Rừng chè cổ thụ
Núi Chiêu Lầu Thi, núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ cắt ngang thành từng lớp bao bọc người Dao, người Nùng, người H’Mông… Ẩn chứa nhiều câu chuyện ly kỳ cùng những di sản mà hiếm nơi nào có được. Cây chè rừng là một trong những di sản ấy, chúng sống quần tụ cùng đồng bào dân tộc vùng cao bao đời nay. Những người cao tuổi ở vùng thâm sơn này kể lại, có những cây chè có tuổi thọ đến nay đã hàng trăm năm. Nhưng có thời gian dài bị bỏ hoang, mãi cho đến khi có người “hồi sinh” chúng, biến chúng trở thành món quà đắt giá mà chỉ vùng này mới có.
Người đàn ông tâm huyết với cây chè ấy là ông Triệu Văn Mềnh (SN 1982), ông sinh ra tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), hiện là chủ cơ sở sản xuất chè Việt Shan, tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì.
Ông Mềnh cho biết, ông sinh ra ở vùng đất nổi tiếng về chè, học làm chè kể từ khi mới 15 tuổi, khi ấy vẫn còn chưa có công nghệ làm chè như ngày nay. Lá chè non sau khi hái về phải sao bằng tay, rồi vo bằng chân, những chàng trai cô gái thuở cùng tuổi ông Mềnh chân tay đen nhèm như bôi nhọ nồi. Đến năm 2009, ông xin vào làm cho Hợp tác xã chè Phìn Hò, sau một thời gian phấn đấu ông lên nắm giữ chức Giám đốc Hợp tác xã chè.
Một đồi chè shan tuyết cổ thụ của Hợp tác xã chè Việt Shan |
Tại đây ông Mềnh đã từng bước đưa thương hiệu chè Phìn Hò hội nhập với các thành phố lớn trên cả nước. Năm 2014, ông Mềnh bắt đầu khăn gói đi tìm hiểu về cây chè ở những khu vực có núi cao như: Núi Chiêu Lầu Thi, vùng chè dọc dãy Tây Côn Lĩnh…
Nhân dân ở vùng rẻo cao này gọi chè ở đây là Phin Tra Trà (tức Chè Tiên, về sau ông Mềnh cũng đã đặt tên cho một loại sản phẩm chè có nguồn gốc tại đây như thế -PV). Ông Mềnh bảo, chè ở đây có nhiều điểm khác biệt so với những cây chè trồng ở vùng núi thấp như: Có búp đỏ hơn, lông nhiều hơn, hương thảo mộc, vị ngọt mát nhẹ… Do sinh sống ở vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên nhiều chất có lợi cho sức khỏe có hàm lượng cực cao. Từ đó, ông Mềnh quyết định đến từng nhà khuyến khích người dân tiếp tục chăm sóc chè rừng và hứa hẹn sẽ giúp bà con nhân dân thu mua với giá cao.
Chè Hà Giang…sang trời Âu
Với chất lượng chè có một không hai, chỉ thời gian ngắn chè rừng đã được nhiều thị trường lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng… tiêu thụ tích cực. Thậm chí, sản phẩm chè rừng của ông còn vươn xa ra thế giới đến các nước như: Đài Loan, các nước liên minh châu Âu - EU… Bên cạnh những thuận lợi khi sản phẩm chè rừng dần được thị trường trong và ngoài nước đón nhận thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.
Đặc biệt, năm 2016 thương lái Trung Quốc ồ ạt thông tin rằng họ sẽ thu mua chè với giá cao khiến nhiều hộ dân lên rừng đốn cây chè cổ thụ hái bán, lúc này chè rừng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng xót xa đó ông Mềnh lại tiếp tục phải đến từng nhà vận động để người dân không phá chè, giải thích về tính kinh tế lâu dài của cây chè.
Sản phẩm chè Việt Shan đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính tại nhiều nước châu Âu |
Theo ông Mềnh, năm 2017 ông bắt đầu tách ra khỏi Hợp tác xã và mở cơ sở sản xuất chè Việt Shan tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty. Ban đầu gặp nhiều khó khăn vì vướng mắc thủ tục, tuy nhiên đến nay cơ sở chế biến chè của ông đã dần ổn định và tiếp tục có hướng đi mới. “Hiện ngoài phối hợp với nhân dân bảo tồn những cây chè cổ thụ đã có, tôi đang vận động cùng nhân dân trồng thêm chè xen giữa vùng trồng thảo quả, đến nay đã được vài chục ha. Chủ yếu là tại các xã Nậm Ty, Thèn Phìn…”, ông Mềnh cho hay.
Bà Phùng Mùi Khé (92 tuổi), trú tại thôn Nậm Piên cho biết: “Kể từ khi đến làm dâu tôi đã thấy những cây chè xung quanh nhà tôi thành cây cổ thụ rồi. Cũng từ lúc có cơ sở sản xuất chè Việt Shan giá chè cao hơn, họ cũng bảo chúng tôi không phun thuốc họ mới mua nên chè ở đây chất lượng lắm”.