Những con số báo động
Ngày 1/9 vừa qua, một cư dân ở thành phố Cagnes-sur-Mer, miền Nam nước Pháp phát hiện một bàn chân thò ra từ một đống rác, cành cây và một chiếc chăn cũ. Tiến lại gần, người này hoảng hồn khi phát hiện ra rằng đó là cơ thể đã biến dạng của một người phụ nữ - người về sau được xác định là nạn nhân của một vụ tấn công tàn bạo mà nghi phạm chính được xác định chính là bạn trai của cô.
Salomé (21 tuổi) - nạn nhân được tìm thấy trong đống rác - được cho là nạn nhân thứ 100 của “dịch bệnh” phụ nữ bị người tình, người thân trong gia đình sát hại xảy ra tại Pháp trong năm nay. Chỉ 1 ngày sau khi xác của Salomé được tìm thấy, một người phụ nữ 92 tuổi cũng đã bị người chồng 94 tuổi của mình đánh đến chết.
Thống kê cho thấy, số vụ bạo lực gia đình ở Pháp đã và đang ở mức báo động. Trong đó, trong các vụ đàn ông giết phụ nữ chiếm số lượng nhiều hơn hẳn. Chỉ riêng trong năm nay, ở nước này đã có hơn 130 phụ nữ bị người tình và người yêu cũ giết hại. Con số này cao hơn đáng kể cho so với tỉ lệ trung bình ở châu Âu.
Ở các nơi khác của châu Âu, bạo lực gia đình cũng vẫn xảy ra thường xuyên và vẫn có nhiều phụ nữ mất mạng mỗi năm vì vấn nạn này. Tại Bắc Ireland, bà Sonya McMullan từ Tổ chức Trợ giúp Phụ nữ Bắc Ireland cho biết, các vụ bạo lực gia đình ở đây đang gia tăng và sự bảo vệ cho phụ nữ của họ yếu hơn so với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Hồi tháng 3 vừa qua, cô Giselle Marimon-Herrera và con gái là Allison được phát hiện đã bị siết cổ trong căn hộ của họ ở County Down. Họ được cho là đã bị bạn trai của Giselle sát hại.
Năm 2017, cô Connie Leonard cũng đã bị bạn trai cũ sát hại, con trai của cô cũng bị đâm trúng. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia, ngoài các lý do như ở nhiều nơi khác còn do Bắc Ireland không có luật hình sự hóa việc “kiểm soát mang tính chất cưỡng ép” đối với đối tác. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ cho việc bảo vệ phụ nữ ở đây cũng đã bị cắt giảm 5% và các đề xuất cải thiện sự an toàn của phụ nữ đã bị đình trệ thời gian qua.
Phần Lan - nước được coi là ngọn hải đăng của bình đẳng giới của thế giới cũng là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ bị “đối tác” sát hại cao nhất của EU. “Ở các nước Bắc Âu, quyền bình đẳng của phụ nữ được bảo vệ trong phạm vi công cộng nhưng không ở phạm vi riêng tư.
Các chính sách của Nhà nước đã trao nhiều quyền cho phụ nữ, nhưng chính sách này tập trung vào thị trường lao động... chứ không phải là sự bình đẳng trong cuộc sống riêng tư”, bà Paivi Naskali - giáo sư nghiên cứu về giới tại Đại học Lapland từng nhận xét.
Biểu tình phản đối tình trạng phụ nữ ở châu Âu bị bạo hành,sát hại. |
Các nước Baltic cũng có tỷ lệ phụ nữ bị đối tác sát hại cao. Tây Ban Nha lâu nay vẫn thường được coi là một điển hình cho sự thành công trong việc ban hành các biện pháp nhằm bảo vệ phụ nữ trước tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Năm 2004, nước này đã thông qua luật thành lập một mạng lưới các tòa án chuyên về bạo lực gia đình, đồng thời cũng đặt ra mục tiêu tăng thêm ngân sách cho các chương trình hỗ trợ những nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình.
Thế nhưng, vào tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha vẫn ghi nhận vụ phụ nữ thứ 1.000 bị sát hại kể từ khi Tây Ban Nha bắt đầu thu thập dữ liệu về các vụ bạo lực gia đình vào năm 2003. Trong vụ việc này, nạn nhân Beatriz Arroyo (29 tuổi) đã quyết định chia tay bạn trai để bắt đầu một cuộc sống mới. Khi cô nói lời chia tay, gã bạn trai đã bóp cổ cô đến chết. Sáng hôm sau, người này cũng lao mình từ ban công xuống đất tự tử.
Được xác định là nạn nhân thứ 1.000 của Tây Ban Nha trong vấn nạn bạo lực gia đình, cái chết của cô được đánh dấu là một ngày đen tối trong lịch sử bạo lực được gọi là “machista” của Tây Ban Nha. Trong số 1.000 nạn nhân, 607 người đã bị chồng sát hại, 225 người bị tình cũ cướp đi mạng sống, 168 người bị giết khi đang trong quá trình chia tay. Số phụ nữ thiệt mạng trong năm nay tại Tây Ban Nha đã nhiều hơn gấp đôi số lượng được ghi nhận vào năm 2018.
Đâu là giải pháp?
Chỉ trong vài giờ sau vụ cụ bà 92 tuổi bị chồng hành hung tới chết, chính phủ Pháp đã công bố một loạt các biện pháp để bảo vệ phụ nữ khỏi vấn nạn bạo lực gia đình. Theo thông báo của Thủ tướng Edouard Philippe, Chính phủ Pháp sẽ chi 5,5 triệu USD để hỗ trợ các chiến dịch chống lại nạn phụ nữ bị đối tác sát hại, đồng thời cung cấp hơn 1.000 chỗ ở khẩn cấp cho những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nước này sẽ dành 5 triệu euro để giúp, đồng thời cung cấp 1.000 địa điểm mới để các nạn nhân của nạn bạo lực gia đình có nơi trú ẩn.
Giới chức Pháp cũng thông báo sẽ thanh tra 400 đồn cảnh sát về cách xử lý các khiếu nại của phụ nữ nhằm chấn chỉnh việc tiếp nhận và xử lý tin báo của các nạn nhân. Cùng với đó, Pháp cũng sử dụng thẻ điện tử để ngăn chặn những kẻ phạm tội tiếp cận nạn nhân của họ.
Tòa án gia đình trong khi đó sẽ được phép ngăn chặn những người cha có hành vi hành hung vợ được thăm con. Thủ tướng Pháp cũng khuyến khích việc bổ nhiệm các công tố viên và tăng cường hoạt động của các tòa án đặc biệt để xử lý các trường hợp bạo lực gia đình một cách nhanh chóng.
Tổng thống Macron cũng từng đích thân tới một trung tâm đường dây nóng nhận thông tin về các vụ bạo lực gia đình để phát động một chiến dịch chống lại vấn nạn này. Tuy nhiên, chỉ sau khi đích thân ngồi nghe một cuộc gọi, ông Macron nhận thấy rằng việc tiếp nhận sự hỗ trợ của các nạn nhân không hề dễ dàng.
Qua điện thoại, một người phụ nữ kể lại rằng, sau nhiều năm phải chịu đựng sự hành hạ từ người chồng bạo lực của mình, cô cuối cùng cũng đã có đủ can đảm để rời xa anh ta. Vì sợ bị hành hung nên người phụ nữ đã nhờ một viên cảnh sát đi cùng về nhà để lấy một số đồ đạc. Song, viên cảnh sát từ chối với lý do anh ta cần có lệnh từ cơ quan tư pháp mới có thể can thiệp - một lý do hoàn toàn không đúng với các quy định.
“Cách mà viên cảnh sát xử lý yêu cầu của nạn nhân hoàn toàn có vấn đề”, người phát ngôn của Tổng thống cho biết. Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp Pháp, nghiên cứu với 88 vụ việc phụ nữ bị giết bởi bạn đời cho thấy có đến 65% trong số đó đã từng cầu cứu nhà chức trách.
Các nước châu Âu khác cũng đã có một loạt các biện pháp để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình, thế nhưng kết quả đạt được đến nay vẫn được đánh giá là không quá khả quan. Bà Modesta Koyte - một nhà hoạt động xã hội về bạo lực gia đình tại Latvia - cho biết, những người tình nguyện tại các trung tâm hỗ trợ nạn nhân ở Litva nói rằng vấn nạn này chủ yếu là do thái độ trong xã hội. “Xã hội vẫn đổ lỗi cho người phụ nữ. Họ cho rằng đó là một việc đáng xấu hổ”, bà nói.
Theo bà Koyste, trong những xã hội này vẫn còn tồn tại quan niệm cho rằng việc người phụ nữ từ bỏ một mối quan hệ khi bị lạm dụng sẽ là một thất bại. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng việc người phụ nữ cố ở lại sẽ tốt hơn cho con của họ. Vì vậy, thay đổi quan điểm được xem là giải pháp cần chú trọng