Kết quả qua 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Bình Dương, về tình hình kinh tế - xã hội được xem ở mức ổn định, tiếp tục phục hồi và duy trì những kết quả quan trọng đạt được trong năm 2020. Đồng thời, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại cũng từng bước tăng trưởng trở lại.
Mục tiêu “kép”
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kịp thời của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình hưởng ứng của người dân, nên kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đáp ứng mục tiêu kép: vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh lây lan, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đạt được nhiều điểm sáng.
Theo báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tốt, thể hiện bản lĩnh, quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng, chung tay của doanh nghiệp cùng người dân.
Báo cáo nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với các biến thể mới của virus có mức độ nguy hiểm lây lan nhanh, diễn ra trong thời gian từ cuối tháng 5 năm 2021 đến nay, đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã có những chỉ đạo sát sao cho từng sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ, linh hoạt, nỗ lực phấn đấu cao nhất nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021.
Toàn cảnh Trung tâm hành chính Bình Dương. |
Ngay từ đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên trong nước (đầu năm 2020), tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến từng ngành, từng lĩnh vực và từ đó có kịch bản, phương án giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi thị trường xuất khẩu, đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 2021, làm tiền đề hoàn thành kế hoạch 2021-2025.
Tuy nhiên, trước những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch thứ 4 trong cộng đồng đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Nguy cơ lây nhiễm trong các khu công nghiệp vẫn còn cao. Chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Một số ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục bị ảnh hưởng.
Cạnh đó, theo báo cáo, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ. Hiện tượng quá tải lưới điện xảy ra tại một số khu vực làm mất an toàn trong vận hành lưới điện.
Huy động mọi nguồn lực chống dịch
Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông và cải cách hành chính, toàn tỉnh đã tập trung tìm các giải pháp đầu tư các dự án giao thông quan trọng, kết nối liên vùng và giải phóng mặt bằng để thi công các dự án. Đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế.
Không khí phấn khởi, rực rỡ cờ hoa chào mừng bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp tại Bình Dương. |
Về khối doanh nghiệp, theo báo cáo, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động thích ứng với tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh của tỉnh nên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng như số vốn tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được duy trì. Không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa và tăng giá bất hợp lý.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tại tỉnh, dịch Covid – 19 đã lây lan trên diện rộng, nhất là tại tại các doanh nghiệp trong KCN, tác động tiêu cực đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động và các đối tượng yếu thế.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phải sát sao chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ổn định và trở lại hoạt động bình thường khi dịch bệnh được khống chế. Cạnh đó, tập trung đào tạo, giải quyết việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động.
Lãnh đạo Bình Dương nhấn mạnh, cần sự kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trước tình hình hiện nay, phải ưu tiên và tập trung nguồn lực cần thiết cho phòng chống dịch để ngăn chặn, đẩy lùi, dập dịch nhanh nhất có thể, nhanh chóng ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,23%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%, trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 47,2%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 43,4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,8%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 22,6%, tổng chi ngân sách địa phương giảm 3,5%.
Kết quả các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh có bước cải thiện lớn về điểm số và thứ hạng; đề án thành phố thông minh Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh vào TOP 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới.