Bình Định: Giếng khô cạn, hàng ngàn người dân “khát” nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Giếng nước gia đình khô cạn, hằng ngày, tôi phải ra suối để lấy nước về uống, nấu ăn nhưng suối giờ cũng cạn rồi. Mỗi lần vo gạo xong, tôi phải dùng nước vo gạo để rửa chén”, bà Đoàn Thị Nguyên cho biết.
Bình Định: Giếng khô cạn, hàng ngàn người dân “khát” nước

“Tôi phải dùng nước vo gạo để rửa chén”

Hằng năm, cứ đến mùa nắng nóng, xã Canh Hòa (huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định) lại tái diễn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp dẫn đến đời sống người dân trong xã vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, cực nhọc hơn. Bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 57,53%, hộ cận nghèo chiếm 22,22%.

Những ngày qua, khu vực bị khô hạn nặng nề nhất của xã Canh Hòa là làng Canh Lãnh. Làng có 112 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu đang đối mặt với tình trạng không có nước sinh hoạt, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bà Đoàn Thị Nguyên (ngụ làng Canh Lãnh) cho biết: “Giếng nước gia đình khô cạn, hằng ngày, tôi phải ra suối để lấy nước về uống, nấu ăn nhưng suối giờ cũng cạn rồi. Mỗi lần vo gạo xong, tôi phải dùng nước vo gạo để rửa chén”.

“Giếng nước gia đình khô cạn nhưng không thể đào sâu hơn vì đào sâu sẽ đụng phải đá. Hằng ngày, người dân ở làng phải vượt đường 3km ra suối Diếp múc nước đổ vào can đem về uống, nấu ăn. Riêng tắm, giặt thì đều ở ngoài suối”, ông Đinh Văn Út (ngụ làng Canh Lãnh) chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên, suối Diếp hiện nay gần như khô cạn, nước chỉ còn ngưng đọng dưới rãnh sâu. Người dân lấy nước ở rãnh này về nấu ăn, còn nước uống thì phải đào những hố nhỏ bên cạnh rãnh, chờ nước mạch lắng trong mới lấy.

Người dân đào những hố nhỏ ở suối Diếp, rồi chờ nước mạch lắng trong để lấy uống.Người dân đào những hố nhỏ ở suối Diếp, rồi chờ nước mạch lắng trong để lấy uống.

Ông Đinh Văn Hùng - Trưởng làng Canh Lãnh, cho biết: “Hằng năm, cứ vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, các giếng nước trong làng khô cạn, còn suối Diếp gần như trơ đáy. Nước phục vụ sinh hoạt cho con người đã khó, nước phục vụ sản xuất tưới cây trồng còn khó hơn. Ở đây người dân chỉ làm ruộng, trồng mì, cây keo nhưng không có nước tưới nên cây trồng kém phát triển, kinh tế gia đình lâm cảnh đói nghèo. Làng có 112 hộ nhưng đã có 75 hộ nghèo”.

Báo cáo của UBND huyện Vân Canh cho thấy, ngoài xã Canh Hòa, người dân ở các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh, có tổng cộng gần 2.500 người đang thiếu nước sinh hoạt. Có gần 800 giếng khoan, giếng đào đã cạn nước.

Tương tự, người dân ở nhiều khu dân cư thuộc các xã Mỹ Quang, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cũng sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều hộ dân ở xã Mỹ Chánh cho biết, trên địa bàn xã này có hệ thống nước sạch từ Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh nhưng người dân chỉ sử dụng được một năm, sau đó nguồn nước này không về được nữa. Chính vì thế, hơn 6 năm nay, người dân ở địa phương này luôn sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Mặc dù khoảng cách từ Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh đến các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh) chỉ từ 2 - 3km nhưng nhiều năm nay nước sạch không thể đến được nhà dân. Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, người dân các thôn phải mang thùng, can nhựa sang các địa phương lân cận mua nước. Thậm chí, nhiều hộ còn qua xã Cát Minh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) mua từng can nước sạch về dùng.

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm nắng nóng gay gắt, anh Đinh Văn Não (ngụ thôn An Xuyên 3) cũng phải đi mua nước về sử dụng. Mỗi ngày, anh thường đi mua 2 lần, lúc sáng sớm và chiều tối.

“Mỗi lần đi mua nước là một lần khó nên hầu hết người dân đều đem đi rất nhiều can, thùng để chứa nước. Dù vậy, không phải tới là có nước để mua liền, mà có hôm chờ đợi rất lâu, bởi rất nhiều người tập trung mua. Phải chở nước từ thôn này sang thôn kia mới có nước sinh hoạt, nấu ăn, tắm giặt”, anh Não cho biết.

Bao giờ có nước sạch?

Ông Phan Minh Tài - Giám đốc Nhà máy cấp nước sạch Phù Mỹ - đơn vị vận hành, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Phù Mỹ cho biết, do Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh đã xuống cấp nên việc cung cấp nước sạch cho người dân trong xã gặp khó khăn. UBND huyện Phù Mỹ đã đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa nhà máy, xây dựng đường ống lấy nước từ đập Cây Ké (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) về xử lý, rồi cung cấp cho người dân sử dụng. Theo kế hoạch, tháng 4/2021 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng do một số vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thi công xong.

Theo ông Hồ Ngọc Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, năm nay, tình hình thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện xảy ra sớm hơn so với mọi năm. UBND huyện đã chỉ đạo Nhà máy cấp nước sạch Phù Mỹ điều tiết thời gian bơm nước phù hợp, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh để có thể đưa vào hoạt động, khai thác trong thời gian sớm nhất. Với hệ thống đường ống lấy nước từ đập Cây Ké về, nhà máy sẽ đảm bảo đủ lượng nước cung cấp cho tất cả hộ dân xã Mỹ Chánh có đăng ký sử dụng nước sạch.

Mỗi lần vo gạo xong, bà Nguyên dùng nước vo gạo để rửa chén.

Mỗi lần vo gạo xong, bà Nguyên dùng nước vo gạo để rửa chén.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kim - Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, hằng năm, vào thời điểm này, các giếng đào trên địa bàn xã bị khô cạn nên đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vào vụ sản xuất hè thu, người dân cũng không sản xuất được vì nguồn nước khô cạn.

“Chính quyền, người dân xã Canh Hòa mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà con có nguồn nước sạch sinh hoạt. Vì không có nước sạch, người dân phải sử dụng nước ở suối để uống nên dẫn đến các bệnh về mắt, đường ruột”, ông Kim cho biết. Một lãnh đạo huyện Vân Canh chia sẻ, huyện không chỉ có con sông lớn Hà Thành chảy qua, mà còn có rất nhiều sông, suối nhưng lúc nào cũng cạn, khô nước vào mùa nắng nóng.

Ở địa phương, người dân chọn cây keo là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Loại cây này có đặc tính hút nước nhưng không giữ được nước. Đáng nói, cây keo thường được trồng ở ven sông, suối. Bởi vậy, Vân Canh muốn có nước phải bảo vệ rừng, tái sinh rừng, quy hoạch trồng lại rừng.

“Nhờ cây keo phát triển kinh tế nhưng lại gây tình trạng khô hạn tại các sông, suối dẫn đến không có nguồn nước sinh hoạt cho người dân, gia súc, gia cầm và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà lãnh đạo địa phương trăn trở lâu nay”, vị này nói.

Theo ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 26% người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Số còn lại phải sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình nước sạch phân tán từ chương trình 134, 135 của Chính phủ, nguồn nước không ổn định.

“Nguồn lực để xây dựng công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng nông thôn hiện gặp khó khăn. Tỉnh phải ưu tiên đầu tư cho những vùng thiếu nước nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, Bình Định đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ cho phép thực hiện dự án cấp nước sạch bền vững thích ứng biến đổi khí hậu thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án này có 10 dự án thành phần với việc đầu tư các công trình cung cấp nước sạch bền vững cho những khu vực có nhu cầu bức thiết tại Bình Định”, ông Chương cho biết.

Đọc thêm