Có được phép đầu tư, kinh doanh dịch vụ "thám tử tư"?

(PLVN) - Hiện trên một số trang mạng có quảng cáo dịch vụ "thám tử tư" với hoạt động thu thập chứng cứ về hành vi ngoại tình theo yêu cầu hoặc tiến hành các điều tra dân sự khác với giá khá cao nhưng vẫn được nhiều người quan tâm và cân nhắc sử dụng...
Nhan nhản các công ty thám tử quảng cáo trên mạng
Nhan nhản các công ty thám tử quảng cáo trên mạng

Mặc dù các công ty "thám tử tư" quảng cáo dịch vụ của họ bảo đảm bí mật, đúng quy định của pháp luật nhưng những người muốn sử dụng dịch vụ này nhưng băn khoăn liệu làm như vậy có xâm phạm tự do cá nhân, vi phạm nguyên tắc đảm bảo bí mật đời tư của công dân hay không? Chưa kể, giả sử những chứng cứ ngoại tình mà thám tử tư thu thập được bằng cách nào đó bị lọt ra ngoài thì hậu quả vô cùng nguy hiểm...

Về vấn đề này, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Cty Luật TNHH Bảo Ngọc, Hà Nội) phân tích: 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, "thám tử tư, điều tra" là lĩnh vực cấm đầu tư do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

Điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 cũng quy định “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là ngành, nghề cấm kinh doanh.

Như vậy, pháp luật không cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức nên hành vi nhận và thực hiện dịch vụ điều tra của thám tử tư nọ là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do của cá nhân. Mọi tổ chức, cá nhân hành nghề này (nếu có) đều là bất hợp pháp.

Tại Điều 38 Bộ luật dân sự quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, hành vi theo dõi, thu thập thông tin đời tư của thám tử tư nọ đã xâm phạm quyền bí mật đời tư của anh, là hành vi vi phạm pháp luật...

Bởi vậy, mọi hoạt động "thám tử tư", điều tra dân sự xâm phạm đến đời tư của người khác là vi phạm pháp luật.

Nếu phát hiện có hành vi trên, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, công dân cần gửi đơn tố giác vi phạm pháp luật của “thám tử tư” đến cơ quan điều tra để đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm