Mang tật vì dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp bị viêm nhiễm phụ khoa nặng do không được điều trị kịp thời. Đó là trường hợp của chị P.T. Hoa (35 tuổi, Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội). Trước đó, chị Hoa có các biểu hiện của bệnh phụ khoa nên khoảng đầu tháng 3 năm 2020, đã đặt mua sản phẩm viên đặt phụ khoa Hằng Thu của Công ty TNHH Hằng Thu Pharma về sử dụng.
Theo hướng dẫn sử dụng viên đặt này được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh như: viêm nhiễm phụ khoa, nam khoa, nấm, tạp khuẩn, trực khuẩn, viêm lộ tuyến, viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, hiếm muộn con cái...
Tuy nhiên, khi sử dụng chị Hoa tiếp tục có những biểu hiện bệnh lý nặng hơn nên đã tới Bệnh viện phụ sản Hà Nội thăm khám. Kết quả các xét nghiệm cho biết chị Hoa bị viêm âm hộ, âm đạo nặng, nếu không điều trị kịp thời thì khả năng vô sinh rất cao.
Bộ sản phẩm phụ khoa Hằng Thu có dấu hiệu giả mạo công bố cấp phép lưu hành |
Kể lại quá trình tự chữa tại nhà, bác sỹ chuyên khoa đã yêu cầu chị dừng ngay sản phẩm viên đặt nói trên do có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Hiện tại, chị Hoa vẫn đang điều trị tích cực theo lộ trình của các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoa cho biết, sau khi nghe lời khuyên của bác sỹ, tìm hiểu về sản phẩm chị Hoa mới chột dạ thấy bộ sản phẩm mình đang sử dụng không hề có các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, công bố được cơ quan y tế cấp phép lưu hành.
Lập lờ đánh lận con đen?
Trong vai người tiêu dùng muốn mua sản phẩm Viên đặt Phụ Khang Hằng Thu, phóng viên gọi đến một đại lý bán sản phẩm để nghe tư vấn. Sau khi kể về tình trạng bệnh, phóng viên được “bác sĩ” kết luận là bị nấm và viêm âm đạo lộ tuyến độ 2. Vị này khuyên dùng ngay sản phẩm viên đặt phụ khoa Hằng Thu để trị bệnh, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh sản.
Để củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, vị bác sĩ này còn cho biết đây là sản phẩm chính hãng của công ty đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, được sản xuất trên dây truyền đạt chuẩn GMP. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện Công ty TNHH Hằng Thu chỉ có sản phẩm viên uống được công bố dưới dạng thực phẩm chức năng số ĐKSP: 350/2020/ ĐKSP có tác dụng hỗ trợ tăng cường nội tiết tố nữ, sản xuất tại Công ty Cổ phần liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp (Duy Tiên, Hà Nam).
Còn sản phẩm viên đặt phụ khoa mà chị Hoa sử dụng nêu trên chưa có thông tin được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Thu luôn quảng cáo rằng bộ đôi sản phẩm Phụ Khang Hằng Thu được sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn GMP, đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Giả mạo thông tin công bố?
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài sản phẩm Viên đặt Phụ Khang Hằng Thu, Công ty TNHH Hằng Thu còn bán ra thị trường bộ sản phẩm cũng có dấu hiệu chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành là “Cốt xông ngâm Hằng Thu”; “Kén đặt Hằng Thu”, đều là các sản phẩm được quảng cáo là điều trị các bệnh về phụ khoa nam và nữ, thậm chí cả phụ nữ có thai cũng có thể sử dụng.
Căn cứ theo bao bì 2 bộ sản phẩm nêu trên đều có một điểm chung là không có số lô, địa chỉ sản xuất. Thông thông tin ghi nhãn, chức năng của 2 bộ sản phẩm được công bố là mỹ phẩm, đều chung một số công bố (84/18/CBMP-BN) do Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cấp là sự bất thường?
Truy xuất theo thông tin này, PV đã liên hệ với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh thì cán bộ quản lý dược tại đây cho biết, chưa từng cấp phép có sản phẩm nào mang tên “Cốt xông ngâm Hằng Thu” và “Kén đặt Hằng Thu” do Công ty Hằng Thu chịu trách nhiệm phân phối.
Thậm chí, vị cán bộ này còn đề nghị cung cấp thông tin để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Như vậy, những thông tin pháp lý mà Công ty Hằng Thu đang đăng tải trên bao bì và quảng cáo là không đúng sự thực và lừa dối người tiêu dùng.
Hơn nữa, nếu đúng công năng là mỹ phẩm thì theo quy định của pháp luật chắc chắn công dụng không có khả năng điều trị các bệnh về phụ khoa như quảng cáo. Quy định pháp luật về việc công bố mỹ phẩm Để không bị xử lý vi phạm về công bố mỹ phẩm tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Khi thực hiện hồ sơ đăng ký cần tuân thủ chặt chẽ các quy định sau: Thứ nhất: Cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị tổ chức chịu trách nhiệm đưa mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép lưu thông khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Thứ hai: Lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm được thực hiện theo quy định hiện hành và được áp dụng phí nhà nước trên toàn quốc.
Thứ ba: Khi muốn thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
Cuối cùng, việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm hay còn gọi là mục đích sử dụng của sản phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Phụ lục số 03- MP của Thông tư 06/2011-TT-BYT.
Vi phạm về công bố mỹ phẩm bị xử phạt thế nào?
Trường hợp vi phạm về công bố mỹ phẩm được quy định tại Điều 48 tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Đối với hành vi kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật đối với nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm sẽ được quy định xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Còn tại Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định rõ đối với tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh sản xuất ra thị trường tùy mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 15 năm tùy vào mức độ vi phạm như hành vi có tổ chức; lợi dụng chức vụ và quyền hạn; có tính chất chuyên nghiệp… Đặc biệt, với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng tới 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1 đến 3 năm.