Đằng sau những tờ báo cũ…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 20 năm qua, nhà báo - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã dày công sưu tầm bộ sưu tập gồm 200 tờ báo xuất bản tại Huế. Từng hiện vật ố màu thời gian ấy làm giàu vốn tri thức cho người theo nghề.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nâng niu những tờ báo cũ.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nâng niu những tờ báo cũ.

Từ đây, trong dòng chảy thông tin, báo chí - “người thư ký trung thành của thời đại” đã ghi chép công bằng và đầy đủ giúp không ít câu chuyện được sáng tỏ khi lật lại đằng sau những tờ báo cũ.

Nhìn lại vụ án báo Dân và đại nhà báo Nguyễn Xuân Các

Trong nhiều chuyện dọc đường tìm báo cũ, ông Thu nhớ mãi những lần ra bắc vào nam đi gom đủ 17 số báo Dân. Ông gõ cửa các thư viện, bảo tàng trong nước và quốc tế có những lần là cả nhà dân vì mỗi nơi mỗi số.

Báo Dân của Đảng là tuần báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung Kỳ xuất bản tại Huế ra số đầu tiên ngày 6/7/1938. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ trực tiếp chỉ đạo nội dung và biên tập tờ báo. Trong đó ban biên tập là các nhà báo, nhà thơ cách mạng nổi tiếng như: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Tố Hữu,...

Gia đình ông Nguyễn Xuân Các thăm Tổng bí thư Lê Duẩn; nguồn ảnh: Đại tá, nhà báo Huỳnh Thúc Cẩn, trong kỷ yếu "Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam".Gia đình ông Nguyễn Xuân Các thăm Tổng bí thư Lê Duẩn; nguồn ảnh: Đại tá, nhà báo Huỳnh Thúc Cẩn, trong kỷ yếu "Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam".

Từ nghiên cứu, các nhà báo thông qua đây đã có cách nhìn nhận đầy đủ hơn khi xem xét vai trò của tờ báo này sau vụ án báo Dân bị đình bản ngày 7/10/1938 bị chính quyền Nam Triều và Bảo hộ thu hồi giấy phép. Tòa Nam án Thừa Thiên mở phiên tòa xử hai ông nghị viên về tội “Đăng tin thất thiệt” là ông Nguyễn Đan Quế làm chủ nhiệm và ông Nguyễn Xuân Các làm thư ký trị sự tờ báo Dân.

Trong đó, ông Nguyễn Xuân Các không chỉ bị kết mức án của đế quốc phạt 6 tháng tù hoặc nộp 60 đồng tiền phạt, bị tước quyền nghị viên. Báo Dân bị đóng cửa vĩnh viễn kết thúc sứ mệnh khi ra 17 số… dù báo chí trong nước và cả Nguyễn Ái Quốc lên tiếng bảo vệ.

Sau cải cách ruộng đất, ông Nguyễn Xuân Các từ chỗ là một nhà báo cách mạngvề làm Trưởng ty kinh tế rồi Chủ tịch Mặt trận tại Quảng Bình. Năm 1956, người ta quy kết ông nghị Các và bắt tù, kết án tử khi ông bị mất hết giấy tờ. Ngày cuối đời, ông vẫn có niềm tin vụ án này sẽ được minh oan nên đã gửi thư ra ngoài thông tin đến vợ và các con.

Tổng Bí thư Lê Duẩn dù biết ông Các là cơ sở của mình nhưng vì mất hết tư liệu không thể minh oan giúp. Năm 1980, tìm được gia đình ông Nguyễn Xuân Các, Tổng Bí thư đã mời ra thăm thủ đô. Ông xúc động khi gặp được các con, vợ và gia đình ông Các bởi những hy sinh thầm lặng của ông Các khi hoạt động đơn tuyến với vỏ bọc bên ngoài là nhân sĩ tri thức hoặc ông nghị đầy quyền uy để cắm sâu, leo cao trong chính quyền Nam triều và chính quyền đô hộ, tạo thuận lợi cho Đảng, cho Cách mạng sau này.

Báo Dân và công trình sưu tầm, chỉnh lý, giới thiệu của nhà báo - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.Báo Dân và công trình sưu tầm, chỉnh lý, giới thiệu của nhà báo - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

Ông Huỳnh Thúc Cẩn, hiền tế của ông Nguyễn Xuân Các tường thuật lời Tống Bí thư rằng: “Tội nghiệp cho anh Các bị đế quốc bắt đi tù đày đã đành, lại còn bị tù của ta và bị chết oan cũng vì hai chữ “ông nghị” này đây”. Thế nhưng sau hàng thập kỷ, câu chuyện đầy tranh cãi còn đó vẫn không giải hết nỗi oan cho ông Các chỉ vì thiếu giấy tờ chứng minh.

“Đến tháng 7/2018 khi công bố những số báo Dân liên tục đăng tin về vụ án liên quan đến nhà báo Nguyễn Xuân Các tại hội thảo “Báo Dân và dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng”. Đã trở thành chứng cứ khoa học để gần đây ông Nguyễn Xuân Các được nhà nước công nhận là một nhà báo Cách mạng”, ông Thu cười vui vẻ kể về những thành tựu vượt cả mong muốn khi làm sưu tầm nghiên cứu.

Ngoài ra, nhà báo Dương Phước Thu cũng tìm lại được những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu đăng tại tờ báo Dân. Chứng minh báo Dân và những nhà báo lớn của báo Dân vừa là người thầy và là nơi nhà thơ tập sáng tác và trở thành “cánh chim đầu đàn trong làng thơ ca Cách mạng Việt Nam.

Những khoảng trống về tư liệu bị thất lạc giai đoạn cận hiện đại, nhờ có báo chí kịp thời ghi lại sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử… chứng tỏ được vai trò quan trọng của việc sưu tầm, nghiên cứu về báo giới.

Huế - trung tâm báo chí Cách mạng của cả nước

Vì đam mê,ở đâu có chỉ dấu về những tờ báo cũ ông Thu đều lân la tìm đến. “Đi sưu tầm, hồi tìm tờ Nhành Lúa gia đình ở Phú Thọ chỉ cho tôi mượn scan. Để scan ở vùng quê nhiều năm trước không có máy móc tôi phải đi mấy trăm cây số về thủ đô Hà Nội rồi đi ngược lên Phú Thọ để trả cho họ bản gốc”, ông Thu nhớ lại.

Bằng việc mua hay tìm từ khắp các nguồn đến nay ông có bộ sưu tập lên đến gần 200 tờ lớn nhỏ đủ có sơ sở để khẳng định Huế từng là trung tâm báo chí của miền Trung và của cả nước. Từ việc báo chí xuất bản ở Huế ra đời muộn đến việc báo chí yêu nước và cách mạng xuất hiện sớm ở Huế. Các tờ báo vang danh một thời như: Thanh Niên (năm 1928); Phụ nữ Tùng san, Vô sản, Con đường đấu tranh và nhiều tờ khác.

Báo Dân và công trình sưu tầm, chỉnh lý, giới thiệu của nhà báo - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

Báo Dân và công trình sưu tầm, chỉnh lý, giới thiệu của nhà báo - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

Năm 1931 Huế có trên 25 tờ báo chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, tôn giáo với hàng chục tờ báo viết tay của những nhà hoạt động cộng sản tại Huế… có vị thế quan trọng không thể phủ nhận để tuyên truyền, hướng dẫn, hiệu triệu quần chúng đi theo cách mạng.

Nhiều tờ khi xuất bản rất bình thường nhưng qua năm tháng hàng thế kỷ trở thành tư liệu quý bởi đã trở thành giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều tờ báo cách mạng được in ở chiến khu kháng chiến rồi chuyển về đồng bằng, phát hành trong nội thành.

Có tờ chính quyền thực dân Pháp cấp phép được người hoạt động cộng sản mua để tiếp tục ra báo nhưng với nội dung chỉ đạo theo đường lối cánh mạng. Hay số lượng lên đến vài chục tờ gọi là báo chí phong trào do các nhà giáo, công chức, sinh viên, học sinh, đoàn thể yêu nước, các tổ chức tôn giáo và cả tư nhân chủ trương xuất bản… ngày nay là những hiện vật hiếm có khó tìm.

“Vừa sưu tầm vừa nghiên cứu thực sự phải có đam mê mới làm được. Các hiện vật của tờ báo rất quan trọng bởi khi cầm trên tay một tờ báo cũ tôi có thể biết được nhà in, loại giấy, ngôn ngữ báo chí, cách đặt tít… của thế hệ trước như thế nào và cả thời đại đó”, nhà báo – nhà nghiên cứu Dương Phước Thu chia sẻ.

Ông nâng niu những tờ báo cũ tưởng như không còn giá trị song lại tiếp lửa cho thế hệ làm báo trẻ, cho hành trình về nguồn báo chí Cách mạng hay tri ân những tiền bối nhà báo nổi tiếng cách mạng một thời…

Nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử: Húy Kỵ và Quốc Húy Thời Nguyễn (Nghiên cứu biên khảo năm 2002); Huế tên đường phố xưa và nay (Nghiên cứu biên khảo năm 2004); Tù Ngục Chín Hầm và những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn (Nghiên cứu hồ sơ di tích, 2006, tái bản 2010, 2011, 2016); Đất nước Việt Nam qua cửu đỉnh Huế (Nghiên cứu biên khảo 2011)… cùng hàng chục nghiên cứu và các tác phẩm văn học khác.

Đọc thêm