Đua xe điện tử: “Luồng gió mới” của nền đua xe chuyên nghiệp Việt Nam

(PLVN) - Dù đã có tuổi đời trên dưới 40 năm, mô hình thể thao đua xe điện tử vẫn luôn bị “coi nhẹ” trong một thời gian dài. Nhiều năm gần đây, sự phổ biến của các game đua xe đang dần định hình một tương lai hoàn toàn khác đối với nền đua xe chuyên nghiệp toàn cầu. Tất nhiên, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Giải đua F1 giả lập được công bố sau khi các chặng F1 bị hoãn
Giải đua F1 giả lập được công bố sau khi các chặng F1 bị hoãn

Sau khi các chặng đua Công thức 1 (F1) bị dừng, hoãn bởi Covid-19, F1 đã tổ chức giải đua xe giả lập dưới dạng game online có tên là “F1 eSports Virtual Grand Prix”. Giải đua này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người mê tốc độ. 

Chặng đua giả lập F1 “gây bão”

Giám đốc điều hành Tập đoàn F1 Chase Carey từng nói: “Sự linh hoạt trong giai đoạn khó khăn này mang đến những cơ hội để thử nghiệm những điều mới mẻ và phát triển môn thể thao đua xe ở nhiều góc độ khác”. Một trong số đó chính là các sáng kiến về nền tảng đua xe điện tử (tiếng anh: eSports Racing).

Trường đua của giải F1 giả lập
Trường đua của giải F1 giả lập  

Chặng đua giả lập đầu tiên của mùa giải F1 2020 được thực hiện trên mô hình đường đua của Bahrain Grand Prix ngày 22/3/2020. Chặng đua giả lập ở Việt Nam cũng được tổ chức vào đúng ngày 5/4 như dự kiến ban đầu.

Giải đua xe F1 “ảo” nhưng trải nghiệm như thật đã thu hút sự góp mặt tranh tài của hầu hết các tay đua, đội đua hàng đầu thế giới; đồng thời hấp dẫn một loạt các ngôi sao thể thao khác. Với thời lượng dự kiến khoảng 1,5 giờ đồng hồ, giải đua F1 giả lập được tường thuật trực tiếp trên các kênh YouTube, Twitch và Facebook chính thức của F1 và được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Sky Sports, Sky Sports Main Event….

Các tay đua mùa giải F1 năm nay
Các tay đua mùa giải F1 năm nay 

Như vậy, dù chưa tổ chức được giải F1 trên thực tế nhưng giải đua F1 giả lập đã mang đến một “món ăn tinh thần” mới lạ với tất cả các fan của thể thao tốc độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Theo Julian Tan – Trưởng phòng Sáng kiến Kinh doanh Kỹ thuật số và Esports của F1, thể thao điện tử giúp “giảm nhẹ phần nào những khó khăn mà chúng ta đang trải qua, và người hâm mộ vẫn có thể được ‘hâm nóng’ như đang tham dự các chặng đua F1 một cách quen thuộc nhưng cũng đầy mới lạ.”  

Trên thực tế, đua xe điện tử đã xuất hiện từ khoảng những năm 80, với những tựa game như “Chequered Flag” (1983), “Revs” (1984), “Hard Driving” (1987), “Indianapolis 500” (1989). Sau đó những năm 90 gọi tên các trò chơi “F1 Grand Prix” (1992), “IndyCar Racing” (1993), “NASCAR Racing” (1994)… Những cái tên nổi tiếng gần đây nhất có thể kể tới “Forza Motorsport”, “Gran Turismo”, “Project CARS”, “iRacing”, TrackMania, “Assetto Corsa”, …. Trong đó “Gran Turismo” đã được Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) cấp phép tổ chức giải đấu, tức là người vô địch giải đua giả lập Gran Turismo cũng sẽ được vinh danh ngang hàng với các nhà vô địch đua xe khác trên thực tế. 

Viễn cảnh mới của nền đua xe chuyên nghiệp

Trở thành một tay đua chuyên nghiệp là một ý tưởng hấp dẫn và đáng mong ước với rất nhiều người, tuy nhiên ước mơ này lại cực kỳ tốn kém về tiền bạc, thời gian, nhân lực…. Quan trọng hơn, trước khi bắt đầu theo đuổi niềm đam mê này, bạn trước hết phải sở hữu một chiếc xe đua để luyện tập. Chắc chắn, cái giá không hề rẻ.

Nhìn từ một góc độ khác, mong muốn đạt đến đỉnh cao của thể thao đua xe từ nhiều người yêu thích bộ môn này chính là yếu tố hàng đầu góp phần vào sự xuất hiện và phát triển như “vũ bão” của thể thaođua xe điện tử hiện nay. 

Không thể phủ nhận, những tiến bộ về công nghệ đang dần thu hẹp khoảng cách giữa đua xe giải lập và đua xe trên thực tế. Bắt đầu chỉ với những trải nghiệm trên màn ảnh, các game đua xe hiện nay có thể cung cấp những trải nghiệm vật lý sống động, mô phỏng các giải đua kì thú nhất trên thế giới mà ai ai cũng biết đến như Rally, MotoGP, Formula 1….

Chặng đua F1 mô phỏng đường đua tại Việt Nam
 Chặng đua F1 mô phỏng đường đua tại Việt Nam 

Không quá ngạc nhiên khi thể thao đua xe điện tử được thiết lập thành các giải đấu trên quy mô toàn cầu. Mặt khác, thể thức đua xe điện tử cũng đã xuất hiện trong Giải vô địch thế giới FIA Motorsports Games – một “đại hội Olympic” của giới đua xe thể thao.

Như vậy, có viễn cảnh nào mà đua xe ảo thay thế hoàn toàn thực tế không? Dù còn quá sớm để nói trước nhưng thực tế đang cho thấy: thể thao đua xe điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Theo đó, con đường đến với đua xe chuyên nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn mới. Một đứa trẻ muốn trở thành một tay đua Công thức 1, IndyCar hay Le Mans sẽ không còn lo lắng phải có một nền tảng tài chính khổng lồ để theo đuổi ước mơ của mình.

Thay vào đó, chúng có thểhướng tới bộ môn đua xe điện tử với cái giá rẻ hơn rất nhiều. Những đứa trẻ có kỹ năng tốt vẫn có thể tham gia các đội đua lớn, các giải đấu chuyên nghiệp tranh vị trí vô địch thế giới.

Chặng đua trên giao diện màn hình mà các tay đua nhìn thấy
Chặng đua trên giao diện màn hình mà các tay đua nhìn thấy   

Đã đến lúc phải nhìn nhận một thực tế rằng, cái thời các trò chơi điện tử vẫn bị cấm đoán, ghẻ lạnh bởi các bậc cha mẹ Việt Nam đã thực sự thay đổi. Từ một “đứa con hoang” của định kiến xã hội, đua xe điện tử nói riêng và nền thể thao điện tử nói chung đã phát triển thành một đế chế tỷ đô như hiện nay. Đây có lẽ sẽ là một tin vui đối với những người Việt Nammuốn theo đuổi sự nghiệp thể thao đua xe chuyên nghiệp.

Bởi lẽ Việt Nam đã và đang có một cộng đồng “game thủ” thực sự mạnh, đã từng cạnh tranh và giành chức vô địch trên các đấu trường quốc tế trên đủ bộ môn bắn súng, đối kháng, chiến thuật… Chúng ta cũng thấy thể thao đua xe điện tử chính là một xu hướng mới dù mới thực sự “gây bão” khoảng vài năm gần đây. Nhiều nhà tài trợ, đội đấu eSport lớn trên thế giới từ các đấu trường game nổi tiếng như Dota, LoL, Call of Duty… cũng đang dần “lấn sân” sang các game đua xe điện tử bởi nhận thấy tiềm năng to lớn của bộ môn này trong tương lai. 

Vậy thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể mong chờ một ngày nào đó trong tương lai mà các tuyển thủ Việt Nam có thể “ghi tên trên bảng vàng” của các đấu trường thể thao đua xe điện tử chuyên nghiệp. Tất nhiên, sẽ là “niềm vui kép” nếu màu áo Việt Nam còn được xuất hiện trong những giải vô địch đua xe danh giá nhất. 

Đọc thêm