Giải mã lý do đàn hương được ví như “vàng xanh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lại càng ngày càng tăng khiến cây đàn hương và các chế phẩm từ loài cây đa dụng này trở nên cực kỳ quý hiếm. Đi kèm với đó là mức giá đắt đỏ được ví như vàng. 
Cây đàn hương đã được trồng tại Việt Nam khoảng chục năm gần đây.
Cây đàn hương đã được trồng tại Việt Nam khoảng chục năm gần đây.

“Cây hoàng gia”

Ở Ấn Độ, gỗ đàn hương đã xuất hiện và được biết đến từ hơn 4.000 năm trước. Việc buôn bán đàn hương đã diễn ra cùng với các hoạt động giao thương của Ấn Độ. Nhận ra giá trị của mặt hàng, năm 1792, Quốc vương Tipu - người trị vì Vương quốc Mysore ở vùng đất nay là thành phố Mysore của Ấn Độ - đã tuyên bố cây đàn hương là “cây hoàng gia”, đồng nghĩa với việc không một cá nhân người bình thường nào có thể sở hữu cây quý.

Trên Con đường tơ lụa cổ đại, tinh dầu đàn hương Ấn Độ là một trong những hàng hóa được săn lùng nhiều nhất. Mặt hàng này được các thương nhân đưa từ Ấn Độ đến các thị trường ở khắp nơi, nhất là ở Trung Quốc. Tinh dầu đàn hương được trưng cất lần đầu vào năm 1875.

Đàn hương mọc chủ yếu ở Ấn Độ, Indonesia, Australia, Papua New Guinea, một số khu vực ở phía nam châu Phi và Thái Bình Dương. Trong đó, nguồn cung đàn hương tự nhiên lớn nhất là ở các bang Karnataka, Kerala và Tamil Nadu ở phía nam Ấn Độ. Đàn hương có 16 giống khác nhau trên toàn thế giới và hầu hết trong số này đều có chứa tinh dầu. Tuy nhiên, hàm lượng và chất lượng dầu thay đổi rất nhiều giữa các giống và gỗ đàn hương Ấn Độ cho đến nay là loại có giá trị nhất, cũng là loại được săn lùng nhất. 

 

Đàn hương Ấn Độ đắt giá là một phần bởi đây là cây quý hiếm và rất khó trồng. Đây là cây bán ký sinh, có nghĩa là để nảy mầm và sinh trưởng, nó phụ thuộc vào cây chủ và cây bụi xung quanh. Đàn hương sẽ bám vào rễ của những cây chủ này để lấy chất dinh dưỡng và nước. Trong quá trình phát triển, cây cũng phụ thuộc vào bụi cây chủ để được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Việc trồng hạt giống phải đúng thời điểm và đất trồng cũng phải đáp ứng những yêu cầu nhất định.

Một cây đàn hương Ấn Độ sẽ nặng khoảng 100 kg khi thu hoạch, trong đó gỗ tâm chiếm khoảng 24 kg (tùy thuộc vào độ tuổi thu hoạch). Tâm gỗ đàn hương ở mức này có chứa khoảng 3,7% tinh dầu. Có những thông tin cho biết, cây đàn hương phải có tuổi đời từ 40 đến 80 năm thì khi thu hoạch mới có giá trị kinh tế cao nhất. Cây đàn hương phát triển chậm, theo một ước tính, cây này cần tới khoảng 50 năm hoặc lâu hơn mới đạt đường kính thân khoảng 71cm. Cây càng già thì gỗ càng thơm và càng có giá trị.

Bên cạnh đó, đàn hương cũng là cây có nhiều giá trị sử dụng. Từ hàng ngàn năm nay, con người đã sử dụng đàn hương trong các hoạt động tôn giáo, tế lễ và làm mỹ phẩm. Tinh dầu đàn hương Ấn Độ luôn là một chất chữa bệnh được đánh giá cao trong y học Ayurveda cũng như trong y học cổ truyền Trung Quốc. Gần đây, y học hiện đại cũng đã bắt đầu lưu ý đến các đặc tính chữa bệnh khác nhau của cây này. Trong quá trình khai thác đàn hương Ấn Độ thông qua quá trình chưng cất, nhiều sản phẩm phụ và dư lượng hữu ích cũng được sử dụng để sản xuất hương. Gỗ đàn hương có vân rất đẹp nên cũng thường được để chế tác các tác phẩm nghệ thuật, đồ nội thất.

Việc chiết xuất tinh dầu từ các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng như đàn hương sẽ tốn thêm chi phí như tiền giấy phép; tiền mua các thiết bị chưng cất hiệu quả, khiến giá thành bị đẩy lên cao hơn. Cũng vì lý do này mà ở những nước không có đàn hương dễ xảy ra tình trạng sản xuất bất hợp pháp tinh dầu đàn hương và ở những nơi này, tinh dầu đàn hương thường xuyên bị pha trộn, lẫn tạp chất hoặc thậm chí là bị làm giả từ các loại dầu khác nhau.

Cây hái ra tiền

Trong những năm 1980, do giá trị thị trường cao, cây đàn hương Ấn Độ đã bị chặt hạ một cách bất hợp pháp với số lượng rất lớn. Năm 2000, Chính phủ Ấn Độ đã đưa cây này vào danh sách các giống cây có nguy cơ tuyệt chủng nếu không được bảo vệ và cấm khai thác đàn hương đỏ. Theo quy định, tất cả các cây đàn hương ở Ấn Độ đều do Chính phủ kiểm soát.

Xuất khẩu gỗ đàn hương bị hạn chế nghiêm ngặt. Việc buôn lậu mặt hàng này cũng bị trừng phạt nghiêm khắc. Kể từ đó, nguồn cung hợp pháp đàn hương Ấn Độ từ Ấn Độ - nơi chiếm tới 95% nguồn cung cấp có sẵn trên thế giới - đã gần như biến mất hoàn toàn. Sản lượng gỗ đàn hương xuất khẩu chính thức của Ấn Độ năm 1970 là 4.000 tấn thì đến năm 2016 chỉ còn 250 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu về đàn hương Ấn Độ luôn vượt nhiều lần nguồn cung sẵn có, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung ngày càng tăng và giá đàn hương đã tăng ở mức 2 con số. Theo cơ quan bảo vệ rừng bang Tamil Nadu của Ấn Độ, ở giữa những năm 1990, giá tâm gỗ đàn hương khoảng 250 USD/kg thì đến nay đã lên đến gần 3.000 USD/kg. Giá tinh dầu đàn hương Ấn Độ bán tại chỗ cũng ở mức tương đương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hàng nghìn tấn gỗ đàn hương đỏ vẫn đã bị chặt phá, đưa bất hợp pháp ra khỏi những khu rừng rậm ở phía nam nước này nhằm đáp ứng nhu cầu của mạng lưới buôn bán toàn cầu trải dài từ Vịnh Persian tới Trung Quốc. Trung Quốc được cho là điểm đến thường xuyên nhất của mặt hàng này bởi vẻ đẹp của thân gỗ và những đồn đoán về tác dụng chữa bệnh của sản phẩm này, trong đó có tác dụng cải thiện năng lực tình dục. 

Theo tờ LA Times, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đã làm suy giảm số cây gỗ đàn hương đỏ ở Ấn Độ - môi trường sống tự nhiên duy nhất của loài này. Năm 2016, một bức bình phong gấp trang trí được làm từ gỗ đàn hương đỏ đã được bán tại một cuộc đấu giá ở thành phố Nam Kinh phía đông Trung Quốc với giá kỷ lục lên đến 23 triệu USD.

Để phục vụ nhu cầu của những khách hàng đó, tại các ngôi làng ở Ấn Độ, những người dân nghèo thường tìm mọi cách để vào những khu rừng như khu rừng ở Seshachalam để đốn cây đem bán cho những trùm buôn lậu gỗ ở địa phương. Thông thường, các nông dân này sẽ cưa những tấm gỗ thành những đoạn nặng hơn 20kg và đem ra khỏi rừng bán với giá khoảng 3 USD cho mỗi 450g. Tình trạng này đã khiến giới chức Ấn Độ đau đầu tìm cách đối phó. 

Một thống kê cho hay, trong vòng 1 năm kể từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ được thành lập để đối phó với nạn khai thác bất hợp pháp gỗ đàn hương đã thu được khoảng 170 tấn gỗ đàn hương đỏ. Tuy nhiên, con số này được cho là đã giảm tới 90% so với 5 năm trước đó. Các cơ quan khác của Chính phủ Ấn Độ như hải quan cũng đã báo cáo sự giảm mạnh các vụ bắt giữ gỗ đàn hương bị khai thác lậu. 

Từ năm 2015 đến gần cuối năm 2018, lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ cũng đã bắt giữ hơn 11.000 người, hầu hết là người lao động ở nước này, vì hành vi khai thác bất hợp pháp gỗ đàn hương. Cũng trong thời gian này, ít nhất 28 người nước ngoài đã bị bắt giữ, trong đó gần 1 nửa là người Trung Quốc. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng bớt hạn chế về xuất khẩu và sản xuất đàn hương trong phạm vi nước này. Do đó, hoạt động trồng trọt và khai thác đàn hương đã bắt đầu phát triển mạnh trở lại.

Để đáp ứng với nguồn cung thấp và nhu cầu cao đối với các sản phẩm đàn hương Ấn Độ, các loại đàn hương khác cũng đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo các chuyên gia, giá tinh dầu đàn hương hiện đã cao hơn 5 lần giá bạc và sẽ tăng khoảng 20 đến 25% mỗi năm. Nhu cầu đàn hương dự kiến sẽ tăng đến 20.000 tấn vào năm 2025. 

Đọc thêm