Cuộc đời huyền thoại của “vua ngân hàng” Nguyễn Tấn Đời

(PLVN) - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, ông Nguyễn Tấn Đời đã trở thành một trong những doanh nhân giàu có bậc nhất Sài Gòn trước năm 1975, được coi là “ông vua” trong lĩnh vực ngân hàng. Trong suốt sự nghiệp huy hoàng của mình, ông đã phải trải qua nhiều biến cố, tán gia bại sản và bị lưu lạc nơi xứ người nhưng vẫn đau đáu với quê hương.
Ông Nguyễn Tấn Đời và logo của Tín Nghĩa Ngân hàng một thuở.
Ông Nguyễn Tấn Đời và logo của Tín Nghĩa Ngân hàng một thuở.

Say sưa với cải cách

Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Gia đình ông khá giàu có và tiếng tăm ở làng thời bấy giờ nên từ nhỏ ông được ăn học khá đàng hoàng. Năm 1945, ông được cho lên Sài Gòn để học bậc Cao đẳng tiểu học. Khi quân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, ông đành gác việc học trở về quê nhà ở Long Xuyên. Tuy nhiên, không lâu sau, chiến loạn lan đến quê nhà, ông đành trốn lên Sài Gòn một lần nữa.

Lần lên Sài Gòn này, không tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày ông lân la khắp nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ngủ ngoài hàng hiên một ngôi nhà ở đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3). Ông may mắn thoát cảnh “đầu đường xó chợ” khi được giới thiệu vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp. Không lâu sau, ông bỏ việc và bước vào nghề môi giới, tập trung vào hai mặt hàng là vật liệu xây dựng và vải vóc. Ông giàu lên rất nhanh, nhưng cũng nhanh chóng phá sản năm 1949 khi tham gia vào ngành kinh doanh tiền tệ (chuyển đổi Franc Pháp sang Đồng Đông Dương và ngược lại)

Ông quyết định lập nghiệp trở lại bằng nghề làm gạch ngói. Với sự siêng năng và uy tín trong làm ăn, chỉ hai năm sau, Hãng gạch ngói Đời Tân trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cung cấp cho thị trường từ Sài Gòn, miền Đông cho đến cả miền Tây Nam Bộ. Nhờ sự thành công của Hãng gạch ngói Đời Tân, đầu thập niên 1950, ông mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác và đều thành công, cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây cao ốc cho thuê, nổi danh với nhiều cao ốc đồ sộ lúc đương thời và đem lại cho ông những món lợi kếch xù. Một thời gian sau, ông nhảy sang kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa – một ngân hàng thương mại lớn nhất miền Nam những năm 1970.

Mặc dù bị phản đối quyết liệt, khen chê không ít, Nguyễn Tấn Đời vẫn quyết tâm thực hiện những cải tổ của mình. Ông thay đổi toàn bộ hệ thống cập nhật kế toán bằng máy NCR nhập từ Canada, phát hành thẻ tín dụng, mở màn cho một thời kỳ mới cho giới ngân hàng ở miền Nam lúc bấy giờ. Ông cho quảng cáo rầm rộ: đăng trên báo chí, phát hành lịch, tranh ảnh và áp phích khắp nơi, tặng tất cả khách hàng một đĩa hát “Của Hồi Môn” gồm những bài dân ca nổi tiếng do những ca sĩ tên tuổi thời bấy giờ trình bày. 

Ngoài ra, mỗi khách hàng mới sẽ được tặng một món quà tương xứng tùy theo số tiền gửi. Ngân hàng còn tổ chức xổ số theo định kỳ, phần thưởng rất giá trị gồm tivi, cassette, máy may, xe máy, thậm chí là xe hơi. Và một điều rất mới mẻ chưa ai nghĩ đến là sử dụng logo cho ngân hàng. Nguyễn Tấn Đời cho thiết kế logo là hình ảnh ông Thần tài cầm hai xâu tiền, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. 

Ông cũng cải tổ hoàn toàn về mặt hành chính, quy định nhân viên phải mặc đồng phục có logo Ngân hàng Tín Nghĩa; phải tuyệt đối lịch sự, nhã nhặn khi tiếp khách hàng, bất kể khách gửi tiền hay rút tiền. Nguyễn Tấn Đời còn cho mở rất nhiều chi nhánh trên một hệ thống rất rộng rãi. Nhờ đó, những tiểu thương và giới trung lưu không sợ rủi ro khi phải di chuyển trên đường dài để đến trụ sở ngân hàng. Và đặc biệt, tiền gửi tiết kiệm được rút ra bất cứ tại chi nhánh nào chứ không chỉ ở trụ sở trung tâm như các ngân hàng khác.

Ước vọng dang dở với quê cha đất tổ

Những nỗ lực về cách thức đổi mới của Nguyễn Tấn Đời khiến Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa lên án và chỉ trích thậm tệ. Dưới sức ép ngày càng lớn, Ngân hàng Quốc gia đã vào cuộc và mọi việc được giải quyết êm đẹp. Những cải tổ của Nguyễn Tấn Đời đều hợp lệ và ông vẫn là một “ông vua” không có đối thủ.

Ông được giới thương gia hoan nghênh chấp nhận nhưng Hiệp hội tiếp tục kiện cáo. Ngân hàng Quốc gia lại vào cuộc, tiến hành nghiên cứu về vấn đề có thể xảy ra giữa việc du nhập thẻ tín dụng với nền kinh tế tổng quát và sự bình quân của các ngân hàng ở miền Nam trước khi quyết định cho Tín Nghĩa Ngân hàng phát hành.

Đang ăn nên làm ra, ngày 21/4/1973, Nguyễn Tấn Đời bị bắt giam, hệ thống Tín Nghĩa Ngân hàng với 32 chi nhánh, gần 1.000 nhân viên bị phong tỏa và đánh sập. Người ra lệnh bắt giam ông là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đồng thời, cảnh sát, công an còn cô lập toàn bộ những người trong gia đình Nguyễn Tấn Đời, kể cả ban lãnh đạo Ngân hàng Tín Nghĩa. Cùng đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tung tin thất thiệt trên đài phát thanh, truyền hình và báo chí… với dụng ý tuyên truyền cho một cuộc đảo chính kinh tế.

Vụ bắt giam Nguyễn Tấn Đời, đóng cửa Ngân hàng Tín Nghĩa một cách bất hợp pháp đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng và một số tờ báo tự do. Họ lên án sự phi lý của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và kêu gọi Quốc hội phải can thiệp. Hai quản trị viên Ngân hàng Quốc gia vì danh dự và lòng can đảm đã từ chức để phản đối về hành động vô lý trên của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.

Ngồi tù 2 năm nhưng không hề được xét xử hay tuyên án, cũng không biết bị bắt về tội gì, Nguyễn Tấn Đời lại bị tịch thu toàn bộ gia sản. Mãi đến tháng 4/1975, ông mới được trả tự do.

Được tự do nhưng mọi quyền hành đều mất hết, tài sản bị tịch thu, ông lang thang về nhà tìm vợ nhưng không gặp. Thì ra trước đó vợ ông đã sang Canada ở họp cùng con cái. Chạy vạy khắp nơi, cuối cùng ông cũng mượn được một số tiền để tìm đường ra ngoại quốc. Nhưng tất cả số tiền ấy bị những kẻ tổ chức vượt biên lừa gạt lấy sạch, ông bị trôi dạt đến Thái Lan.

Tại đây, vì biết ông là một nhân vật quan trọng, chính quyền Thái Lan ra lệnh trục xuất ông về Việt Nam. Ông xin liên lạc với gia đình tại Canada và được chấp thuận. Sau đó, ông được con trai bảo lãnh sang Canada với sự can thiệp của Luật sư Harry Blank - Phó Chủ tịch Quốc hội Canada.

Tại Canada, ông vô tình gặp chủ một công ty người Nhật là ông Sato - một người bạn làm ăn với ông khi còn ở Sài Gòn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Nguyễn Tấn Đời, ông Sato đã đứng ra giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần Nguyễn Tấn Đời phát triển thành một hệ thống, thành công ngoài sự mong đợi. Sau hệ thống nhà hàng Kobe tại Canada, năm 1980, ông đầu tư mở thêm hàng loạt chi nhánh tại tại Mỹ như Washington, D.C., Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii...

Trở thành tỷ phú nơi đất khách, Nguyễn Tấn Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… với một tham vọng rất lớn là sẽ trở lại “ngôi vua” thời trước. Nhưng mọi kế hoạch, ước vọng khởi nghiệp tại quê nhà vẫn còn dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần vào ngày 6/7/1995 tại Orlando, Florida.

Đọc thêm