Bức xúc vì bị dùng hình ảnh trái phép để trục lợi, cách xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần đây, những người nổi tiếng dễ dàng trở thành những nạn nhân để các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh với mục đích thương mại, thậm chí lừa đảo bán hàng kém chất lượng. Vậy có chế tài nào để xử lý hiện tượng này?
Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên bị nhiều trang mạng tự ý dùng hình ảnh trái phép để quảng cáo.
Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên bị nhiều trang mạng tự ý dùng hình ảnh trái phép để quảng cáo.

Nghệ sĩ bị lợi dụng hình ảnh để trục lợi

Gần đây nhất, theo chia sẻ trên trang Facebook với hơn 10 triệu lượt theo dõi từ nữ ca sĩ Thủy Tiên, thời gian vừa qua cô nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, đặc biệt là khán giả lớn tuổi về việc xuất hiện chiêu trò lừa đảo bằng cách lấy danh nghĩa Thủy Tiên tặng thuốc 0 đồng cho bà con nhưng lại phải trả vài trăm nghìn khi nhận thuốc.

Qua Fanpage của mình, nữ ca sĩ khẳng định đây là thông tin lừa đảo, sử dụng hình ảnh cô trái phép. Thủy Tiên cũng mong người hâm mộ nâng cao cảnh giác, đồng thời cảnh báo việc uống thuốc không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm.

Thông qua trang cá nhân của mình, nữ ca sĩ khẳng định trong thời gian tới sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp, với sự can thiệp của các cơ quan chức năng khi cần thiết. Cô cũng kêu gọi người hâm mộ cung cấp thêm các thông tin liên quan.

Việc lợi dụng hình ảnh người khác, đặc biệt là những người nổi tiếng, các y bác sĩ, để trục lợi không phải là vấn đề mới. Báo chí đã nhiều lần phản ánh việc lợi dụng hình ảnh các nghệ sĩ, y bác sĩ, bệnh viện... để quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc và các sản phẩm thực phẩm chức năng sai sự thật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Có thể kể đến như cố NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSND Công Lý, NSƯT Minh Vượng, ca sĩ Mỹ Linh, Quốc Trường... Thời còn sống, NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ trên facebook cá nhân của ông về hình ảnh ông bị sử dụng trái phép và dòng status: “Bỏ chữ THẦY đi tôi tha cho việc ăn cắp hình ảnh”.

Lời chia sẻ của NSND Hoàng Dũng ngay lập tức nhận được hàng loạt những comment từ chính các đồng nghiệp: “Nói mãi vẫn giả vở điếc lác cụ ơi... Chán lắm, tôi và Hương “bông” vài vụ rồi. Sao họ không ngượng mặt nhỉ?”; “Ghép thô thiển. Quá chán. Lừa đảo trắng trợn!”

Đóng vai “Người phán xử” nổi tiếng quyền uy trong bộ phim cùng tên, nhưng ở ngoài đời NSND Hoàng Dũng cho biết ông bị “ăn cắp” hình ảnh quảng cáo đủ các loại, từ bán bảo hiểm, bán thuốc trị ngáy... Thậm chí, nhà sản xuất còn dựng hẳn một bài phỏng vấn NSND Hoàng Dũng về việc dùng thuốc trị ngáy trong khi ông chẳng hề nhận quảng cáo hay trả lời phỏng vấn.

Khổ nhất là việc NSND Hoàng Dũng nhận được hàng loạt cuộc điện thoại từ bạn bè, người quen và cả người hâm mộ để xem dùng thuốc này thế nào, có công hiệu hay không. Cực chẳng đã, ông đành nhờ “facebook” lên tiếng để đồng nghiệp và cộng đồng mạng xã hội biết là ông không hề quảng cáo cho những sản phẩm này. 

Tháng 8/2018, trên trang cá nhân của ca sĩ Thu Minh đã chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ sự tức giận khi bị một hãng trà lợi sữa “trắng trợn” lấy hình ảnh của cô để quảng cáo. “Đây không chỉ đơn giản là sử dụng hình ảnh bất minh, mà còn vi phạm vào thứ quan trọng nhất đời tôi đó là: Tình mẫu tử”, nữ ca sĩ nói.

Giọng ca “Chuông gió” bức xúc khi hình ảnh những tháng ngày nhọc nhằn vắt sữa cho con của chị đã bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, bán hàng. Điều đáng nói, chính Thu Minh cũng không hề biết đến sản phẩm trà lợi sữa này.“Tôi chưa bao giờ biết đến những sản phẩm này, huống chi nhận lời quảng cáo cho nhãn hàng trà lợi sữa này”, cô nhấn mạnh.

Hãy nhờ đến các cơ quan chức năng

Có thể thấy người càng nổi tiếng thì sức ảnh hưởng của họ càng lớn, đồng nghĩa với việc sản phẩm được họ đại diện sẽ bán được nhiều hơn bởi chính sự tin tưởng từ phía công chúng. Tuy nhiên, với hàng hóa kém chất lượng mà người tiêu dùng mua chỉ vì tin nhầm rằng thần tượng của mình đã sử dụng thì hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng. Khi ấy, cách xử lý sẽ là như thế nào?

Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Như vậy, pháp luật đã quy định về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo mạo danh người nổi tiếng rất cụ thể. Nếu thấy hình ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, gây hậu quả xấu, các nghệ sĩ có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý vừa bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Một số chuyên gia pháp lý đã trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ngoai các quy định trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) còn phân tích thêm quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, từ đó cho rằng việc các đối tượng sử dụng hình ảnh của người khác không xin phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

ThS.Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) thì khuyến nghị các nghệ sĩ có thể nộp đơn khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp sử dụng hình ảnh không xin phép, có xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì người bị sử dụng hình ảnh không xin phép có thể làm đơn tố cáo hành vi của người xâm phạm hình ảnh đến cơ quan Công an có thẩm quyền.

Việc xử lý hành vi của người vi phạm ra sao thì cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra, xem xét và tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm cũng như hậu quả xảy ra, mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Đọc thêm