Tự giới thiệu là có khả năng soi cầu, lấy số
Trên mạng xã hội và đặc biệt là Facebook thường xuyên xuất hiện các trang khác biệt, tự “nổ” là có khả năng soi cầu, lấy số, bạch thủ lô đề. Để lấy lòng tin của người dân, các đối tượng đều khẳng định số lô, số đề là chính xác, cùng lời quảng cáo hấp dẫn “đảm bảo trúng lớn”, “trúng 100%”.
Các đối tượng này đăng nội dung để người khác tin rằng họ có “người nhà” làm trong hội đồng chốt số, có người quen làm bên xổ số, có chuyên gia nghiên cứu các số lô đề chính xác nhất… Chúng lấy ảnh trên mạng làm ảnh đại diện để lừa đó là chuyên gia nghiên cứu, nhằm tạo niềm tin cho con nghiện cờ bạc, lô đề.
Thậm chí, nhiều trang còn tinh vi tới mức tạo ra các bài viết “soi” cầu, phán đoán kết quả xổ số với độ chính xác gần như 100% và được đăng tải trước cả thời gian quay số của các công ty xổ số trong nhiều ngày liên tiếp.
Nhìn vào những minh chứng sờ sờ đó, các con bạc dù khó tính cũng phải “siêu lòng”, bị lòng tham làm mờ mắt mà dốc túi cho các “chuyên gia soi cầu, lấy số” những mong đổi đời. Để rồi đến khi đã chuyển tiền cho các “chuyên gia” thì các con bạc mới “mất cả chì lẫn chài”, vừa mất tiền oan cho các “chuyên gia”, vừa mất sạch tiền đã dốc vào các con số lô đề mà các “chuyên gia” cung cấp.
Ngày 18/1 vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt được nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cung cấp số lô, số đề giả trên mạng. Các đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Văn Thường (SN 1995); Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994); Trần Văn Toản (SN 1996); Hồ Văn Thành (SN 1999); Nguyễn Xuân Toản (SN 1996); Nguyễn Đức Nhật (SN 1995); Hồ Đình Tài (SN 1995) và Nguyễn Xuân Trung (SN 1991), đều trú xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Các đối tượng này khẳng định, các số lô, số đề cung cấp cho khách hàng là do chúng tự nghĩ ra, không có căn cứ nào cả. Người dân mua số lô đề của các đối tượng này sẽ chuyển tiền bằng cách nạp thẻ trực tiếp trên các trang web hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng. Có ngày, các đối tượng này thu lợi nhuận bất chính từ 2 - 3 triệu đồng.
Cơ quan công an cho biết, hoạt động của các đối tượng này đã diễn ra nhiều năm nay. Với thủ đoạn trên, nhóm đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng ngàn người trên khắp cả nước với số tiền hàng tỷ đồng.
Những món hàng “siêu lợi nhuận”
Cũng trong thời gian qua, rất nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến nở rộ, khách hàng chỉ cần ngồi lướt mạng, chọn sản phẩm mình ưa thích và đặt hàng, mọi giao dịch sau đó sẽ được thực hiện tại chỗ, có người sẽ mang hàng tận nơi và khi đó khách hàng mới phải thanh toán. Những tưởng đó là một sự tiện ích mà ai cũng mong muốn, nhưng bên cạnh đó là những kẽ hở lớn cho kẻ xấu lợi dụng khiến nhiều người bị lừa.
Mới đây, câu chuyện một chiếc kẹp giấy hay một tuýp kem đánh răng cỡ nhỏ được giao cho khách với giá 79.000 đồng; một chiếc áo "bèo nhèo" có giá 132.000 đồng hay chiếc ốp lưng điện thoại rẻ tiền được giao với giá gấp 2-3 lần…là những trường hợp bị lừa kiểu "siêu lợi nhuận" đã được phản ánh.
Theo phản ánh của một số nạn nhân bị mắc lừa, họ dù không hề có tài khoản giao dịch trên Sendo (sàn thương mại điện tử thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ), không đặt hàng, nhưng các nạn nhân vẫn nhận được bưu phẩm ghi đích danh họ, với thông tin cá nhân chính xác.
Món hàng lừa đảo được giao khi họ không ở nhà nên có người thân đã nhận thay (vì thấy ghi đúng thông tin cá nhân). Đến khi “khổ chủ” mở ra mới tá hỏa khi thấy món hàng được giao chỉ là chiếc kẹp giấy, tuýp kem đánh răng đáng giá chỉ vài ngàn.
Khách hàng nhận món hàng được giao chỉ là chiếc kẹp giấy |
Có thể thấy, những kẻ nghĩ ra chiêu trò này đã có thông tin cá nhân của người bị hại từ trước và lên kế hoạch tỉ mỉ. Chúng chọn thời điểm mà các nạn nhân không có nhà để gửi hàng đến và nhờ người thân của nạn nhân nhận thay, số tiền cho món hàng đó không nhiều, chính vì thế nên nhiều người “tặc lưỡi” móc ví trả tiền mà không cần biết bên trong bưu kiện đó là cái gì, đến lúc mở ra kiểm tra thì “sự đã rồi”.
Điều đáng chú ý là nhiều người cũng bị tình trạng trở thành "người mua bất đắc dĩ" của các shop bán hàng đăng ký trên trang thương mại điện tử Sendo.vn của Công ty Sen Đỏ. Công ty Sen Đỏ xác nhận những "khách hàng" này không tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử và không đặt hàng trên Sendo.vn nhưng vẫn nhận được đơn hàng gửi đến.
Theo đó, các sản phẩm hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo thời trang, kem đánh răng, ốp lưng Iphone, phụ kiện thời trang... với mức giá (gồm phí vận chuyển và giá sản phẩm) rất thấp, chỉ khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, thông tin về các shop bán hàng đăng ký trên trang Sendo.vn lại chỉ chứng thực số điện thoại, thông tin về địa chỉ kinh doanh. Riêng thông tin quan trọng là số chứng minh nhân dân của chủ shop đăng ký lại chưa được Sendo.vn chứng thực.
Đây là hình thức bán hàng không lành mạnh, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trục lợi, lừa đảo người dùng. Trong đó có những trường hợp, các shop bán hàng thường không có địa chỉ thật, nên việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý gặp khó khăn, đặc biệt khi phát sinh khiếu nại của khách hàng.