển, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có hành động tốt sẽ cùng cộng đồng quốc tế giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, nhất là các cam kết, thỏa thuận của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua.

Thứ hai, động viên, khuyến khích phát triển những phong trào, giải pháp, mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Duy trì thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó, lấy trọng tâm là phát triển phong trào trồng cây, coi đây như một món quà, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau, góp phần quan trọng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường, cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Thứ ba, có chương trình, kế hoạch cụ thể đối với việc trồng, bảo vệ, phát triển cây xanh, hệ sinh thái. Quy hoạch diện tích đất, loại đất để trồng cây, phát triển nhanh và bền vững diện tích, hệ thống cây xanh, hệ sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thực hiện tốt chính sách đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường thông qua hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ven biển, đất ngập nước…

“Tôi mong muốn mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp ngay từ bây giờ hãy thực hiện việc trồng, bảo vệ cây xanh, coi đây như một món quà, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau, góp phần quan trọng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi sinh, cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Mỗi cây chúng ta ươm, trồng sẽ mang đến những mùa xuân xanh tiếp theo cho đất nước Việt Nam tươi đẹp cũng như góp phần cho trái đất của chúng ta mãi luôn xanh tươi”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Đọc thêm