Giải Nobel Văn học năm 2020 gọi tên nữ thi sĩ Louise Glück

(PLVN) - Ngày 8/10/2020, giải Nobel Văn học 2020 đã được trao cho nhà thơ nổi tiếng nước Mỹ - Louise Glück. Thơ của bà được ca ngợi là tự nhiên, có giọng điệu riêng, nói lên được nhiều điều về cuộc sống riêng tư của con người. Qua lần vinh danh thơ ca này, ta thấy được rằng, thơ ca đang được nhìn nhận lại, bởi dù thế nào, như nhiều người đã nói, thơ ca là tâm hồn của con người.
Nữ thi sĩ Louise Glück.

Nhận giải Nobel Văn học

Nữ nhà thơ Louise Glück sinh năm 1943 tại New York (Mỹ). Bà hiện đang sống ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts. Công việc của Louise Glück là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Yale, bang Connecticut. Giải Nobel Văn học năm 2020 cũng như các năm trước đó được coi là khó đoán trước khi trao giải. Trong một bài phỏng vấn sau khi nhân giải, bà nói rằng, còn nhiều nhà thơ nước Mỹ xứng đáng hơn, nên việc bà được nhận giải là điều rất bất ngờ. 

Thơ Louise Glück được trao giải Nobel Văn học 2020 vì sự hồn nhiên, mộc mạc, phong cách riêng, và nhất là trong thơ bà, những cá thể riêng biệt chứa đựng được vẻ đẹp của vạn vật. Thơ bà không những nói lên được những tư tưởng về nhân sinh, mà còn nói được những điều nhỏ bé tưởng chừng đơn giản, dễ bỏ qua. 

Đó là những đổ vỡ, cô đơn, những yếu điểm của gia đình, chung thủy, đức hạnh. Bên cạnh đó, chủ đề về cái chết cũng được Louise Glück quan tâm. Thơ bà không những sắc sảo, thẳng thắn, nói lên được điều cần nói, mà chứa ẩn trong đó sự hài hước dí dỏm.

Chỉ có sự thông mình của một nhà thơ mới biến những những câu nói thường nhật thành thơ, mang triết lý mà lại dí dỏm. Anders Olsson - Chủ tịch ủy ban Nobel, nhận xét Gluck sử dụng ngôn ngữ thẳng thắn, không khoan nhượng, sâu cay. Như bài “Hoa Diên vĩ đại” dưới đây, ta thấy được sự soi chiếu của Louise Glück vào sâu tâm hồn con người, để cảm nhận cái chết, sự hồi sinh.

Trích dẫn bài thơ: Hoa Diên vĩ đại

Ở tận cùng nỗi đau của tôi,

có một cánh cửa.

Hãy lắng nghe tôi: nơi đấy em gọi là cái chết,

tôi còn nhớ.

Trên đầu, tiếng động, những cành cây thông dịch chuyển.

Và không gì hết. Mặt trời ảm đạm

rung rinh trên mặt đất khô cong.

Thật hãi hùng khi còn sống sót

trong lúc nhận thức

chôn vùi dưới đất đen

Và rồi tất cả kết thúc: điều em hằng sợ,

trở thành linh hồn và không thể cất lời,

kết thúc đột ngột,

Mặt đất cứng uốn cong mình đôi chút.

Và cái gì đó- tôi đoán là những con chim

Vút bay lên từ những bụi cây lúp xúp

Em không thể nhớ

những lối đi từ thế giới khác.

Tôi sẽ nói với em nếu như tôi lại có thể nói:

Bất cứ thứ gì từ hư không trở lại

đều trở lại mong tìm kiếm một giọng nói:

Từ giữa cuộc đời tôi xuất hiện

một suối nguồn vĩ đại,

những bóng tối xanh biếc

chìm vào nước biển xanh trong.

(Bài thơ do Vũ Hoàng Linh dịch)

Hay như trong bài thơ “Hôn nhân”, ta thấy được sự sâu sắc của người phụ nữ nhìn nhận về tâm trạng mình, cũng như nhìn nhận về người đàn ông bên mình. 

Trích dẫn bài thơ: Hôn Nhân

Cả tuần, họ lại ra biển

và âm thanh của biển phủ màu lên mọi vật.

Bầu trời xanh lấp tràn khung cửa sổ.

Nhưng tiếng động duy nhất là tiếng sóng vỗ bờ-

giận dữ. Giận dữ vì gì đó. Vì điều gì đó

khiến anh ngoảnh mặt đi. Giận dữ, dù anh không bao giờ đánh nàng,

và có thể chưa bao giờ anh nói đến.

Và nàng phải tự tìm câu trả lời theo một cách khác,

từ biển, có thể, hoặc từ những đám mây xám bất chợt

hiện bên trên. Mùi của biển ở trong chăn đệm,

mùi của nắng và gió, mùi khách sạn, dịu ngọt và tươi mới

bởi họ thay chúng mỗi ngày.

Không bao giờ anh nói. Từ ngữ, với anh, là để thỏa thuận, để làm ăn.

Không bao giờ cho giận dữ, không bao giờ cho trìu mến.

Nàng vuốt ve lưng anh. Nàng vùi mặt mình lên đấy,

như thể đang vùi mặt mình lên một bức tường.

Và im lặng giữa họ cổ xưa: nó nói

có những biên giới.

Anh không ngủ, cũng không vờ đang ngủ.

Hơi thở anh không đều đặn: anh hít vào lưỡng lự;

anh không muốn cam kết mình với cuộc sống.

Và anh thở ra nhanh, như vị vua xua đuổi tên hầu.

Ở phía dưới im lặng, tiếng biển,

sự dữ dội của biển lan đi khắp nơi, không kết thúc, không kết thúc,

hơi thở của anh đẩy đi những ngọn sóng-

Nhưng nàng biết nàng là ai và nàng biết điều mình muốn.

Chừng nào điều đó đúng, một cái gì tự nhiên như vậy không thể khiến nàng đau.

                                       (Bài thơ do Vũ Hoàng Linh dịch)

Với kết quả Nobel văn học năm nay, nhà thơ Louise Glück được coi là người phụ nữ thứ 16 được vinh dự nhận giải thưởng này. Trước đó là những nữ nhà văn Nadine Gordimer (1991), Toni Morrison (1993), Wisława Szymborska (1996) và Elfriede Jelinek (2004), Doris Lessing (2007), Herta Muller (2009), Alice Munro (2013), Svetlana Alexievich (2015), Olga Tokarczuk (2018)...

Tầm quan trọng của thơ ca

Trước đây, khi âm nhạc chưa được phổ biến, thì thơ là nghệ thuật cứu cánh cho tâm hồn con người. Thơ khác văn xuôi ở chỗ là có sự chắt lọc ngôn ngữ, ngắn gọn, giàu hình ảnh, có cả nhịp điệu, nhịp điệu này khác nhịp điệu của ca khúc. Bài thơ hay là chứa cả tâm trạng người viết. Người am hiểu về thơ khi đọc thơ nhiều khi còn hiểu được cả nội tâm sâu xa và cá tính của người viết.

Nhiều tài liệu xác nhận rằng, thơ có trước văn xuôi. Thậm chí vào thời cổ đại, những bộ luật của người Ấn Độ được viết bằng hình thức thơ. Trong các bản hùng ca của Homère mà ngày nay chúng ta biết đến cũng được viết bằng thơ. Một số bản kinh, kể cả kinh Phật, hay kinh Thánh, chúng ta cũng thường bắt gặp được viết bằng thơ. Có lẽ do thơ ngắn gọn, dễ thuộc, hơn nữa lại cô đúc, nên thơ là hình thức thể hiện dễ dàng nhất để kết nối con người với nhau.

Từ xa xưa, triết gia Platon đã thấy quá rõ tầm quan trọng của thơ. Ông nhận định, thơ chiếm lĩnh tâm hồn, thức tỉnh, giáo dục. Platon cho rằng, nhà thơ phải được thần thơ ban tặng thì mới được gọi là nhà thơ, còn không, nhà thơ đó sẽ bị dìm chết bởi nghệ thuật. Những triết gia xưa cũng đã từng đưa ra những lời dạy, thơ là dành cho người có tài chứ không phải dành cho kẻ điên.

Trong tác phẩm lớn về thơ, như trường ca, kịch thơ, có rất nhiều nhân vật, chứa đựng mọi hỉ nộ ái ố, những giải quyết mâu thuẫn của nhân vật đã giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về tính cách và tâm hồn con người. Những bậc thi hào làm được điều này là Aleksandr Sergeyevich Pushkin (Nga), Thomas Stearns Eliot (Mỹ), Johann Wolfgang von Goethe (Đức), Nguyễn Du (Việt Nam), Dante (Ý)... Đó là những nhà thơ lỗi lạc, nhờ họ mà hậu thế có những tác phẩm kinh điển cả về nghệ thuật và mang tính giáo dục cao. 

Trong dân gian, nhiều bài thơ, đoạn thơ, câu thơ được lưu truyền rộng rãi, từ đời này qua đời khác, trở nên bất hủ, trở thành câu cửa miệng của mọi người. Đó là những câu thơ về cảnh sắc thiên nhiên: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Đó là những câu nói về tình cảm gia đình: “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ, thầy”; “Anh em nào phải người xa/ Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”. Đó là những câu nói về kinh nghiệm: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối”; “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”; “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếp sấm, phất cờ mà lên”...

Như vậy, thơ có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển chung của con người từ thời cổ đại cho đến hôm nay. Nobel Văn học 2020 vinh danh nữ nhà thơ Louise Glück, một lần nữa khẳng định sức ảnh hưởng lớn lao của thơ ca đối với con người. Đọc một bài thơ hay, ta thấy được tâm hồn mình lắng lại, như người ta đang ngồi thiền định. 

Đọc thêm