Hiện trạng nhức nhối
Đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, Bộ Y tế đã vào cuộc và yêu cầu Facebook xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên thì quảng cáo các loại thuốc ở Việt Nam nói chung mới bị cấm cửa. Từ đó đến nay, thuốc trở thành “vùng cấm” rất khó lên chiến dịch chạy quảng cáo trên Facebook.
Theo thống kê, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 25/9/2020, Cục An toàn thực phẩm đã ra 36 quyết định xử phạt vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt khoảng 1,6 tỷ đồng.
Tưởng như vậy là đã dẹp yên được tình trạng quảng cáo thuốc rởm, trên Facebook bẵng đi một thời gian “yên ả” thì chiêu trò này lại bất ngờ đổ bộ đến miền đất mới mang tên YouTube.
Trong thời gian qua, người dùng YouTube liên tục bị “tra tấn” bởi đủ loại quảng cáo về thuốc trị xương khớp, thuốc trị cương dương, trị xuất tinh sớm... Những nội dung quảng cáo này xuất hiện tràn lan với tần suất dày đặc khiến người dùng bị ám ảnh, nhất là quảng cáo “bà con gọi cho tôi trị xương khớp”, “nhà tôi 3 đời trị bệnh nan y”...
Để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng, những người làm quảng cáo sẽ mời những người nổi tiếng, các y bác sĩ, các chuyên gia hoặc những người dân chất phác dàn cảnh đã dược chữa khỏi bệnh để nhận được sự đồng cảm từ người bệnh. Một số quảng cáo còn có hành vi cắt, lồng ghép những video của người khác, của đài truyền hình gây ảnh hưởng uy tín của những người này.
Theo chính sách của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam. “Chúng tôi cam kết tuân thủ các quy định quảng cáo về chăm sóc sức khỏe và thuốc, do đó chúng tôi hy vọng rằng quảng cáo và đích đến tuân theo các luật và tiêu chuẩn ngành phù hợp. Một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không được phép quảng cáo, trong khi các nội dung khác chỉ được quảng cáo nếu nhà quảng cáo được chứng nhận với Google và chỉ nhắm mục tiêu đến các quốc gia được chấp thuận”, chính sách Google cho biết.
Theo Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, những nội dung quảng cáo thuốc Đông y, thuốc Nam vẫn tồn tại nhan nhản trên nền tảng này. Còn nhớ vào khoảng thời gian cuối năm 2020, người dùng YouTube tại Việt Nam cũng liên tục “tra tấn” bởi quảng cáo “ba đời trị sỏi thận”. Nguyên nhân có thể là do bằng một số thủ thuật giả mạo giấy phép, những video quảng cáo loại thuốc này được YouTube phê duyệt để hiển thị.
Trước hiện tượng trên, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Tiểu Đường Hoàn là loại thuốc từng gây tử vong nhiều người, đã bị thu hồi nhưng người dân vẫn mua uống. |
Hệ lụy khôn lường
Về khía cạnh tâm lý, con người rất dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc khi chúng ta xem trên các phương tiện truyền thông. Và nếu thông tin ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày, nhiều tháng thì từ chỗ nghi ngờ cho đến chỗ tin theo và làm theo.
Khi không có nhu cầu về sức khỏe, người xem những quảng cáo trên sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng nếu đang thực sự gặp vấn đề và mong muốn chữa bệnh nó lại là một vấn đề khác. Nghe quảng cáo hấp dẫn, cộng với việc đã thử qua nhiều loại thuốc chữa bệnh vẫn không khỏi, nhiều người dân bị dẫn dắt, không ngần ngại mua về uống, về đắp.
Thế rồi câu chuyện “lợn lành thành lợn què, lợn què thành lợn toi” diễn ra như một điều tất yếu. Do sử dụng thuốc theo quảng cáo, không màng đến xuất xứ, nguồn gốc của thuốc, tay nghề chữa bệnh của thầy thuốc được cấp chứng chỉ hay không, chỉ chăm chăm tin vào thầy thuốc online với những mỹ từ tự mình ca tụng, nhiều người phải nhập viện trong tình trạng men gan tăng, vàng da, vàng mắt, suy gan, suy thận và thậm chí suýt ngừng tim.
Theo ông Đỗ Trí Đức (Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định), các sản phẩm được quảng cáo trên YouTube là thuốc Đông y có khả năng trị dứt điểm một số bệnh là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. “Đa số các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh. Nhiều quảng cáo nói chỉ điều trị 1 liệu trình là khỏi, nhưng thực tế 1 liệu trình rất dài, nếu người bệnh chưa thấy đỡ, dừng sử dụng thì cũng đã mất nhiều tiền”, bác sĩ Đức phân tích.
Bác sĩ Đức cho rằng, người bệnh cần đến cơ sở khám chữa bệnh để khám, xét nghiệm, để được chỉ định, tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, phù hợp với thể trạng từng người. Mua thuốc trên mạng dễ gặp phải tình trạng “tiền mất tật mang”, không có ai chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Bệnh nhân đang điều trị thì bỏ thuốc tây, chuyển sang thuốc Đông y mua trên mạng, đến khi đưa vào tình trạng đã rất nguy kịch. Một câu chuyện có thật, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cách đây không lâu đã tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận. Được biết, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống. Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng có 1 gói là thuốc paracetamol, 1 gói là phenformin điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu, hết sức nguy hiểm.
Có thể thấy, những video quảng cáo tưởng chừng vô hại lại có thể gây ra sự nguy hiểm cho xã hội. Đáng lên án hơn cả, chúng đã lợi dụng nỗi đau, nỗi tuyệt vọng của những người đang cần được chữa bệnh để kiếm lời.
Luật sư phân tích các khía cạnh pháp lý nhận diện những sai phạm
Theo Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners nhận định, hành vi quảng cáo thuốc sai sự thật, thuốc rởm trên mạng xã hội có thể bị xử lý theo nhiều góc độ.
Tại khoản 2 Điều 79 Luật Dược năm 2016 quy định: “Điều kiện đối với thuốc được quảng cáo được quy định như sau: a) Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn; b) Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; c) Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam”.
Lại căn cứ theo Điều 125 Nghị định 54/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược, nội dung quảng cáo thuốc trên các trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử cần phải có các thông tin bắt buộc như: Tên thuốc; Thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc; Chỉ định; Chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt; Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất thuốc; Lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
Tiếp theo về các thông tin, hình ảnh không được đưa vào sử dụng trong quảng cáo thuốc thì tại Điều 126 Nghị định 54/NĐ-CP quy định không được sử dụng: Các từ, cụm từ: điều trị tận gốc, tiệt trừ, chuyên trị, hàng đầu, đầu bảng, đầu tay, lựa chọn, chất lượng cao, đảm bảo 100%, an toàn, dứt, cắt đứt, chặn đứng, giảm ngay, giảm liền, giảm tức thì, khỏi ngay, khỏi hẳn, yên tâm, không lo, khỏi lo, khuyên dùng, hotline, điện thoại tư vấn và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự. (Khoản 6); Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc. (Khoản 15); Sử dụng hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc và các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận. (Khoản 16).
Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners. |
Các quảng cáo thuốc “rởm”, thuốc không rõ nguồn gốc tại các video trên mạng internet chắc chắn chứa đựng những nội dung bị cấm ở trên và tất nhiên, thường những sản phẩm ấy không có tên, thành phần, chống chỉ định... và quan trọng nhất là không có giấy đăng ký lưu hành thuốc. Do đó, mọi hành vi quảng cáo như trên chắc chắn sẽ bị xử phạt theo các chế tài sau đây.
Về các vi phạm trong quy định về quảng cáo thuốc:
Theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung mộ số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, tại Điều 68 quy định về “Vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc” các đối tượng có hành vi quảng cáo thuốc “rởm”, thuốc không rõ nguồn gốc trên Youtube, có thể bị phạt lên đến 40.000.000 đồng, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vĩnh viễn.
Về các dấu hiệu lừa đảo, các video quảng cáo có dấu hiệu mời những người nổi tiếng, những nghệ sĩ, các bác sĩ, chuyên gia, với mục đích tâng bốc, quảng bá, đánh giá chất lượng cũng như hiệu quả của các sản phẩm thuốc rởm, thuốc không rõ nguồn gốc, có sự tham gia của những người bình thường với vai trò đóng giả bệnh nhân, người đã dùng thuốc chữa khỏi bệnh để làm tạo niềm tin cho người tiêu dùng đều có dấu hiệu của việc lừa đảo.
Theo tiết lộ của những người trong cuộc, người bình thường đóng giả bệnh nhân sẽ được trả chi phí vài trăm ngàn đồng 1 lần quảng cáo. Giá thuê bác sĩ, chuyên gia có thể gấp khoảng 20-50 lần tuy chức danh. Còn riêng người nổi tiếng, số tiền cát-xê có thể cao gấp 300 lần người bình thường.
Ở đây có thể xác định, người làm quảng cáo đã lợi dụng sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, chuyên môn nghiệp vụ cũng như sự đồng cảm để lôi kéo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình, thổi phồng những tác dụng đáng kinh ngạc của thuốc để lừa tiền của mọi người. Theo BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hành vi này đủ để cầu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng và hình phạt tù lên đến mức án chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu tiếp tục hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với các bác sĩ, chuyên gia tiếp tay cho hành vi quảng cáo thuốc giả sẽ bị xem xét kỷ luật, các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sẽ tự hạ thấp uy tín, danh dự của mình. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như đã nói ở trên, bệnh nhân mua, sử dụng các loại thuốc mua trên mạng, có thể dẫn đến hôn mê, biến chứng suy gan, thận. Một số loại thuốc mua trên mạng thậm chí còn sử dụng các nguyên liệu đã bị cấm đưa vào chữa trị cho nên, thiệt hại về sức khỏe là điều dễ dàng có thể thấy được.
Theo các quy định trong Bộ luật Dân sư tại Điều 584 “Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại” và Điều 590 “Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” thì khi người tiêu dùng sử dụng các loại thuốc “rởm” thuốc không rõ nguồn gốc được bán tại các video quảng cáo trên mà bị thiệt hại về mặt sức khỏe thì bên bán thuốc phải bồi thường thiệt hại như sau:
“Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Một khoản tiền bù đắp về mặt tinh thần”.
Về hành vi cắt ghép, sử dụng hình ảnh người khách, hình ảnh đài truyền hình để tiến hành tạo lập quảng cáo, tại Điều 32“Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” quy định tại BLDS 2015 thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm.
Việc sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý để quảng cáo sẽ bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Việc lợi dụng niềm tin, uy tín của một cơ quan nhà nước để quảng cáo sản phẩm kinh doanh nhằm thu hút khách hàng, tăng doanh thu, trục lợi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 của BLHS năm 2015 với mức phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, phạt tù đến 5 năm.
Ngoài ra, các đối tượng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm với mức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tóm lại, các quy định về quản lý quảng cáo thuốc, xử phạt các vi phạm liên quan đến vấn đề quảng cáo thuốc dởm của nước ta hiện nay khá chặt chẽ. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các cơ quan liên quan khi tiến hành kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp thì tới đây tình trạng loạn “thần y” tự xưng trên mạng xã hội sẽ sớm được giải quyết. Nhưng từ giờ đến lúc ấy, người tiêu dùng cần phải cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo, quảng cáo “thần dược” đến từ các “lương y” để tránh tiền mất, tật mang.