Độc đáo ngôi nhà làm từ hơn 6.000 vỏ chai nhựa của chàng trai ở đảo Lý Sơn

(PLVN) - Lo âu trước nạn rác thải nhựa tràn lan trên hòn đảo thân yêu của quê hương mình, ảnh hưởng nặng đến môi trường ven biển, anh Nguyễn Lợi (29 tuổi, ngụ đảo Bé, xã An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã nảy ra ý tưởng sử dụng vỏ chai nhựa để xây dựng một ngôi nhà homestay.
Trong gần 5 tháng, anh Lợi cùng các em nhỏ đi nhặt hàng nghìn chai nước ngọt, nước suối nhựa do người dân và du khách thải ra trên đảo để xây dựng ngôi nhà, với thông điệp: “Không xả rác thải nhựa ra biển, đảo”.

Độc đáo ngôi nhà làm từ vỏ chai nhựa

Ngôi nhà vỏ chai nhựa của anh Lợi vừa hoàn thành nằm cách khu vực cầu cảng đảo Bé chừng vài năm mét, nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà 3 gian, cấp 4 truyền thống. Nhờ vẻ ngoài độc đáo, ngôi nhà tạo nên sự khác biệt với không gian xung quanh và vô cùng thoáng đãng.

Ngồi trò chuyện, anh Lợi cho biết, anh sinh ra ở đảo Bé, lớn lên thì vào đất liền trọ học. Học hết lớp 12, anh thi đậu vào ngành thiết kế nội thất của một trường đại học tại TP HCM. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh đi làm được 2 năm thì quyết định về quê lập nghiệp.

Những năm qua, Lý Sơn được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách. Riêng đảo Bé, nhờ sở hữu vùng địa chất độc lạ nên khách đến du lịch tìm đến rất đông. Do đó, anh Lợi dùng hết khoản tiền dành dụm của mình mua chiếc xe điện để đưa đón khách du lịch tham quan đảo Bé.

Trong thời gian làm du lịch ở quê nhà, anh Lợi nhận thấy, khách du lịch đến tham quan và lưu trú ngày một đông. Trong khi đó, đảo Bé lại thiếu nước ngọt trầm trọng. Vì thế các loại nước đóng chai từ đất liền ra đảo để sử dụng rất nhiều. Kéo theo đó là một lượng lớn rác thải nhựa phát sinh gây ô nhiễm môi trường của đảo. Do đó, anh liền nghĩ ngay đến việc xây một ngôi nhà homestay bằng vỏ chai nhựa vừa để phục vụ du khách vừa bảo vệ môi trường.

Ngôi nhà homestay của anh Lợi có diện tích khoảng 15,5m2 với chiều dài 5m, chiều ngang 3,5m. Ngôi nhà với vật liệu chính là hơn 6.000 vỏ chai nhựa. Đó là loại vỏ chai nước lọc, nước ngọt chứa khoảng nửa lít nước, với đủ màu sắc, phần lớn có kích thước tương đồng. Riêng phần cột nhà vẫn được làm bằng gạch thông thường để đảm bảo độ vững chắc. Phần nền lát gạch hoa, còn phần mái được lợp bằng lá, đảm bảo ấm về mùa đông, mát vào mùa hè.

Để có hơn 6.000 vỏ chai nhựa có kích thước tương đồng này, trong gần 5 tháng, cứ vào mỗi buổi chiều, anh cùng các em nhỏ ở đảo chia nhau ra đi khắp nơi ở bãi biển, khu vực bãi tắm và cả khu dân cư để thu gom chai nhựa.

 Mỗi chiều, anh Lợi cùng các em nhỏ ở đảo Bé chia nhau ra đi thu gom chai nhựa

“Các em dành thời gian rảnh rỗi để đi thu gom chai nhựa. Không em nào đòi hỏi công lao mà tất cả đều hiểu rằng làm như vậy là để bảo vệ môi trường. Dù vậy, số chai nhựa các em thu gom được là tôi dùng để sử dụng cho mình nên tôi cũng hiểu được cần tặng thưởng cho các em. Tôi thường gửi một ít tiền để các em mua sách vở, dụng cụ học tập. Như vậy, các em cũng vui, tôi cũng thấy hài lòng”, anh Lợi cho biết.

Sau khi thu gom, chai nhựa được đem về phân loại ngay ngắn. Các loại chai lớn, anh Lợi dùng để trang trí, làm hàng rào, cổng nhà, trồng rau. Còn hơn 6.000 chai chứa khoảng nửa lít nước, anh đổ cát vào cho chắc chắn.

Chuẩn bị xong vật liệu chính, anh cùng thợ tiến hành xây nhà. Những chai nhựa được gắn kết với nhau nhờ chất liệu xi măng. Khi xây, đầu chai hướng vào bên trong và phần đuôi nhô ra bên ngoài.

“Tổng chi phí cho ngôi nhà khoảng 40 triệu đồng. Công năng sử dụng ngôi nhà có thể lên đến hơn 10 năm. Tôi nghĩ ngôi nhà sẽ là điểm dừng chân lý tưởng, thuận tiện cho du khách khi đến đảo Bé du lịch. Vì thế, tôi nhẩm tính, chỉ tầm khoảng 3 năm trở lại là có thể thu hồi vốn”, anh Lợi chia sẻ.

Thông điệp lối sống xanh

Khi ngôi nhà của anh Lợi hoàn thành cũng là lúc lượng vỏ chai nhựa trên đảo Bé bắt đầu vơi đi. Và, cũng là lúc người dân ở đây nhận ra rằng, lâu nay hòn đảo này chứa quá nhiều rác thải nhựa. Ngôi nhà bằng vỏ chai nhựa của anh Lợi như một thông điệp bảo vệ môi trường.

Từ đó, anh truyền cảm hứng đến tất cả những người dân trên đảo và cả du khách rằng, hãy hạn chế xả rác thải cũng như cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo.

“Chúng ta chỉ mất từ 3 - 5 phút để uống một chai nước nhưng trái đất lại phải mất hàng nghìn năm để phân hủy nó. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải thay đổi nhận thức rằng mỗi chai nước thế này đều là tài nguyên mà mình có thể tận dụng. Làm ngôi nhà này, tôi mong muốn chuyển đến cộng đồng thông điệp: “Không xả rác thải nhựa ra biển, đảo”.

Nếu không, đại dương và môi trường sẽ dần bị giết chết bởi hành động vô thức của chúng ta. Hiện, tôi cùng các em nhỏ vẫn tiếp tục thu gom chai nhựa. Và mong muốn của tôi là sẽ xây thêm nhiều ngôi nhà homestay bằng vỏ nhựa để đón khách du lịch”, anh Lợi chia sẻ.

Trên toàn đảo Bé hiện nay có gần 10 hộ dân làm nhà ở homestay, trong đó chủ yếu là những thanh niên còn trẻ tuổi. Với điều kiện còn khó khăn và hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà nghỉ, khách sạn thì việc phát triển homestay được xây dựng bằng vở chai nhựa như anh Lợi là rất thiết thực.

Hiện nay, lượng chất thải nhựa, đặc biệt là chai nhựa tiếp tục tăng thêm ngày một nhiều. Thống kê vào năm 2018 cho thấy, mỗi ngày người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải vào môi trường. Do vậy, ý tưởng xây một ngôi nhà khi những viên gạch sẽ được thay thế bởi chai nhựa và cát nghe thật “điên rồ” nhưng nó đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi trên toàn thế giới.

Một góc đảo Bé, Lý Sơn 

Các chuyên gia cho rằng, việc xây nhà bằng chai nhựa sẽ đem lại nhiều lợi ích. Một là đàn hồi, chịu nhiệt tốt. Một bức tường được xây dựng từ chai nhựa cứng hơn gấp 20 lần so với các khối kết dính bê tông thông thường.

Không chỉ vậy, những ngôi nhà như vậy có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Trên thế giới, những người tị nạn ở châu Phi đã xây dựng ngôi nhà như vậy để chống chọi với bão, mưa lớn và nhiệt độ lên tới 45 độ C.

Hai là chi phí thấp. Chi phí xây dựng nhà từ chai nhựa ước tính chỉ bằng 1/3 chi phí xây dựng nhà làm từ bê tông và gạch. Chi phí đổ đầy chai nhựa đã qua sử dụng bằng cát rẻ hơn nhiều so với mua vật liệu khác. Những người đang sống ở các khu vực trên thế giới, có thu nhập thấp thường có xu hướng xây dựng nhà bằng chai nhựa. Đơn cử như người dân ở các khu vực châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Những chai nhựa chứa đầy cát này cũng là chất cách nhiệt tốt nên nó sẽ rẻ hơn so với mua điều hòa không khí.

Ba là tính nghệ thuật. Ngôi nhà làm từ chai nhựa sẽ rẻ hơn nhà thông thường nên có thể dùng ngân sách của mình để đầu tư thêm vào các công trình phụ, bày trí, thêm thắt các chi tiết.

Cuối cùng là giúp giải quyết vấn đề nhựa. Đây là lợi ích mà không chỉ chủ sở hữu của ngôi nhà sẽ nhận được, mà nó còn giải quyết bài toán về môi trường trên toàn thế giới.

Hiện nay, trái đất đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về nhựa, thế nên việc xây dựng ngôi nhà như vậy có nghĩa là chủ nhân của nó đang giúp tái chế chai nhựa. Nhiều quốc gia có thể đã áp dụng các chương trình tái chế cho những chai nhựa, nhưng số lượng vẫn còn quá thấp, chỉ khoảng 20%.

  

Đọc thêm