Trò chơi của trí tuệ
Trò chơi cổ nhơn thường được bắt đầu vào 30 Tết và kéo dài đến mùng 6 Tết. Đến nay chưa có một tài liệu chính thống nào nói rõ nguồn gốc xuất xứ của cổ nhơn, chỉ biết nó đã có từ rất lâu đời, được nhiều thế hệ truyền nhau. Với người dân Hoài Nhơn, trong ngày Tết cổ truyền, thiếu cổ nhơn như thiếu bánh tét, bánh chưng, hoa mai vậy.
Người chơi cổ nhơn không phân biệt tầng lớp, tuổi tác, trình độ học vấn... Hình ảnh một cậu bé hăng say lý giải suy đoán của mình và một cụ ông đeo kính ngồi chiêm nghiệm, cân nhắc lựa chọn đã trở nên rất quen thuộc ở nơi đây. Mọi người lắng nghe, tranh luận và ghi nhận ý kiến lẫn nhau để giải đáp được trò chơi.
Việc tham gia giải đố cũng là thước đo sức hiểu biết, sự uyên bác của người tham gia trò chơi. Vì đòi hỏi chất trí tuệ cao nên nó cũng tạo ra những thử thách lớn cho cả những bậc trí giả, thức giả. Chính vì những đặc điểm này mà cổ nhơn trở thành một giá trị văn hóa dân gian.
Đông đảo người dân tham gia trò chơi cổ nhơn. |
Trò chơi này có một ban tổ chức, gọi là hội xổ cổ nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra đề (đề là 4 câu thơ lục bát, còn gọi là câu thai), thu tịch và sẽ chung tiền cho những người giải đáp chính xác. Tỷ lệ chiến thắng 1 thưởng 25. Tịch của trò chơi này gồm có 36 con vật, dùng để ghi số tiền mà người chơi mua.
36 con vật trong bảng cổ nhơn được chia thành 9 nhóm: Tứ trạng nguyên: cá trắng, ốc, ngỗng, công; Ngũ hổ tướng: trùn, cọp, heo, thỏ, trâu; Thất sinh lý: rồng bay, chó, ngựa, voi, mèo, chuột, ong; Nhị đạo sĩ: hạt, kỳ lân; Tứ mỹ nữ: bướm, hòn đá, én, cu; Tứ hảo mạng: khỉ, ếch, quạ, rồng nằm; Tứ hòa thượng: rùa, gà, lươn, cá đỏ; Ngũ khất thực: tôm, rắn, nhện, nai, dê; Nhất ni cô: con yêu.
Người soạn câu thai là những người có uy tín, học rộng. Khi luận thường luận theo tuồng, theo tích, các thể thơ tứ tuyệt. Người chịu trách nhiệm giải câu thai phải là người nhanh trí, hiểu biết kỹ trò chơi, giải thích cho phù hợp với từng đối tượng. Nhưng cũng không mấy khi có người thắc mắc vì hội xổ giải thích theo lý lẽ riêng của mình và thường thì rất thuyết phục.
Trong khi đó, người bán tịch thường là người biết bàn, luận về thai sao cho có lý để thu hút người mua. Người nào luận càng hay thì càng thu hút được người mua. Cuộc chơi là cuộc đấu trí, thi tài giữa người chơi và người cầm tịch. Những người ra thai, cũng phải tiên liệu những khả năng mà người chơi sẽ tính được và tìm cách dẫn dắt họ đi sai đường. Chính vì cuộc đấu trí tuệ công khai như thế nên trò chơi cổ nhơn này thu hút được đông đảo người tham gia.
Đấu trí bằng thơ
Cứ một ngày hai lần, 6h sáng và 14h chiều, hội xổ cổ nhơn sẽ chọn 1 trong 36 con cho vào một chiếc hộp gỗ có khóa, niêm phong, rồi mang đến nơi treo đề. Hộp gỗ sẽ được treo trên ngọn cây nêu trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, hội xổ và người dân.
Cây nêu này cao hơn 5m thường được đặt trước sân của trụ sở chính quyền. Dưới sân lúc nào cũng có dân quân trực canh gác. Cũng với sự có mặt đó, đến 12h trưa và 18h tối, đại diện hội xổ sẽ có người kéo hộp gỗ xuống, mở và công bố đáp án.
Người chơi dựa vào ý nghĩa của đề mà luận ra đáp án. Đây chính là phần sôi nổi nhất. Nội dung của 4 câu thai thường về danh lam, thắng cảnh, các chiến thắng lịch sử, câu chuyện văn học, cuộc sống đời thường...
Đáp án cũng bám vào những ý đó, tuy nhiên không phải ai cũng là người chiến thắng. Chưa chắc người luận hay đã thắng, cũng chưa hẳn người chọn bừa sẽ thua. Đây giống với câu nói vui: “Đúng nhưng không trúng”. Vì đã là thơ thì luận kiểu nào cũng có lý, cũng đúng nhưng để trùng với lựa chọn của hội thì không hề đơn giản.
Câu thai trong đề thường gọn, lời lẽ đơn giản. Ví như câu thai: “Chào xuân rộn tiếng chim ca/ Trăm nhà nô nức, vạn hoa thắm cành/ Ruộng đồng đủ nước thêm xanh/ Tơ hồng kết nối duyên anh với nàng”, người chơi có thể dựa vào nhiều ý trong câu thai để luận. Từ “chào xuân” dễ liên tưởng đến con công (tên Hán Việt là Phùng xuân); hay “trăm nhà nô nức” bàn đến con ong hoặc bướm; “ruộng đồng”, “xanh” luận đến cá, lươn… Tùy mỗi người suy đoán nhưng kết quả thì lại là con thỏ. Hội xổ giải đó là con thỏ, bởi con thỏ tên Hán Việt là Nguyệt bửu, và lý lẽ đưa ra là ông tơ bà nguyệt kết nối duyên anh với nàng.
Hay như câu thai: “Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi/ Đào viên kết nghĩa sá gì thấp cao/ Khổng Minh mưu trí lược thao/ Chu Du bái phục, quân Tào hoảng kinh”, người chơi có thể luận ra con khỉ (Tam hòe) dựa vào cơ sở ba anh em kết nghĩa; hay luận ra con thỏ (Nguyệt bửu) dựa vào sự tài trí; hoặc luận rồng nằm (Thái bình) vì Khổng Minh là ngọa long tiên sinh…
Tuy nhiên, hội xổ lại giải ra con chuột (Tất khắc) dựa vào chiến thắng như chẻ tre của Khổng Minh làm quân Tào hoảng sợ. Cách luận nào cũng có lý lẽ riêng tạo sự đa dạng, phong phú. Người luận đúng không chỉ vui vì được thưởng mà còn được đám đông tán thưởng là luận hay.
Ở trò chơi này, hai buổi chơi liền nhau thì con vật xổ không được giống nhau. Trong 36 con thì con chí cao (con trùn, miền Bắc gọi là con giun) được coi là ông tổ cổ nhơn, thường thì hội không xổ con này vì đó là con vật phù trợ. Tuy nhiên, đôi khi ra bất ngờ con này nên người chơi bị thua “liểng xiểng” vì họ nghĩ hội xổ luôn gìn giữ con vật phù trợ “ăn nên làm ra” này. Những lúc như vậy, người chơi lại tíu tít bàn luận, rồi tiếc nuối. Đó là những cảm xúc rất hay trong ngày Tết.
Theo những người trong hội xổ cổ nhơn, trò chơi cổ nhơn là để mọi người vui chơi trong dịp Tết cổ truyền chứ không đặt nặng chuyện ăn thua. Trò chơi này có sức hấp dẫn kỳ lạ, bởi vậy nên không chỉ với những người dân địa phương mà cả ở những vùng lân cận như huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão cũng bị cuốn hút. Họ đến đây vui chơi, giải trí trong ngày xuân.