Cảnh báo tử vong từ ngộ độc ốc biển

(PLVN) - Nhiều loại ốc biển chứa độc chất saxitoxin và tetrodotoxin khiến nạn nhân ăn vào bị suy hô hấp, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Mới đây nhất, một ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa đã thiệt mạng sau khi ăn ốc bùn răng cưa và bùn bóng đánh bắt trên biển. Đây không phải trường hợp đầu tiên thiệt mạng do ăn các loại ốc này.
Mẫu vật ốc biển 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh bắt được.
Mẫu vật ốc biển 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh bắt được.

Tử vong vì ăn ốc lạ

Khoảng 9 ngày 11/9, nhóm 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), gồm: Nguyễn Văn T. (23 tuổi, ngụ thị trấn Vạn Giã), Hồ Văn N. (21 tuổi, ngụ xã Vạn Thạnh) và Trần Quốc T. (22 tuổi, ngụ xã Vạn Khánh) đi đánh bắt cá trên biển huyện Vạn Ninh có lặn bắt được một túi ốc biển không rõ loại. 

Sau đó, nhóm ghé vào đảo Khải Lương (xã Vạn Thạnh) cho một gia đình người quen một nửa túi ốc trên. Số ốc còn lại, 3 ngư dân hấp ăn vào 16h cùng ngày. Sau nửa tiếng đồng hồ, 3 người ăn xuất hiện các triệu chứng: tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. 

Đến 19h cùng ngày, ngư dân Nguyễn Văn T. có triệu chứng trở nặng, được người dân đưa vào Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) và cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã tử vong trước đó. Tuy nhiên, gia đình không tin nên tiếp tục chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và cho kết quả giống nhau. 

Khoảng 1h ngày 12/9, các bệnh nhân còn lại được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. 

Theo bác sỹ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, lúc nhập viện 2 bệnh nhân Hồ Văn N. và Trần Quốc T. trong tình trạng tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim… nên được nhanh chóng đưa vào hồi sức và chữa trị. Đến nay, các bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện.

Ôc bùn răng cưa cực độc (Nassarius papillosus).
Ôc bùn răng cưa cực độc (Nassarius papillosus). 

Đối với gia đình ở đảo Khải Lương được tặng nửa bịch ốc, gia đình nay cũng đem ốc đi luộc nhưng chỉ có 2 người ăn. Do thấy ốc lạ nên họ chỉ ăn vài con, còn lại bảo quản trong tủ lạnh. Hiện tại, 2 người này chưa có biểu hiện, triệu chứng gì nhưng vẫn được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh để theo dõi sức khoẻ.

Trước đó, tối 27/2, sau khi ăn ốc luộc, 3 mẹ con chị V.T.A. (44 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cảm thấy bị tê chân tay, buồn nôn… nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Tuy các bác sĩ của bệnh viện đã tích cực cứu chữa nhưng do bị ngộ độc nặng, sau một ngày nhập viện, chị V.T.A. đã tử vong. Riêng hai người con được chữa khỏi và xuất viện sau đó. Loại ốc mà 3 mẹ con chị V.T.A. ăn sau đó được xác định là ốc bùn bóng.

Tháng 12/2019, tại phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang), chị N.T.T. (46 tuổi) cũng ăn ốc bùn bóng và bị tử vong sau khi chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Số ốc mà chị N.T.T. ăn được xác định bị nhiễm ký sinh trùng.

Quay trở lại vụ ngộ độc do ăn ốc biển khiến một người chết ở huyện Vạn Ninh, sau vụ việc, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã thu thập các mẫu vật ốc còn lại của gia đình ở đảo Khải Lương và chuyển đến Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) ở TP Nha Trang để xác định tên loài ốc và độc tố của chúng.

Ốc bùn bóng (Nassarius glans) có chứa độc tố.
Ốc bùn bóng (Nassarius glans) có chứa độc tố.  

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong tổng số 30 mẫu vật được phân tích, có 29 mẫu vật được xác định là loài ốc bùn răng cưa (Nassarius papillosus) và một mẫu vật thuộc loài ốc bùn bóng (Nassarius glans). Đã xác định hàm lượng lớn chất tetrodotoxin xuất hiện trong tất cả các mẫu vật của 2 loài ốc nêu trên. 

Tetrodotoxin là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, chất này khóa kênh trao đổi ion natri trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh. Với độc tính cao gấp 21,7 - 77,7 lần giới hạn cho phép, ước tính chỉ cần 5 - 10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể gây tử vong cho một người bình thường trong vòng 30 phút đến vài giờ sau khi ăn. 

Theo TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, do đặc tính bền nhiệt, bền axit, độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến nên có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp. 

Triệu chứng ngộ độc do ăn ốc biển độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm: tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng (đi loạng choạng, lảo đảo)... Trường hợp nặng có thể co giật, sùi bọt mép, hôn mê và tử vong do liệt cơ hô hấp. 

Đề phòng ngộ độc ốc biển

Các kết quả ghi nhận về các loài ốc biển như: ốc mặt trăng (Turban), ốc đụn (The top of shells), ốc tù và (Trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (Ivory snails), ốc trám (Oliva)... là những loài có nguy cơ gây ngộ độc. Tùy thuộc vào từng loài ốc mà chất gây độc có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các động vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn…) hoặc tetrodotoxin (độc tố trong cá nóc, mực đốm xanh, cua móng ngựa…).

Nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay chưa được biết rõ và khá phức tạp. Không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều chứa độc tố. Độc tính cũng rất khác biệt theo từng cá thể, vùng địa lý và mùa vụ. 

Các chuyên gia cho biết, các trường hợp ngộ độc do độc tố saxitoxin và tetrodotoxin vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Để giảm những nguy hại, nếu ăn phải những loại ốc có chứa độc tố này cần nhanh chóng kích thích nôn, rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Bệnh nhân khi có biểu hiện bất thường sau ăn cần vào bệnh viện sớm, việc điều trị triệu chứng kịp thời, người bệnh cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn bằng thở máy, truyền mạch…

Không chỉ ăn ốc biển lạ, ngay với ốc thông thường, mọi người khi ăn cũng cần phải hết sức lưu ý. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, ốc là một trong những loài động vật nhuyễn thể. Vì sống ở tầng đáy, ăn những thứ bẩn nên khi sơ chế cần làm sạch, nếu không đối diện nguy cơ nhiễm kim loại nặng rất cao.

Ốc chứa ký sinh trùng nhiều nên không được ăn sống, ăn tái… Các loại ấu trùng đi vào cơ thể xuyên qua thành ruột di chuyển lên não và tủy sống có thể gây ra nhiều bệnh như: viêm màng não, giảm thị lực…

Bởi vậy, khi sử dụng ốc làm thức ăn đều phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn. Mọi người có thể dùng nước vôi nhạt, giấm ăn, nước muối nhạt để ngâm cho ốc đào thải hết cặn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt. Sau đó rửa sạch bằng nước sạch, để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Những người bụng yếu như đang tiêu chảy không nên ăn ốc dễ khiến cho tình trạng nặng nề hơn.

Để tránh những nguy hiểm không đáng có, tuyệt đối không nên dùng loại ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ để chế biến thành thức ăn. Sau ăn, nếu có biểu hiện khác thường như: đau bụng, buồn nôn, đau đầu, tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi… cần đến cơ sở y tế gần nhất kiểm tra, điều trị kịp thời.

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm nói chung, ngộ độc thực phẩm biển nói riêng, vệ sinh an toàn thực phẩm biển là vấn đề đang rất cần được quan tâm quản lý.

Đọc thêm