Nhói lòng gia cảnh cựu binh nhiễm chất độc da cam, cả nhà lâm trọng bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Hàng tháng, cầm 4 quyển sổ đi nhận tiền chế độ nhiễm chất độc da cam về để mua thuốc mà lòng tôi thấy tủi thân quá. Sinh con ra, cha mẹ nào cũng mong con khỏe mạnh, vậy mà…”, cựu binh Nguyễn Xuân Thanh nghẹn ngào khi nói về những đứa con nhiễm chất độc da cam/dioxin hơn 40 năm qua. 
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thanh và cô con gái mắc bệnh tâm thần do di chứng chất độc da cam từ cha.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thanh và cô con gái mắc bệnh tâm thần do di chứng chất độc da cam từ cha.

Vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo

Gần 60 năm sau ngày thảm họa quân đội Mỹ rải 80 triệu lít chất độc hóa học (10/8/1961) nhưng nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp đã chết nhưng thế hệ con, cháu bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể đang chịu cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều dòng họ có nguy cơ tuyệt tự.

Một trong những gia đình đang chịu đựng nỗi đau mang tên da cam là hoàn cảnh của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thanh (SN 1948, trú xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Vợ chồng ông sinh được 4 người con thì 3 đứa nhiễm thứ chất độc ấy. Do đó, bệnh tật cứ bủa vây gia đình cựu binh này.

Ông Thanhluôn đau đáu nỗi lo cho tương lai của con, cháu mình
Ông Thanhluôn đau đáu nỗi lo cho tương lai của con, cháu mình 

Năm 1967, ông Nguyễn Xuân Thanh nối gót anh trai Nguyễn Văn Tứ lên đường nhập ngũ ở chiến trường Trị Thiên. Năm 1969, ông Tứ hy sinh, còn ông Thanh vẫn tham gia chiến trường, năm 1973 thì hành quân sang Lào. Sau đó ông Thanh bị thương nặng nên đơn vị cho về Đoàn 200, Quân khu 4 điều trị. 

Cũng thời gian này, bố mẹ ở quê nhà đau ốm nên ông Thanh xin phép về thăm nuôi. Trong một lần sang làng bên bốc thuốc, người lính trẻ vô tình bà Phan Thị Từ (SN 1952) khi đó bà đang phụ bố mẹ gói thuốc. Chính cuộc gặp định mệnh ấy là nhân duyên để ông Thanh tìm được một nửa của cuộc đời mình. Năm 1976 họ kết duyên với nhau. Vì muốn có điều kiện chăm sóc bố mẹ đau ốm, một thời gian sau ông Thanh xin phục viên.

Phải rất khó khăn gia đình ông Thanh mới có bức ảnh chụp cùng hai người con bị bệnh tâm thần.
Phải rất khó khăn gia đình ông Thanh mới có bức ảnh chụp cùng hai người con bị bệnh tâm thần.  

Vợ chồng ông sinh được 4 người con nhưng có đến 3 đứa con bị ảnh hưởng của chất độc da cam gồm: Nguyễn Thị Lê (SN 1980), Nguyễn Thị Hòa (SN 1982), Nguyễn Văn Hảo (SN 1985). Người lính từng tham gia nhiều trận mạc đau lòng kể: Chỉ cô con gái đầu khỏe mạnh, còn 3 đứa em sinh ra đều có dấu hiệu bất thường, ánh mắt đờ đẫn, bú kém, chân tay hơi nhỏ... 

Để chữa trị cho con, ông Thanh không quản ngại gian khổ. “Tôi đưa chúng đi hết nơi nay đến nơi khác, từ vào bệnh viện chữa thuốc tây, sang tận huyện miền núi Hà Tĩnh tìm mua những bài thuốc của đồng bào dân tộc, khi thì góp tiền mua những “thần dược” được người ta mách bảo, nhưng kết quả vẫn vậy. Bao nhiêu của nả kiếm được vợ chồng tôi đều góp để mua thuốc cho các con”, vừa nói, ông Thanh vừa lấy những cuốn sổ bệnh tâm thần của các con ra lật từng trang và đọc rõ tên thuốc. 

Dù vợ chồng ông đã đổ nhiều tiền bạc, công sức nhưng 3 đứa con lớn lên đều có “vấn đề”. Hết co giật, đập phá, lại lăn đùng ngã ngửa ra ngất lúc nào không hay. Cũng vì thế mà ông Thanh phải “sáng chế” ra túi đựng đồ đặc biệt, trong đó có mấy viên thuốc chống co giật, một cái que dài khoảng 10 cm và tờ giấy với nội dung: “Nếu khi nào thấy con tôi ngất hãy cho nó uống 2 viên thuốc, cho cái que vào miệng đề phòng cắn lưỡi. Những vật dụng đó tôi cho vào trong túi ni lông rồi buộc dây đeo vào cổ các con, nếu đi ra ngoài bị ngất thì có thể cứu kịp thời”, ông Thanh kể. 

Sổ điều trị ngoại trú tâm thần của các con ông Thanh.
Sổ điều trị ngoại trú tâm thần của các con ông Thanh.  

Cũng vì bệnh tật nên 3 đứa con của ông Thanh phải nghỉ học sớm. Cậu con trai út được một người thân ở miền Tây đón vào dạy cho nghề sửa xe máy để làm “cần câu cơm”. Khi đã thạo nghề, anh Hào về quê mở tiệm sửa xe nhỏ mưu sinh. Cũng chính tiệm sửa xe ấy đã giúp anh tìm được một nửa của cuộc đời mình. Cô gái ở huyện Thanh Chương sau một lần ghé tiệm sửa xe của anh Hào đã chấp nhận nên duyên vợ chồng dù biết người yêu không khỏe mạnh.

Nhưng không may mắn như em trai, hai chị của Hào lại có cuộc sống lận đận. Người chị Nguyễn Thị Lê vì ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin nên “ở vậy”, không lập gia đình. Cô em gái Nguyễn Thị Hòa dù lập gia đình nhưng sau đó tan vỡ cũng vì nỗi đau mang tên da cam. 

Nỗi đau còn vương mãi

Ngồi trong căn nhà nhỏ, ông Thanh trầm ngâm: Nhiều người cứ nghĩ nhà tôi có 4 sổ nhận trợ cấp của nhà nước thì làm gì khó khăn, nhưng họ đâu biết những nỗi đau không tên mà chúng tôi đã, đang và vẫn phải chịu. Tôi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên việc con cái lập gia đình cũng khó khăn. Chồng của con gái thứ 3 sau thời gian chung sống còn “tố” gia đình tôi giấu bệnh trước khi cưới. Mâu thuẫn vợ chồng cộng với những lời bàn ra nói vào của dư luận mà hôn nhân của nó tan vỡ. Sau đổ vỡ, nó về sống cùng vợ chồng tôi. 

Trớ trêu thay, cuộc sống của vợ chồng ông Thanh vốn đã gặp muôn vàn khó khăn từ 40 năm về trước, nay khi tuổi đã về già bà Từ phát hiện bị ung thư vú. Để có tiền điều trị bệnh cho vợ, ông Thanh phải vay mượn khắp nơi, đến nay vẫn còn khoản nợ 50 triệu đồng chưa trả được. “Sau thời gian điều trị tuyến trung ương, vì hết tiền, tôi xin đưa vợ về tuyến tỉnh xạ trị. Nhưng vào năm ngoái, trong một lần chở vợ đến bệnh viện xạ trị, tôi bị tai nạn giao thông. Dù may mắn thoát chết, nhưng tôi bị thương ở chân và vùng ngực. Di chứng khiến việc đi lại của tôi gặp khó khăn”, vừa nói ông Thanh vừa chỉ vào đầu gối chân hiện vẫn chưa lành hẳn.

Người vợ của cựu binh hiện lâm trọng bệnh.
Người vợ của cựu binh hiện lâm trọng bệnh.  

Vợ của ông sau 4 năm chống chọi với bệnh ung thư thì nay bà lại bị thêm chứng đột quỵ dẫn đến liệt nửa người, bệnh nọ chồng lên bệnh kia, sức khỏe của bà cứ yếu dần. “Dù bị đau ốm, đi lại khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng vào bệnh viện để chăm vợ. Không biết đến bao giờ bà ấy mới hồi phục được”, đôi mắt ông Thanh đỏ hoe. 

Ở bệnh viện vừa lo chăm sức khỏe cho vợ, ông Thanh vẫn thấp thỏm với những nỗi lo khác khi trái gió trở trời, các con ở nhà lại trái tính, trái nết, cào cấu lẫn nhau, chửi bới, đập phá đồ đạc. “Mỗi lần Lê lên cơn thì phải dỗ ngon, dỗ ngọt, chứ nó khó bảo lắm, không ưng là chửi kể cả khách lạ đến nhà chơi”, ông Thanh buồn rầu.

Gần đây, cháu nội mới sinh của ông Thanh cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc da cam. Những nỗi đau thầm lặng ấy cứ thế gặm nhấm cả thể xác lẫn tinh thần của người chiến binh già khiến ông càng trở nên đau đớn hơn. 

Ông Trương Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình cựu binh Nguyễn Xuân Thanh. Hàng năm, chính quyền đều động viên thăm hỏi gia đình vào những dịp đặc biệt.

Cảnh ngộ éo le, thương tâm của gia đình ông Thanh hiện đang rất cần sự chung tay, truyền hơi ấm tình người từ các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân. Những nhà hảo tâm có tấm lòng nhân ái muốn giúp đỡ xin liên hệ: Ông Nguyễn Xuân Thanh (SN 1948, trú xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Hoặc thông qua số điện thoại (0976.522.055) thư ký Báo Pháp luật Việt Nam. 

  

Đọc thêm