1. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu thư pháp: "Còn biết ơn là còn có hạnh phúc".
Chúng ta không ai muốn nơi mình sống là nơi đau khổ. Mà hạnh phúc, lại là thứ gắn rất chặt với lòng biết ơn. Có thể, bạn đang có thu nhập rất tốt, nơi bạn sống là một đô thị lớn, bạn ở khu chung cư cao cấp nhưng chắc gì bạn đang thỏa mãn và hạnh phúc thực sự.
Để có hạnh phúc thì nơi bạn chọn đến sống, hay nơi bạn đang sống, tôi tin, ở đó phải là nơi bạn sống với rất nhiều lòng biết ơn thì niềm hạnh phúc mới có mặt. Vì chỉ có đồng tiền và tiện nghi thôi thì chưa đủ để bạn thấy bình an.
Tôi đã sống và nếm trải được điều đó. Từ nơi miền quê tôi lớn lên và nhiều nơi sau này khi rời gia đình tôi chọn để đến sống.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu thư pháp: "Còn biết ơn là còn có hạnh phúc". |
2. Lòng biết ơn, như nhiều thứ khác, nó không phải thứ tự nhiên mà có, nó cũng được trao truyền mới hình thành trong mỗi người. Giáo dục, ông cha chúng ta gọi là trao truyền. Trao truyền khác với nhồi sọ và mệnh lệnh.
Năm lên 10 tuổi tôi đã rời quê, rời gia đình để đến ở một nơi khác.
Tôi xin kể cùng quý vị vài chuyện tôi nhớ và trân quý thực hành cho đến ngày nay mà tôi đã được cha mẹ trao truyền từ hồi tôi dưới 10 tuổi, khi còn ở quê.
Chuyện ấn tượng là có một nơi trong nhà, mà làm gì cũng phải cúi đầu khi đi ngang qua. Đó là ban thờ gia tiên. Không những thế, chúng tôi còn phải giữ im lặng khi ba tôi thỉnh chuông và lên hương thắp cúng tổ tiên. Một ngày ba tôi thắp hai lần vào buổi sáng trước khi đi làm và buổi chiều sau khi cơm nước xong.
Cũng liên quan đến ban thờ và gian giữa của căn nhà, mỗi lần chúng tôi xin qua nhà hàng xóm là mẹ tôi gọi dặn kỹ: “Qua nhà người ta nhớ đừng ngồi gian giữa nghe con". Bà dặn thêm: “Nếu người ta có mời ngồi, nhớ đừng ngồi xoay lưng vào ban thờ nghe con”.
Trẻ thơ, chúng tôi chỉ biết vâng lời. Mẹ tôi luôn dạy con cái khi ngồi vào mâm cơm: "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng".
Dần sau, nhiều năm tôi mới hiểu ra, giáo dục trên bàn ăn và trước ban thờ của gia đình người Việt, nó thiêng liêng đến nhường nào.
3. Chúng ta học nhiều lắm, học những thứ cao sang lắm, nhưng chắc gì ta sống trọn vẹn được lời mẹ dạy kia. "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng" là cả một đạo lý ăn ở của người dân Việt.
Tuy bố tôi không giải thích nhiều và cặn kẽ cho anh em chúng tôi hồi nhỏ ấy, nhưng qua việc làm, lặp lại hàng ngày của ông, ông đã âm thầm trao truyền hạt giống thương kính tổ tiên trong tâm thức con trẻ.
Chạy chơi trò trốn tìm, chúng tôi đã biết nhắc nhau không trốn dưới ban thờ. Ù chạy theo trò chơi ấy, nhưng chúng tôi cũng nhớ cúi đầu khi chạy ngang qua gian thờ.
Điều tưởng như đơn giản ấy, nhưng nó lại "gò" được tâm con người theo hướng tích cực. Ta không phải từ đó mà biết sợ, nhưng ta từ đó biết nuôi dưỡng niềm thương kính và lòng biết ơn.
Qua việc làm của ba tôi về thắp hương thành kính trước tổ tiên mỗi ngày, trong lòng con trẻ của chúng tôi, được thắp lên ý niệm về một nơi thiêng liêng, một nơi để tỏ lòng tôn kính.
Vẫn còn cho đến ngày hôm nay, sau mấy ngàn năm, ban thờ tổ tiên luôn hiện hữu trong mỗi bất cứ mỗi gia đình người Việt Nam nào. Cái khác, là khác ở không gian, đã khác nhiều ở thành thị. Đó là lẽ thường theo biến đổi phát triển của cuộc sống. Nhưng có một điều đáng nói đằng sau những đổi thay ấy là hiểu biết đúng đắn về ban thờ và giáo dục trước ban thờ đã không còn được để tâm trao truyền.
Thắp hương thành kính trước tổ tiên mỗi ngày là thắp lên ý niệm về một nơi thiêng liêng, tôn kính trong lòng con trẻ |
4. Trước sự phát trển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường cùng những ảnh hưởng từ quá trình toàn cầu hóa trong mọi mặt của đời sống xã hội, mỗi con người đứng trước nhiều sự lựa chọn hơn cho mình. Lựa chọn về chuyên môn, trường lớp; lựa chọn về công việc, các mối quan hệ xã hội. Dù là lựa chọn nào thì cuối cùng cũng đều bởi một mong muốn chung. Đó là được sống trong môi trường tốt.
“Nơi tôi sống, nếu là nơi sống lý tưởng, nơi ở đó phải thắp sáng được lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội”.
Điều này có nghĩa là, bạn và tôi chính là những người đang trực tiếp kiến tạo ra một không gian sống cho chính bản thân mình. Chưa nói đến những điều kiện vật chất, phong thủy ... chỉ cần khi lòng biết ơn và ý thức về cội nguồn được thắp sáng, không gian sống quanh bạn sẽ tràn đầy phúc lạc, tràn đầy bình an.
Hương thơm quê mẹ
Là tên triển lãm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra từ ngày 14 – 26/4 tại nhà triển lãm Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Triển lãm gồm 100 bức, bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Việt. Các tác phẩm chứa đựng thông điệp hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam và xa hơn là tâm tình với địa cầu tươi xanh và xinh đẹp đã dưỡng nuôi, chở che con người.
Trước đó, các tác phẩm thư pháp trong triển lãm này từng gây tiếng vang lớn khi trưng bày tại Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông. Mới đây, trưng bày cũng được tổ chức 10 ngày tại TP.HCM.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết ông đã viết chừng 10.000 tác phẩm thư pháp từ năm 1994. Ông viết chỉ với mục đích là làm phương tiện để nuôi dưỡng các học trò của mình trong nghệ thuật sống chánh niệm. Số tiền thu được từ sách dùng để tài trợ cho các chương trình nhân đạo tại các nước đang phát triển.
Bên cạnh thư pháp, lần đầu tiên cuốn sách thư pháp Hương thơm quê mẹ do thiền sư thực hiện với hơn 200 trang song ngữ Việt - Anh cũng ra mắt độc giả. Trong đó, có bức thư pháp cuối cùng của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết tại Pháp. Triển lãm còn giới thiệu hơn 145 đầu sách tiếng Việt của “Sư ông Làng Mai”, trong đó có những cuốn bestseller như: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời...