Cụ bà 90 tuổi vẫn miệt mài giữ nghề đan nón lá

(PLVN) - Dù đã 90 tuổi, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Lưu vẫn miệt mài với đường kim, sợi chỉ để đan thành những chiếc nón lá. Cụ được xem là “di sản sống”, người “giữ lửa” nghề làm nón lá truyền thống của làng Phù Việt (Hà Tĩnh) trước thách thức của cơn lốc thị trường.
Tuổi cao nhưng hàng ngày cụ Nguyễn Thị Lưu vẫn miệt mài chằm nón.

Níu giữ văn hóa của làng

“Ai về Thống Nhất, Ba Giang/ Quê hương nón trắng tơ vàng là đây”, câu thơ trên nói về làng nghề truyền thống làm nón lá xã Phù Việt cũ(nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Nghề đan nón lá của làng có từ hàng trăm năm nay, trong đó sản phẩm của người dân hai thôn Thống Nhất và Ba Giang từng được biết đến không chỉ là dụng cụ che mưa, che nắng trong lao động, sản xuất mà còn được xem như một món đồ trang sức và đã đi vào thơ ca, nhạc họa. 

Riêng ở thôn Thống Nhất chẳng ai là không biết đến cụ bà Nguyễn Thị Lưu (90 tuổi). Cụ Lưu được xem là “nghệ nhân” gắn bó với nghề nón lá gần như trọn cả cuộc đời. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, hàng ngày cụ Lưu tỉ mỉ chắp nối từng vành tre mỏng manh, uốn thành khuôn nón, là từng cọng lá. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng chứa đựng bên trong làniềm đam mê, trăn trở của người làm nghề.

Vừa làm, cụ Lưu vừa tâm sự: “Ngày xưa cha tui thường bảo có nón thì có gạo, bây chịu khó mà làm đi!. Vì thế, lên 5 tuổi tôi đã tập tành làm quen với các công đoạn của nghề nón lá. Không lâu sau, tôi đã thạo việc đan nón lá, cùng bố mẹ, người thân đan nón để bán. Hồi đó đói nên ai cũng phải cố mà làm, làm cả ngày, có lúc đến 2 giờ sáng để ngày mai có nón đem ra chợ bán lấy tiền đong gạo… Thế nên đối với tôi, nghề làm nón lá không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thêm thu nhập mà còn là kỷ niệm, truyền thống gia đình”, cụ tâm sự.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề nón làng Phù Việt đã có hàng trăm năm, nổi tiếng với độ bền, đẹp. Trước đây, nhiều hộ gia đình trong xã làm nón lá. Sản phẩm làm ra được người dân trong vùng mua lại, đem ra chợ quê bán.Tiếng lành đồn xa, những chiếc nón lá bền, đẹp còn được đưa sang những xã khác tiêu thụ.

Làng nghề nón lá Phù Việt.  

Để hoàn thiện được một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, sơ chế, lên khuôn, may và hoàn thiện. Nguyên liệu làm nón chủ yếu là tre, đùng đình, sợi vọt, chỉ khâu. Theo cụ Lưu, thông thường lá nón (lá dừa hoặc lá cọ) được lấy từ rừng, tre và đùng đình được chẻ, vót tròn rồi uốn thành từng vành, bó lại đem phơi nắng trước khi đưa lên khuôn. Chỉ khâu thường dùng bằng sợi sợi cước.

“Nói thì dễ nhưng có bắt tay vào làm mới biết, không phải ai cũng làm được, để làm ra một chiếc nón đẹp đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, thật khéo léo từng chi tiết, không thể vội, phải tiến hành theo từng bước một cách tuần tự thì mới cho ra nón đẹp được”, cụ Lưu nói.

Theo kinh nghiệm của những người thạo nghề, chiếc nón lá trắng, đều vòng, mũi khâu đều tay, lỗ kim nhỏ không để lọt nắng mới được xem là đạt chuẩn.Nón lá làng Phù Việt sau khi hoàn thiện được quét phủ lên một lớp dầu bóng giúp nón cứng, bền, đẹp, bắt mắt. Mỗi chiếc nón lá chứa đựng sự vất vả, kỳ công, không chỉ là kỹ thuật mà còn đòi hỏi nghệ thuật nữa.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề truyền thống nhưng hiện tại, cụ Lưu vẫn áp dụng phương pháp thủ công. Mỗi ngày cụđan được 1-2 chiếc nón, mỗi chiếc nón được bán với giá 50.000-80.000 đồng.

“Giữ lửa” nghề truyền thống cho thế hệ trẻ

Cẩn thận ngồi chằm nón, cụ Lưu không khỏi tiếc nuối khi nhớ lại những tháng ngày hưng thịnh của làng nghề. Thời đó, khắp làng nhà nhà làm nón lá. Trong nhà, ngoài cổng đâu đâu cũng thấy các bà, các chị ngồi quay quần bên nhau, tay thoăn thoắt đan những chiếc nón. Tay làm miệng nói, không khí rôm rả, ấm áp cả một vùng quê.

Bà Nguyễn Thị Vân, trú xã Việt Tiến chia sẻ: “Ở mảnh đất mà thiên nhiên vốn không dành nhiều ưu đãi, người dân chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Để phục vụ cuộc sống và tăng thêm thu nhập, chúng tôi còn tranh thủ lúc nông nhàn để làm nón.

Nhiều năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn nhớ như in ký ức các mẹ, các chị ngồi thành một nhóm dưới gốc tre làng để đan nón. Cũng nhờ nghề này mà bố mẹ có tiền đong gạo, nuôi chúng tôi ăn học. Hiện nay, vì nhiều lý do nên chỉ còn ít người lớn tuổi như tôi làm nghề đan nón lá. Chúng tôi ý thức được rằng, đan nón không chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập mà còn gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình và làng quê”, bà Vân kể.

Cụ bà Nguyễn Thị Lưu dành cả cuộc đời gắn bó với nghề đan nón lá truyền thống ở làng Phù Việt.  

Trong xu hướng tiêu dùng hiện đại, chiếc nón lá mất dần đi vai trò, làm ra nhưng lại khó bán. Làng nghề thủ công phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là người trẻ không mặn mà với nghề truyền thống, yếu tố “cha truyền con nối” dần mất đi. Làng nghề trở nên “yếu ớt” trước cơn lốc của thị trường. Hiện làng nghề nón lá Phù Việt chỉ còn khoảng 15-20 người lành nghề, chủ yếu từ độ tuổi 45 đến 70. Giá bán thấp, lượng tiêu thụ ít dần, nguyên liệu làm nón cũng phải nhập từ nơi khác về, làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hàng ngày cụ Lưu vẫn miệt mài với nghề truyền thống của cha ông để lại. Với cụ, ngoài việc làm nghề để kiếm thêm thu nhập thì việc dạy cho những lao động có nhu cầu học nghề càng được ưu tiên. Cụ Lưu mong muốn góp một phần công sức trong việc “giữ lửa”, truyền nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chia sẻ về nghề truyền thống tại địa phương, ông Lê Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho hay: Không rõ nghề làm nón lá Phù Việt có từ bao giờ, nhưng từ nhỏ tôi đã thấy các bà, các chị ngồi đan lát. Hiện nay do có nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp trên thị trường nên những chiếc nón lá truyền thống không còn được ưa chuộng như trước. Làng nghề hiện nay chỉ còn một số ít người còn tâm huyết, bảo tồn nghề truyền thống, tiêu biểu nhất là cụ Nguyễn Thị Lưu.

Nói riêng về cụ Lưu, Phó Chủ tịch xã này cho hay: Tuy tuổi đã cao, nhưng hàng ngày cụ vẫn đan nón, gìn giữ nghề truyền thống của địa phương. Cụ còn nhiệt tình chỉ dẫn nghề cho những ai có nhu cầu tìm hiểu. Hiện, chính quyền địa phương đang có kế hoạch khôi phục lại làng nghề để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, cũng như tạo công ăn việc, tăng thu nhập cho bà con địa phương mỗi lúc nông nhàn.

Đọc thêm