Trong danh sách 63 thành viên Bệnh viện dã chiến Việt Nam cấp II số 2 đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình ở Nam Sudan vào cuối năm 2019, có vợ chồng Đại úy Lê Hồng Thanh (36 tuổi) và Đại úy Lê Thị Hồng Vân (32 tuổi).
Đại úy Thanh là kỹ thuật viên gây mê làm việc trong phòng mổ thuộc khoa ngoại, còn Đại úy Vân là bác sĩ phẫu thuật sản phụ khoa. Cả hai vợ chồng đều là quân nhân công tác tại Bệnh viện Quân y 103. Anh Thanh, chị Vân là cặp vợ chồng sĩ quan Việt Nam đầu tiên cùng được cử sang làm nhiệm vụ ở Nam Sudan.
“Thời bình, nhà neo người, sao cả hai đứa đều đi?”
Mẹ chồng chị Vân sửng sốt khi nghe tin cả con dâu và con trai bà đều đi làm nhiệm vụ. Thậm chí bà còn giận không nói chuyện với vợ chồng anh Thanh vì nghĩ cả hai xung phong đi. Bà bắt anh Thanh phải lên gặp lãnh đạo bệnh viện để xin cho một người đi, một người ở lại. Anh Thanh không đồng ý và nói: “Con cũng muốn con gái tự hào về con như con đã từng tự hào về bố”.
Bố của anh Thanh làm giảng viên quân sự tại Học viện Quân y, mẹ anh bà Lê Thị Xá cũng là y tá trong bệnh viện. Do đó, ngay từ khi chào đời tình yêu với màu xanh áo lính áo lính đã ngấm vào anh. Tuổi thơ của anh Thanh gắn liền với tiếng chào cờ, tiếng quân nhạc từ Học viện Quân y cạnh nhà. Anh Thanh chưa hề bỏ lỡ một lễ khai giảng nào của Học viện.
“Những lần đó, thấy bố cầm quốc kỳ đi đầu trong lễ duyệt binh, tôi vô cùng tự hào và luôn mong muốn được trở thành quân nhân”, anh Thanh nhớ lại. Không may ông mất khi anh 9 tuổi, nhưng những người đã cùng công tác sau này đều nhắc về ông với một thái độ kính trọng.
Vợ chồng Đại úy Thanh, Vân trong giây phút chia tay con gái nhỏ lên đường thực hiện nhiệm vụ (Ảnh: Tuổi trẻ) . |
Do đó, chị Vân hiểu được sự phản đối của mẹ chồng khi nghe tin cả hai anh chị lên đường sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ. Càng khó khăn hơn khi mẹ chị hiểu rõ tình hình chiến sự tại đây ác liệt như thế nào. Để có được cái gật đầu của mẹ, hai vợ chồng chị Vân đã phải giải thích với bà rằng, bệnh viện dã chiến nằm trong khu căn cứ của Phái bộ, chủ yếu khám chữa bệnh cho nhân viên LHQ và được bảo vệ. Tất cả còn trong thời gian huấn luyện, sàng lọc và chờ chốt danh sách chính thức.
Qua thời gian, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Đoàn bệnh viện dã chiến trước đó trở về có nhiều kinh nghiệm, mặc dù có khó khăn về điều kiện sinh hoạt và nỗi nhớ nhà luôn thường trực nhưng an toàn. Từ đó, mẹ chồng chị Vân cũng bớt lo lắng và vui vẻ chấp nhận để hai vợ chồng lên đường nhận nhiệm vụ.
Không có lý do để thoái thác
Vào buổi sáng ngày 19/11/2018, Đại úy Lê Thị Hồng Vân dự cuộc họp giao ban hàng tháng do Trung tướng Đỗ Quyết (Giám đốc Học viện Quân y) đến Khoa sản - Bệnh viện Quân y 103 trụ trì.
Ngay sau khi Trung tướng Quyết hỏi ai là bác sĩ trẻ nhất trong khoa, khi chị Vân đứng lên ông đã hỏi: “Thế tại sao em không đi bệnh viện dã chiến?”. Chị Vân chưa kịp trả lời thì chủ nhiệm khoa giải thích “nhưng chồng cô ấy đi rồi”, tướng Quyết tiếp lời: “Hai vợ chồng đi cũng được chứ sao”. Chị Vân sững người.
Vài ngày sau chị Vân được gọi lên làm công tác tư tưởng để tham gia vào bệnh viện dã chiến. “Tổ chức gọi thì tôi đi chứ cũng không có lý do gì để thoái thác”, Đại úy Vân kể. Tháng 12/2018, chị trở thành người gần như cuối cùng tham gia khóa huấn luyện.
Làm tư tưởng cho người khác đã khó nhưng làm tư tưởng cho chính bản thân mình lại càng khó hơn, đó chính là cảm giác của chị Vân khi được tổ chức giao nhiệm vụ. Bởi trăn trở lớn nhất của chị lúc đó là cô con gái nhỏ Lê Hồng Khuê (3 tuổi), tên gọi thân mật ở nhà là Bún. Con gái anh chị còn quá nhỏ và sẽ rất khó khăn nếu phải xa cả bố lẫn mẹ.
Tuy nhiên, lúc đó chị Vân đã nghĩ “nếu không đi bây giờ, sau này con lớn hơn mình mới đi thì con sẽ vất vả hơn, bởi khi bắt đầu đi học, con không thể thiếu sự quan tâm, dạy bảo của người mẹ”.
Chị Vân nói, có thể suy nghĩ của chị khác với nhiều người, bởi khi con còn đang trong tuổi ăn tuổi chơi, đứa trẻ sẽ nhanh chóng quên đi cảm giác nhớ mẹ. Ở nhà với sự quan tâm chăm sóc của ông bà nội ngoại, thời gian 1 năm sẽ trôi qua nhanh. Chứ để con đến tuổi vào lớp 1, đã nhận thức được nhiều hơn, khi đó mẹ con xa nhau sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Về công tác huấn luyện, ngay từ khi tham gia vào Bệnh viện dã chiến từ tháng 7/2017, trở ngại lớn nhất đối với anh Thanh là ngoại ngữ. Quãng thời gian huấn luyện đầu tiên, anh Thanh học tất cả các quy định của Liên hợp quốc về quyền con người, cấp cứu bệnh nhân trong thảm họa, Luật giao tranh... bằng tiếng Anh.
Tập tài liệu bằng tiếng Anh khiến đại úy Thanh không khỏi ái ngại. Có lần cô giáo người Australia kiểm tra bài, anh chỉ biết gãi đầu vì không thuộc từ mới. Vài lần như vậy, cô giáo buồn bã nói: “Hãy vì sự an toàn của chính mình. Có thể bạn sẽ bị bắt, và phải làm thế nào để không bị giết. Hoặc bác sĩ Việt Nam không hiểu bệnh nhân nói gì, chuyện đó rất buồn cười”.
Câu nói của cô giáo đã khiến anh Thanh nghĩ đến tình huống bị coi thường, bộ đội Việt Nam sẽ bị cười chê chỉ vì anh không biết tiếng Anh. Anh xin tạm nghỉ công việc ở Bệnh viện 103 để chuyên tâm học hành. Mỗi ngày phấn đấu học thêm 10 từ mới, rồi chủ động tìm giảng viên nước ngoài nói chuyện để luyện các kỹ năng. Tan lớp, anh Thanh đăng ký học thêm một khóa ở trung tâm ngoại ngữ. Anh Thanh thường xuyên thức tới 2-3h sáng để học tiếng Anh.
Sau 1 năm nỗ lực, từ một người sợ tiếng Anh, Đại úy Thanh đã lấy được bằng B1, nói chuyện được với giao viên và đọc được tài liệu nước ngoài.
Ngược lại, chị Vân dù chỉ được tham gia huấn luyện trong vòng 1 năm nhưng đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu cần thiết, có bằng chuyên khoa, bằng thạc sĩ, chứng chỉ tiếng Anh IELTS mức 5.0.
Sáng 19/11/2019, hai vợ chồng Đại úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân cùng nắm tay nhau lên chiếc trực thăng C17 của Úc sang đất nước Nam Sudan cách Việt Nam hàng nghìn cây số để làm nhiệm vụ.
Giờ đây, hàng ngày vợ chồng anh Thanh, chị Vân vẫn tranh thủ gọi về cho con gái và gia đình bằng gói cước di động 70 USD mỗi tháng.
Tại cuộc gặp gỡ được Cục Gìn giữ Hoà bình Việt Nam tổ chức (ngày 20/1), qua màn hình lớn được kết nối trực tuyến, chị Vân cho biết ngày nào cũng nói chuyện với con qua mạng, nhưng ngày hôm đó lại nghẹn ngào vì những lời thăm hỏi được thực hiện trước các đồng đội và vào ngày giáp Tết. “Ở Nam Sudan, tôi dành hết thời gian cho công việc, hạn chế ngồi suy nghĩ một mình vì sợ không vượt qua được nỗi nhớ con”, chị Vân nói.
Nghe con dâu nói, bà Xá động viên con giữ gìn sức khoẻ, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. “Các con yên tâm vì ở nhà mẹ chăm sóc Bún rất tốt”, bà nhắn nhủ. Đối với những chiến sĩ mũ nồi xanh như anh Thanh, chị Vân thì sự ủng hộ của gia đình, một hậu phương vững chắc luôn là động lực lớn nhất để họ hoàn thành nhiệm vụ cao cả đã được giao phó.