Tôn vinh cái đẹp đời thường
Rabindranath Tagore sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Tagore làm thơ và dịch thuật từ rất sớm, khi mới 8 tuổi với bút danh Bhānusiṃha ("Sư tử Mặt trời"). Những vần thơ của ông toát lên một vẻ đẹp của thiên tài, sau này cống hiến không chỉ cho Ấn Độ mà cho cả nhân loại.
Mặc dù xuất thân từ gia đình có nề nếp, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa đa sắc màu của Ấn Độ, nhưng trong nghệ thuật, Tagore tự vượt qua lối cổ điển, bắt đầu nhìn nhận một cảm thức mới trong thi ca. Cách nhìn của ông về con người, về Thượng đế khác hẳn cách nhìn của nhiều thế hệ trước, nhiều thi sĩ trước.
Tagore được ví như là gạch nối giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Ở Tagore, không gì có thể làm con người khuất phục. Trong thơ, vừa mơ ảo, vừa hiện thực, Tagore đã đưa tâm hồn con người đi từ cách nhìn đời vào cách nhìn linh thiêng, để từ đó, biết yêu thương con người, biết bảo vệ cái đẹp, cái thiện lương.
Ông không phải là người nói lại những giáo huấn cũ bằng ngôn ngữ mới, mà là đưa ra những lời khuyên chân thành bằng lối thơ mới, vẻ đẹp mới. Thơ Tagore luôn hướng con người đến cái bình dị, cái chân thật nhất. “Hãy gọi anh, anh sẽ gom trái quả, đặt chúng đầy giỏ trong sân nhà em, dù một số quả đã mất và một số chưa chín/ Bởi mùa quả đã trĩu nặng với những quả đầy cành, và cây tiêu của người chăn cừu buồn bã trong bóng tối/ Hãy gọi anh, anh sẽ dong buồm trên sông. Gió tháng Ba cáu kỉnh, thổi trên mặt sóng uể oải thành những tiếng thầm thì/ Vườn cây đã thu hái, và trong giờ khắc mệt mỏi cuối ngày có tiếng gọi cất lên từ căn nhà của em trên bờ biển lúc hoàng hôn” (Mùa hái quả, bài số 1, Vũ Hoàng Linh dịch).
|
Bìa tập Thơ Dâng (Ảnh Amazon.in) |
Thơ Tagore luôn thể hiện cái dung dị, cái giản đơn. Nhưng đó là cái dung dị, giản đơn mà con người khó thấy, do bao lo toan cuộc đời đã làm ta quên lãng. Bài thơ trên đã lột tả một không gian sống động, yên bình. Chỉ cần gọi cho anh, anh sẽ mang tất cả đến cho em. Anh không gian dối, có gì từ anh, anh sẽ dâng đến cho em, trong giỏ hoa quả kia, cả trái ngọt lẫn trái còn xanh. Anh rất mệt nhọc để đem đến cho em tất cả, nhưng anh chỉ cần một tiếng gọi từ em. Tagore đã dẫn dắt người đọc, cho người đọc thấy rằng, hạnh phúc đơn giản là sự trao cho nhau những điều đơn giản nhất.
“Chỉ cần một lần bất cẩn, lữ khách rụt rè ơi, là bạn sẽ lạc mất đường đi; nhưng dù thế nào thì bạn cũng phải thật tỉnh táo, bởi giống như ánh sáng ban ngày bị cám dỗ và mắc bẫy trong sương mù/ Đừng tránh xa khu vườn của Trái Tim Lạc Lối đang chờ đợi ở cuối con đường lầm lỗi, nơi lơ thơ cỏ mọc với những bông hoa đỏ phai tàn, và mặt nước buồn rầu nhấp nhô trong biển cả lo âu/ Bạn nhìn kỹ xem các cửa hàng thu hoạch được gì qua nhiều năm mệt mỏi. Hãy tính toán đi, không có gì còn lại ngoài chiến thắng nỗi cô đơn” (Người thoáng hiện, Bùi Xuân dịch).
Ở đọan thơ này, Tagore đưa ra lời khuyên, mọi cố gắng nỗi lực trong cuộc sinh tồn, sau tất cả, nếu không bình tâm suy xét trên mọi chặng đường, thì cái còn lại duy nhất, không phải là của cải vật chất, mà là nỗi cô đơn. Một lời khuyên nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc của Đại thi hào Ấn Độ.
Đề cao phụ nữ
Trong di sản thơ của mình, Rabindranath Tagore để lại cho đời hơn 1.000 bài với 50 tập thơ. Tập thơ nổi tiếng nhất của ông là “Lời dâng” (Gitanjali), được trao giải Nobel Văn học năm 1913. Đây là tập thơ gồm nhiều bài về đời thường, tôn giáo, triết học, nhưng dễ hiểu, dễ gần, dễ cảm, dễ rung động. Tập thơ khi đó được đánh giá là “một biểu tượng vĩ đại phối hợp trong mình hai nguồn tinh túy Á - Âu”, là “kỳ công thứ hai của tạo hóa sau Kalidasa”. Kalidasa được coi là nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ thứ V. Như vậy, đương thời, mọi vinh danh cao nhất, Tagore đều nhận được.
Rabindranath Tagore không những được biết đến là con người của nghệ thuật, ông còn được biết đến là một nhà giáo dục, một nhà thuyết pháp. Sinh thời, ông đã đến nói chuyện ở tới hơn 30 quốc gia trên năm lục địa. Năm 1924, đến Sài Gòn ông luôn đề cao con người, con người như là trung tâm của sự sống, của vũ trụ. Nhận thức của ông về khoa học, hay tâm linh, thì luôn đưa con người vào giữa, như là sự cân đối, hài hòa.
Ông đã nói những lời này sau trong chuyến thăm Albert Einstein: “Chẳng thể có nhận thức nào khác. Thế giới này là thế giới của con người – cái nhìn mang tính khoa học về nó cũng là cái nhìn của con người khoa học. Có những tiêu chuẩn về lý tính và xúc cảm để nó trở thành Chân lý, là tiêu chuẩn của Con người Vĩnh hằng, trải nghiệm của Con người Vĩnh hằng chính là thông qua trải nghiệm của chúng ta”. Tất cả nhìn nhận, đánh giá về thế giới thực, thế giới tâm linh, đều thông qua cái nhìn của con người, đó là thông qua trải nghiệm của chúng ta.
Trong thơ, Tagore luôn ca ngợi cái đẹp, ca ngợi những con người bình dị nhất, những công việc bình dị nhất. Ở nhiều đề tài, ta thấy Tagore viết nghiêng hẳn về tình yêu, nhất là ca ngợi phụ nữ. Phụ nữ như là điểm đựa, để tâm hồn Tagore bay bổng, từ đó cất lên tiếng nói yêu cái đẹp, yêu con người trong ông.
“Nàng gần tôi như bông hoa gần đất lành; dịu dàng với tôi như giấc ngủ đối với tay chân thấm mệt, rã rời. Tình yêu tôi dành cho nàng là cuộc đời tôi sống, tràn trề như dòng sông vào dịp nước lũ mùa thu, tuôn chảy thảnh thơi/ Thơ tôi làm với tình yêu của mình là một, chẳng khác gì tiếng suối thì thầm ngân reo cùng sóng nước đều đều” (Đỗ Khánh Hoan dịch). Nàng được ông coi như bông hoa, và nhân vật tôi là đất lành, một sự nương nhờ lẫn nhau. Và nàng là giấc ngủ với kẻ đã mỏi rã mệt vì cuộc đời đắng cay.
“Tên nàng ở đây, trong đám rừng dừa, thì ai cũng biết, ngay cả trong đám các cô thôn nữ nơi sân trại cừa chuyện trò vừa thêu may những tấm nệm mùa đông. Nước ao này giữ tận đáy thẳm sâu hình ảnh tay chân nàng quờ quạng khi dầm mình lội bơi, và đôi chân ướt đã nhiều ngày in dấu trên lối mòn nho nhỏ về làng) (Đỗ Khánh Hoan dịch).
Thơ Tagore luôn mang lại vẻ đẹp lấp lánh, vừa giản dị, vừa kiêu sa. Thơ ông không phân biệt độc giả, hầu như ở lứa tuổi nào đều cảm được. Và qua những bài thơ ấy, người đọc được chìm vào một không gian khác, thật an lành và vui tươi. Sinh thời, Tagore được lãnh tụ phong trào giải phóng Ấn Độ Mahatma Gandhi đã gọi là “người thầy học vĩ đại”, để thấy rằng, sự vĩ đại của Tagore đối với nhân dân Ấn Độ lớn lao thế nào.
Năm 2011, một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình Tưởng nhớ Tagore (RememberingTagore) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) phát động và do Ấn Độ chủ trì nhân kỷ niệm 150 năm sinh (1861-2011) của Rabindranath Tagore, tại Việt Nam, Hội thảo “Cuộc đời và di sản của nhà thơ vĩ đại Rabindranath Tagore” do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Đồng thời, đã tổ chức buổi lễ đặt bức tượng bán thân của Tagore tại Bảo tàng Văn học (số 275, đường Âu Cơ, Hà Nội), như là một sự vinh danh của nhân dân Việt Nam đối với Rabindranath Tagore.