Cuộc sống khốn khổ giữa lòng Thủ đô: Mẹ già 76 tuổi nuôi con trai điên dại

(PLVN) - Mắt đã mờ, chân đã chậm, mái tóc đã bạc trắng thế nhưng cụ Nguyễn Thị Tình (76 tuổi, Mai Động, Hà Nội) vẫn cố gắng mò mẫm chăm sóc con trai 48 tuổi mắc bệnh tâm thần.

 Ở tuổi 76 cuộc đời cụ Tình không có được những ngày tháng an hưởng tuổi già như nhiều người khác. Hàng ngày cụ vẫn phải đèo bòng đứa con trai tâm thần, ngây dại, đi lang thang khắp nơi, nhặt rác đem về nhà, cả ngày đêm nói chuyện một mình. Đã có nhiều lần cụ Tình nghĩ tới chuyện quyên sinh bởi cuộc sống quá cơ cực nhưng nghĩ đến đứa con dại chẳng ai chăm sóc cụ lại chẳng đành lòng.

"Cá chuối đắm đuối vì con"

Tìm về căn phòng trọ của bà Nguyễn Thị Tình, số nhà 38, ngõ 254, phố Mai Động, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi chứng kiến cuộc sống chật vật, thiếu thốn của cụ bà nuôi người con điên dại hàng chục năm nay.

Nơi ở của hai mẹ con bà Tình là căn phòng chưa đầy 15m2, nằm trong khu xóm trọ dành cho những người lao động nghèo. Căn phòng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc bếp ga mini, ấm nước điện và những bộ quần áo đông hè treo khắp nơi.

Gặp bà Tình khi bà đang dò dẫm từng bước theo bức tường cũ đi của con ngõ nhỏ vào nhà. Sau vài câu chào hỏi, bà Lão với mái tóc đã bạc trắng chậm chạp từng bước dẫn chúng tôi vào nhà. Anh Nguyễn Quang Huy (SN 1972) người con trai không may mắc bệnh tâm thần của bà nay không có nhà.

Theo lời kể của bà Tình, trước đây, bà cũng có một gia đình yên ấm. Hai vợ chồng bà có năm người con, không may một người mất sớm. Anh Huy là con trai út cũng là cậu ấm duy nhất của gia đình.

Biến cố đến với gia đình bà vào năm 2001, do làm ăn thua lỗ, anh Huy đã phải bán nhà, ông bà cũng dốc hết tiền bạc giúp con qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sau cú sốc đó, anh Huy do suy nghĩ quá nhiều trở nên ngớ ngẩn, anh thường xuyên lang thang, nói chuyện một mình. Ông bà đưa con đi khắp các bệnh viện chữa chị, anh Huy bị chuẩn đoán là mắc bệnh tâm thần.

Từ ngày con bị bệnh, gia tài không còn, ông bà cùng cậu con trai dắt díu nhau đi ở trọ tại khu vực Trần Khắc Chân. Chồng bà là bộ đội thông tin về hưu, nên ông có nghề sửa chữa điện được nhiều người tin thuê. Còn về phần bà cũng mở quán nước nhỏ phụ ông nên cuộc sống 4 năm sau đó của gia đình bà cũng tạm ổn. Tuy nhiên, từ năm 2005, sau thời gian mang bệnh chồng bà không qua khỏi.

Từ đó, cuộc sống của hai mẹ con bà trở nên khó khăn. Anh Huy như một đứa trẻ to xác, sau khi được đưa vào viện tâm thần anh nhiều lần trèo tường trốn ra ngoài. Thương con bà Tình chẳng nỡ đưa con trở lại. Ở phòng trọ khi con mang rác về bà phải dọa là có người đánh để anh không mang rác về xóm trọ. Bởi hai mẹ con bà đã phải nhiều lần chuyển trọ vì cậu con trai mang rác về phòng, nửa đêm hò hét làm phiền hàng xóm, các chủ nhà cũng chẳng thể thông cảm.

Bán mắt kính vỉa hè nuôi con

Sau ngày chồng mất, bà một mình bươn trải nuôi người con tật nguyền. Bà làm đủ nghề từ giúp việc, đến phục vụ người ốm. Thời gian đầu bà nhận chăm sóc người ốm, công việc đòi hỏi bà phải nâng người ta lên đặt xuống cho ăn uống, rèn luyện. Mỗi ngày như vậy bà được trả tới 300.000 đồng nhưng vì quá yếu bà chẳng thể làm được.

Thấy bà và con trai như vậy nhiều người mách hai mẹ con mua một cái xe đẩy, anh Huy đưa bà đi khắp nơi để ăn xin. “Người ta nói thế nhưng mình mặt mũi nào mà làm thế hả cô? Tôi xấu hổ lắm, mình vẫn còn đi lại được chưa tới mức phải lê lết thì làm thế sao được?”, bà Tình dãi bày.

Thế rồi bà Tình tìm tòi đi buôn kính mắt, vốn liếng của hai mẹ con bà chỉ là hơn chục chiếc kính râm, lão các loại hàng rẻ tiền bày trên chiếc hộp xốp bán ở dọc các vỉa hè quanh khu vực Mai Động. Ngày nào cũng từ 9h sáng đến 5h chiều bà mang chút hàng ít ỏi cùng con trai ngồi bán ở vỉa hè.

 Bà Tình cùng người con trai hàng ngày kiếm sống bằng nghề bán kính mắt rong trên vỉa hè

Những chiếc kính mắt được bà cẩn thận bỏ trong chiếc hộp xốp nhỏ chở trên con xe đạp cọc cạch được mua với giá 50.000 đồng ở tận dưới Hải Phòng. Nhờ bán kính mỗi ngày mẹ con bà cũng có được 60.000 – 70.000 đồng nhưng không đều đặn vì thế mẹ con cũng bữa đói, bữa no.

“Có hôm 4 ngày liền không bán được đồng nào. Ngồi ở hồ Đền Lừ là bán được nhiều nhất nhưng ở đây công an họ thường thường đuổi không cho bán. Nhiều chú công an cũng thương không đuổi tôi nhưng rồi cũng không mấy ai dám mua nếu công an tới”, bà Tình kể.

Bữa cơm của hai mẹ con bà Tình hàng ngày chỉ là có rau, đôi khi là chút thịt, đậu phụ bà dành tiền mua được. Nhiều hôm hai mẹ con hết gạo còn phải úp mỳ tôm ăn qua bữa. Cô con gái lấy chồng ở gần chỗ hai mẹ con bà Tình trọ nhưng cũng không thể giúp gì nhiều vì hoàn cảnh của chị cũng khó khăn. Thi thoảng con gái cũng cho bà được cân thịt, mớ rau. Nhiều khi không có tiền nhà chị vẫn giúp bà nhưng rồi mọi thứ chẳng thế mãi thế được vì họ còn có gia đình riêng.

Nhiều hôm hết gạo bà Tình phải úp mỳ tôm ăn qua bữa 

Bản thân bà Tình cũng không dám phiền con gái nhiều, mỗi sự giúp đỡ của con gái bà đều ghi vào chiếc sổ tay nhỏ với lời cảm ơn. Bởi bà bảo: “Con gái mình gả bán đi mấy chục năm rồi giờ ngửa tay xin tiền, nhận sự giúp đỡ của con mình cũng xấu hổ lắm nhưng biết làm sao được hả cô. Mình không có cho con thì sao có thể phụ thuộc hay trở thành gánh nặng của chúng nó được. Số mình khổ thì mình phải chịu.

Lắm hôm nó cũng xót ruột đưa cho 2 triệu để trả nợ rồi nói: ‘Thế mẹ ra đây chỉ vì tiền thôi à?’, tôi lặng im không dám cãi. Rồi nó đưa cho 4 tờ 500.000 đây, nó đưa có vẻ bố thí. Cũng đau lòng lắm, nhưng thôi thì nó nói còn hơn người ngoài nói lấy của nó mang về trang trải. Ngày xưa có bao nhiêu dồn hết cho con trai nên đành chịu”.

Dù cơ cực nhưng chưa bao giờ bà Tình từng nghĩ tới chuyện buông tay cậu con trai điên dại 

Con gái bà từng nói nếu không muốn khổ thì bà gửi anh Huy tới trại tâm thần rồi bà về ở với chị. Nhưng bà không nỡ vì sợ anh Huy đi lang thang bới rác, ngủ đầu đường xó chợ, người ta đánh đập thì khổ. “Nuôi con lớn từng này rồi ai nỡ hả cô”, bà Tình mắt đỏ hoe nhìn xa xăm.

Nhớ thời điểm giáp Tết nguyên đán, người người nhà nhà đều háo hức mong chờ tới Tết, nhưng với riêng mẹ con bà Tình giờ đây chỉ mong có đủ số tiền hơn 10 triệu để trả nợ tiền thuê nhà. “Tiền thuê nhà tôi nợ người ta tới 4 tháng rồi, tiền vay hơn 1 triệu của bà hàng xóm để trả tiền điện nước trước đó. Chủ xóm trọ người ta cũng tốt nhưng ai cưu mang mình mãi được hả cô. Tết nhất rồi chỉ mong có tiền trả họ để người ta trang trải”.

Những ngày cuối năm, trên khắp các con phố Thủ đô không khí ngày Tết đã đến gần nhưng ở trong căn phòng trọ chật hẹp của mẹ con bà Tình Tết thật xa xỉ. Họ không có Tết, “Tết để làm gì khi đến bữa ăn còn không no”, câu nói của bà Tình khiến tôi mãi day dứt.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin gọi về:

Bà: Nguyễn Thị Tình

Số điện thoại: 0813769699

Địa chỉ: số nhà 38, ngõ 254, phố Mai Động, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

    

Đọc thêm