Để đi tìm căn nguyên và hướng khắc phục đối với tình trạng này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners).
Những vụ án chấn động
Đến nay đã 10 năm trôi qua, hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên được vụ án gây rúng động cả nước xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Trong vụ án này, Lê Văn Luyện đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái nhỏ 18 tháng tuổi, chém đứt cánh tay của con gái lớn 8 tuổi. Khi phạm tội, Luyện chưa đủ 18 tuổi.
“Game online”- một trong những nguyên nhân thường xuyên được nhắc đến trong những vụ án nghiêm trọng do trẻ chưa thành niên gây ra. Đầu tháng 11/2020, người dân Yên Thôn (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bàng hoàng khi xảy ra vụ án giết người cướp của dã man. Về tính chất, đây cũng là vụ án giết người, cướp của để có tiền tiêu xài, chơi game.
Điều khác biệt là vụ án mạng dã man này có tổ chức, nhiều đối tượng cùng tham gia. Các đối tượng Khương Văn Anh (18 tuổi), Khương Hoàng Hải (15 tuổi), Khương Văn Khuê (16 tuổi) đã lên kế hoạch, chuẩn bị 4 con dao để ra tay tàn độc, sát hại bà L.T.H (SN 1955) cướp đôi hoa tai vàng, điện thoại di động, lợn đất tiết kiệm. Hung thủ đều là những con nghiện game có tiếng tại địa phương, từng nhiều lần trộm cắp.
Mới đây, chiều ngày 18/4, trên địa bàn thành phố Nam Định đã xảy ra một cuộc ẩu đả giữa các nam sinh khiến 2 học sinh thương vong. Theo đó, khoảng 15h30 ngày 18/4, tại sân bóng nhân tạo thuộc phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), xuất phát từ việc phạm lỗi trong khi đá bóng, 2 nhóm gồm 13 nam học sinh có tuổi đời từ 14 đến 17 tuổi đang là học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 11 đã cãi vã, ẩu đả. Nguyễn Gia Huy (15 tuổi) dùng dao bấm đâm trúng vùng ngực phải Hoàng Trung Đ. (15 tuổi), học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Văn Thụ khiến nạn nhân tử vong.
Cũng chính Nguyễn Gia Huy dùng dao đâm 1 nhát vào tay phải Trịnh Trần Hoàng Hải Đ. (14 tuổi), học sinh lớp 8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Hiện Trịnh Trần Hoàng Hải Đ. đang điều trị tại bệnh viện. Sau khi gây án, Nguyễn Gia Huy cùng đồng bọn bỏ chạy khỏi hiện trường.
Theo Công an tỉnh Nam Định, điều đáng tiếc nhất ở vụ án này là 13 nam sinh đều đang là học sinh từ lớp 8 đến lớp 11. Vụ án xảy ra vào chiều 18/4, sáng ngày hôm sau 19/4, các em học sinh lớp 9 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ không đáng có nhưng tính bốc đồng, nông nổi của những người chưa thành niên trong cuộc đã dẫn tới xô xát, đánh đổi bằng tính mạng con người.
Những vụ án nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều các vụ án có thủ phạm là những thanh, thiếu niên, thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm trẻ hóa thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Những người người thuộc nhóm tuổi này vẫn chưa đủ, thậm chí chưa có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhưng hành vi của một số đối tượng cá biệt lại không đúng với suy nghĩ, hành động của lứa tuổi này”, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh cho biết.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners). |
Pháp luật Việt Nam nghiêm minh, có lý nhưng cũng đậm chất tình khi quy định mức hình phạt cho thiếu niên nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm cùng một tội, tạo điều kiện để các em sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời.
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 dành riêng chương XII để điều chỉnh các nội dung liên quan đến người dưới 18 tuổi. Tại chương này, việc xử lý hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi luôn tuân thủ theo nguyên tắc: “Phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”. Khoản 5 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Như vậy, mặc dù trong nhiều trường hợp, hậu quả do hành vi phạm tội của người chưa thành niên gây ra là rất lớn nhưng đây là nhóm có tuổi đời còn trẻ, Nhà nước vẫn trao cho họ cơ hội thay đổi chuộc lỗi lầm, làm lại cuộc đời.
Truy nguồn căn nguyên
Theo các nhà tâm lý, một trong những nguyên nhân dễ đưa trẻ vị thành niên đến hành vi phạm tội là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Đặc biệt là những gia đình ly hôn, thường xảy ra bạo lực. Nhiều bậc cha mẹ không ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con cái, chỉ nghĩ đơn thuần thương con là cho ăn ngon mặc đẹp, cung cấp đầy đủ tiền bạc để con tiêu xài... Điều này đã vô tình hình thành cho trẻ thói quen thích hưởng thụ, lười lao động, từ đó dễ đưa trẻ đến hành vi trộm cắp, giết người cướp của khi không được đáp ứng đủ về nhu cầu vật chất.
Có những đứa trẻ thường xuyên là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị tổn thương tâm lý, khi lớn lên trở nên chai lì, khó dạy, có những hành vi bạo lực như chúng đã từng chịu đựng. Nhiều cha mẹ lại không làm gương cho con trẻ trong cách sống, cách cư xử, dẫn đến việc giáo dục con cái không hiệu quả. Các bậc phụ huynh thường dạy trẻ không được chửi thề, nói tục, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề... nhưng thực tế trong cuộc sống hàng ngày, chính người lớn lại có những hành vi đó khiến trẻ mất niềm tin vào cuộc sống.
Ngoài sự tác động từ cách giáo dục của gia đình còn phải kể đến môi trường giáo dục ở trường học. Hiện nay nhà trường chỉ chú trọng giáo dục tri thức mà chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc dạy học sinh kỹ năng sống. Nhân cách trẻ đang trong giai đoạn hình thành, phát triển mà không được “gieo trồng”, “chăm sóc”, không được định hướng để lựa chọn tiếp thu những cái tốt, loại bỏ những cái xấu, biết kiềm chế sự nóng giận. Từ đó, trẻ bị chao đảo giữa ranh giới thiện - ác, dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu dẫn đến hư hỏng, có những hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, thế giới game bạo lực cũng là nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên trở nên lạnh lùng, vô cảm, có những hành vi bạo lực giống như trong game để giải quyết vấn đề.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Xã hội học Trần Thị Tường Vi (giảng viên Trường đại học Bạc Liêu) cho rằng: “Hiện nay các em trong độ tuổi thanh thiếu niên dễ có hành vi vi phạm pháp luật là do tinh thần muốn thể hiện, tự đề cao bản thân. Có những bạn biết hành vi đó là sai trái, nhưng vẫn làm để khoe “chiến tích” trên các mạng xã hội, để khẳng định bản thân.”.
Đâu là giải pháp?
Bạo lực trong thanh thiếu niên đang là nỗi lo, bức xúc của toàn xã hội, vì vậy việc tìm giải pháp hữu hiệu để khắc phục luôn được các ban ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhiều giải pháp được đề ra như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật để nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên bằng hình thức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, vui chơi, giải trí ở nhà trường, địa bàn dân cư, khóm, ấp.
Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp này vẫn chưa cao, chưa tác động nhiều đến các bạn trẻ. Thiết nghĩ, công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên cần phải có nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể như thanh thiếu niên trường học, trẻ em đường phố, thanh niên lao động phổ thông...
Song song đó, cần tạo nhiều diễn đàn cho các bạn trẻ nêu lên những ý kiến, suy nghĩ của mình về các vấn đề liên quan đến đời sống, từ đó kịp thời định hướng tư tưởng cho các em. Ngoài ra, gia đình, nhà trường và xã hội nên mạnh dạn đưa các đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức khởi tố trách nhiệm hình sự vào các cơ sở giáo dưỡng để rèn luyện, uốn nắn đạo đức, hành vi của các em.
Về phía gia đình phải sống gương mẫu cho con mình noi theo, phải giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Nếu một đứa trẻ sống trong gia đình thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, cha mẹ rượu chè, cờ bạc... sẽ bị tác động xấu đến nhận thức và hành động.