Đương sự chết trong quá trình xét xử sơ thẩm của vụ án dân sự thì giải quyết như thế nào?

(PLVN) - Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - cho rằng, tranh chấp giữa ông X và chị B là tranh chấp về tài sản và không có yếu tố nhân thân, do đó quyền và nghĩa vụ của chị B trong trường hợp này là có thể chuyển giao.
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Chị Nguyễn Ngọc Hà (trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có thắc mắc: Cuối năm 2019, chị B (em gái chị Hà) vay của ông X một khoản tiền 100 triệu đồng, có giấy vay tiền và hẹn 05 tháng sau sẽ hoàn trả cả gốc lẫn lãi.

Sau 05 tháng, chị B chỉ thanh toán được cho ông X số tiền gốc mà chưa hoàn thành nghĩa vụ trả tiền lãi. Chị B còn trốn tránh, trì hoãn việc trả nợ bằng cách không nghe điện thoại khi ông X liên lạc yêu cầu trả tiền. 

Ông X đã gửi Đơn khởi kiện cùng các tài liệu liên quan đến việc vay-trả giữa ông và chị B lên Toà án yêu cầu giải quyết. Toà án đã tiếp nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án của ông X, đồng thời thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành mở phiên toà xét xử sơ thẩm.

Trong thời gian tiến hành phiên toà, chị B đột nhiên lên cơn nhồi máu cơ tim và qua đời. Trường hợp này Toà án có được ngay lập tức đình chỉ giải quyết vụ án hay không?

Về nội dung này, Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - nhận định: Có thể thấy, tranh chấp giữa ông X và chị B là tranh chấp về tài sản và không có yếu tố nhân thân, do đó quyền và nghĩa vụ của chị B trong trường hợp này là có thể chuyển giao. Theo đó, Toà án buộc phải xác định người kế thừa những quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chị B để đưa ra quyết định về việc giải quyết vụ tranh chấp này.

Sẽ có 03 trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp thứ 1, xác định được người thừa kế quyền và nghĩa vụ và người đó sẵn sàng tham gia tố tụng. Lúc này Toà án sẽ đưa người này vào và tiếp tục phiên toà giải quyết vụ tranh chấp giữa ông X và chị B, căn cứ theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015.

Trường hợp thứ 2, chưa có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tài sản của chị B, cụ thể Toà án chưa xác định được hoặc đã xác định được nhưng người đó chưa sẵn sàng tham gia phiên toà (vì những lí do như ốm đau, không có mặt tại Việt Nam,…). Lúc này Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đến khi người thừa kế của chị B sẵn sàng tham dự phiên toà xét xử (theo điểm a khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015).

Trường hợp thứ 3, chị B không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tài sản. Trong trường hợp này, Toà án ra quyết định đưa người đại diện của nhà nước vào để tiếp tục giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, phần tài sản còn lại của chị B sau khi thanh toán cho ông X sẽ thuộc về Nhà nước.

Đọc thêm