Đắk Nông ứng phó khẩn cấp với 3 ổ dịch bạch hầu nguy cơ diễn biến phức tạp

(PLVN) - Sáng 24/6, tại tỉnh Đắk Nông lại xuất hiện thêm một ổ dịch thứ 3 tại xã Đắk Rmăng (huyện Đắk G’long). Như vậy ngoài trường hợp 4 ca bệnh tại huyện Krông Nô ra, 5 ca ở xã Quảng Hòa (nơi xuất hiện ổ dịch thứ hai) thì còn lại 3 ca ở Đắk Rmăng thuộc điểm dịch mới.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nơi một số ca bệnh đang được điều trị.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nơi một số ca bệnh đang được điều trị.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện 2 ổ bệnh bạch hầu, khiến 6 người bị nhiễm bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Điều đáng nói, tại khu vực xuất hiện bệnh dịch, trước đây ngành y tế Đắk Nông đã tuyên truyền, nhưng nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con em đến tiêm chủng. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình phòng bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế tỉnh Đắc Nông đã tiến hành cách ly, theo dõi  650 người, tiêu độc, khử trùng xung quanh vùng dịch và dồn sức khống chế dịch. 

8 người nhiễm bệnh, một trường hợp tử vong

Ngày 22/6, ông Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện 2 ổ bệnh bạch hầu, khiến 6 người bị nhiễm bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Các ổ dịch này xuất hiện tại địa bàn huyện Krông Nô và Đắk Glong, là những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, ổ bệnh bạch hầu xuất hiện mới nhất là tại địa bàn xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong) vào ngày 19/6. Ổ dịch này có 2 trường hợp bị nhiễm bệnh, trong đó có một trường hợp đã tử vong. Cụ thể, ngày 19/6, bệnh nhân Sùng Thị Hoa (9 tuổi, ngụ đội 2, thôn 6, xã Quảng Hòa) được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở…

Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển viện đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Đến sáng 20/6, bệnh nhân Hoa tử vong, nguyên nhân do “bạch hầu ác tính biến chứng tim”. Bệnh nhân thứ 2 là Ma Văn Thành (9 tuổi, hàng xóm của bệnh nhân Hoa) có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân Hoa. Sau khi nhận thông tin có ca bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã triển khai ngay lập tức các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bệnh nhân tử vong đã được thực hiện mai táng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngành y tế Đắk Nông đã tiêu độc khử trùng và cách ly khu vực các ổ dịch bệnh bạch hầu.
 Ngành y tế Đắk Nông đã tiêu độc khử trùng và cách ly khu vực các ổ dịch bệnh bạch hầu. 

Bệnh nhân thứ 2 đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị và hiện sức khỏe đã ổn định . Hiện tại, ngành y tế Đắk Nông đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh để lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc với 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại xã Quảng Hòa để gửi đi xét nghiệm.

Tiến hành khử khuẩn 100% các hộ gia đình tại đội 2, Trường tiểu học Bế Văn Đàn và Trạm Y tế xã Quảng Hòa. Đồng thời, tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiếp nhận, chuẩn bị tiêm vắc xin phòng, chống dịch cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi.

Đảng ủy, UBND xã Quảng Hòa cũng thành lập 2 đội chốt chặn, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch. “Đây là ổ dịch bệnh bạch hầu đầu tiên ghi nhận trên địa bàn xã Quảng Hòa từ năm 2004 đến nay. Hiện chưa xác định được nguồn lây truyền bệnh bạch hầu tại đây. Ngành y tế Đắk Nông đang tập trung ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng”, ông Thành cho biết.

Trước đó, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn (đóng tại thôn Đức Lập, xã Đắk Sor, huyện Krông Nô) cũng xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu. Theo đó, từ ngày 3 - 6/6, có 3 trường hợp ở độ tuổi từ 9 - 15 đang được chăm sóc, theo học tại trung tâm này xuất hiện các triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, buồn nôn. Sau đó, cả 3 được lấy mẫu gửi đi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm.

“Theo kết quả xét nghiệm, cả 3 bệnh nhân này đều cho kết quả dương tính với vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriare. Sau đó, cả 3 được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cách ly, điều trị. Riêng bệnh nhân thứ 4 (66 tuổi) là bà nội, có tiếp xúc, sống với một trong 3 bệnh nhân trên, tuy không có triệu chứng nhưng đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính và được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô”, ông Thành cho biết.

Sau khi nắm thông tin về tình hình bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ y tế tuyến cơ sở tiêm 140 liều vắc xin phòng, chống bạch hầu - uốn ván cho học viên, cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn đang có mặt. Như vậy, tính đến nay, có 6 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu sau khi xuất hiện 2 ổ dịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngoài trường hợp đã tử vong, các trường hợp còn lại sức khỏe tiến triển tốt, đang hồi phục. 

Dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp 

Theo ông Hà Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, ngoài biện pháp cách ly các trường hợp nói trên để tránh lây lan nguồn dịch bệnh, ngành y tế còn khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp như tiêm vắc xin bổ sung. Vì chỉ có biện pháp tiêm vắc xin phòng, chống bạch hầu thì mới có hiệu quả lâu dài nhất.

Ngoài ra, còn phải phun thuốc khử khuẩn, làm sạch môi trường để hạn chế dịch bệnh. “Hiện tại, tình hình bệnh bạch hầu tại 2 ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp vì đây là giai đoạn đầu của bệnh, các đối tượng có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (khi chưa phát bệnh) khá nhiều, một số đối tượng có trở về địa phương và có khả năng sẽ tiếp xúc với nhiều người khác sau khi đã tiếp xúc với ca bệnh dương tính”, ông Hùng cho biết.

Trong khi đó, ông Thành nhận định, phần lớn đồng bào H’Mông tại các khu vực xuất hiện bệnh dịch có tỷ lệ tiêm chủng cực thấp. Trước đây, ngành y tế Đắk Nông đã tuyên truyền, nhưng nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con em đến tiêm chủng.

Đây là một trong những khó khăn trong quá trình phòng bệnh. Bạch hầu là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương: viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Bệnh cũng khiến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Đặc biệt, gây tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.

Để phòng bệnh bạch hầu, các chuyên gia cho rằng, biện pháp duy nhất là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib/vắc xin Combefive, SII); hoặc vắc xin phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); hoặc vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) đầy đủ đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Đọc thêm