Quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm?
Cụ thể, đơn thư của Công ty TNHH Sở hữu Trí tuệ WINCO trình bày: Cty TNHH Sở hữu Trí tuệ WINCO thành lập năm 2002, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “WINCOLAW và hình” (số 60668) từ năm 2005, bảo hộ cho “dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ tư vấn pháp lý”.
Với gần 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam và thế giới, Cty WINCO đã có nhiều đóng góp trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, tiến hành hỗ trợ, phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng… trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công ty đã đại diện cho hàng nghìn doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nộp đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, đồng thời giải quyết hàng trăm vụ khiếu nại, khiếu kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.
Thời gian gần đây, công ty phát hiện nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” của mình có dấu hiệu bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi Công ty TNHH Tư vấn quốc tế INCOLAW (do bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc và bà Trần Thị Xuân Hiếu - Tổng Giám đốc cùng làm đại diện pháp luật) và Công ty Luật TNHH INCOLAW (do bà Trần Thị Xuân Hiếu - Luật sư, làm giám đốc đại diện pháp luật) có cùng địa chỉ tại Tầng 1, Tòa nhà Alpha Tower, số 151 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các công ty nêu trên đã sử dụng tên thương mại có dấu hiệu “INCOLAW” trên các giấy tờ giao dịch, website, phương tiện quảng cáo… cho các dịch vụ sở hữu công nghiệp, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật. Theo đại diện Công ty WINCO, hành vi của 2 công ty này gây nhầm lẫn tương tự với nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” của Công ty WINCO đã Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền như trên.
Từ đó, dẫn tới việc hệ lụy là cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng uy tín, danh tiếng của Công ty WINCO để kinh doanh cung cấp dịch vụ tư vấn và đại diện sở hữu công nghiệp cho khách hàng. Điều đáng nói, hai công ty trên không có chức năng kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp - theo đơn của Cty WINCO thì trình bày.
Dấu hiệu "INCOLAW" bị cho là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng rộng rãi trong hoạt động quảng bá. |
Trước thực trạng trên, ngày 13/5/2020, Công ty WINCO có văn bản gửi 2 công ty nêu trên để khuyến cáo về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” của Công ty WINCO. Tiếp theo ngày 15/6/2020, Công ty WINCO đã đề nghị 2 công ty trên đến làm việc để làm rõ những hành vi vi phạm nhưng không nhận được thiện chí hợp tác.
Được biết, đến nay Công ty WINCO đã hoàn tất thủ tục pháp lý khởi kiện 2 công ty nêu trên tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành vi sử dụng bất hợp pháp dấu hiệu “INCOLAW” trong tên thương mại, trên các phương tiện quảng cáo, trên website, biển hiệu, trên các phương tiện kinh doanh…và yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền tạm tính lên tới 35 tỷ đồng.
Có vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp?
Theo những thông tin phóng viên thu thập được từ Cục Sở hữu Trí tuệ, Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh thì Công ty Tư vấn INCOLAW và Công ty Luật INCOLAW không có chức năng kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, tuy nhiên vẫn cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp cho khách hàng.
Theo quy định tại Điều 154, Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 sửa đổi 2009, Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi nêu trên của Công ty Tư vấn INCOLAW và Công ty Luật INCOLAW vi phạm Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 sửa đổi 2009 và sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 9, Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi 2012 và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, nghiêm cấm luật sư có hành vi thiếu trung thực, lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính.
Nếu như vậy, những luật sư - người đại diện theo pháp luật của 2 công ty nêu trên đã có dấu hiệu vi phạm Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Được biết, hiện Thanh tra Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đang thụ lý, xem xét giải quyết đơn kiến nghị xử lý đối với Công ty Tư vấn INCOLAW và Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hà và Trần Thị Xuân Hiếu về hành vi lừa dối khách hàng, vi phạm Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành ngày 13/12/2019:
“Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, phải nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội” và Quy tắc 2 của Bộ Quy tắc thì luật sư phải “Độc lập, trung thực tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”.