“Bức tranh” nông thôn mới trên quê hương Bác

(PLVN) - Xác định nông thôn mới (NTM) là một chương trình trọng tâm, Nghệ An đã hành động quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy tinh thần thi đua, yêu nước, phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng NTM. Đến nay, Nghệ An đạt được kết quả khá toàn diện và tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Huyện Yên Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập người dân tăng, đời sống ngày càng ổn định

Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời nhận được sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân. Từ đây, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM được nâng cao. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được phát huy hiệu quả; thu nhập và đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới rõ nét.

Cụ thể, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 280/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 68,12%; Trong đó có 8 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; có 31 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; 119 xã có đông đồng bào giáo dân; Có 2 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Kim Liên huyện Nam Đàn và xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu. Có 280 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 68,12%; 29 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 7,05%; Có 57 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 13,86%; Có 45 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 10,94%; Không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,52 tiêu chí/xã .

Có 4 Đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM đó là TP Vinh, Thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành đã có quyết định công nhận. Có 01 đơn vị cấp huyện là huyện Nghi Lộc đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương và đã khảo sát thực tế, hiện tại đang báo cáo giải trình các nội dung theo yêu cầu của các thành viên Tổ khảo sát để trình Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu và công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Riêng thị xã Hoàng Mai đang hoàn thiện hồ sơ đề trình Trung ương theo quy định.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn dự kiến đến hết năm 2020 là 34,44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn khoảng 3%; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90%; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nay đạt 85,3%; Nước sạch theo QCVN 02/2009/BYT ước đạt 50%.Có 898 thôn/bản đạt chuẩn. Có 115 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đươc công nhận đạt 4 sao và 89 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao...

Xã nông Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) xã đầu tiên của huyện thuộc diện 30A đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao

Về phương hướng xây dựng NTM Nghệ An trong thời gian tới, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Năm 2020 và năm 2021 Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai thực hiện công tác xây dựng Nông mới còn gặp nhiều khó khăn.

Nhưng Đảng bộ và dân dân tỉnh Nghệ An đã nỗ lực, cố gắng để đạt được kế hoạch đề ra. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; huyện NTM, huyện NTM nâng cao, huyện NTM mới kiểu mẫu; thôn, bản đạt chuẩn NTM; khu dân cư kiểu mẫu; vườn chuẩn NTM.

Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả tại các địa phương, thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”(OCOP).

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn/bản NTM. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác truyền thông; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình này.

Chè sạch Hùng Sơn huyện Anh Sơn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Viet Gap.

Thực hiện phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” và các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM. Các sở, ban, ngành, địa phương đưa vào chương trình công tác năm các nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nội dung xây dựng NTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và của các cơ quan có liên quan.

Chú trọng đẩy mạnh công tác bảo vệ, xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, dịch vụ văn hóa – thể thao. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, đảm bảo đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí; ưu tiên đầu tư cho các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng NTM năm 2021 để hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và hạ tầng thiết yếu.

Đọc thêm