Góc nhìn luật gia: Giải bài toán minh bạch việc sử dụng tiền công đức tại các di tích

(PLVN) - Năm hết, Tết đến, việc "trả lễ" cuối năm và lễ loạt đầu năm lại tấp nập tại chùa đền và các cơ sở thờ tự. Lâu nay, việc sử dụng tiền công đức luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm đông đảo từ phía người dân, các chuyên gia cũng như các ban ngành chức năng. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, giám sát việc sử dụng tiền công đức sao cho bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch lại… vẫn đang gặp khó. 
Góc nhìn luật gia: Giải bài toán minh bạch việc sử dụng tiền công đức tại các di tích

Dấu hỏi từ khoản tiền công đức “khủng”

Khái niệm tiền công đức (có nơi gọi là tiền giọt dầu, tiền tiến cúng…) tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở tôn giáo được xác định là nguồn tiền mà các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cúng tiến, đóng góp, tài trợ tự nguyện, hợp pháp… đối với các di tích lịch sử, đền, chùa, miếu, cơ sở thờ tự tôn giáo. Thực tế, ngoài việc tiến cúng bằng tiền mặt, còn có việc công đức bằng ngoại tệ, hiện vật, tài sản hoặc ngày công lao động, trí tuệ…

Luật sư Vũ Thu Hường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo thống kê, hàng năm nước ta có khoảng 8000 lễ hội lớn nhỏ. Xã hội càng phát triển, khoản tiền công đức mà người dân đóng góp cho các cơ sở tôn giáo càng lớn. Theo báo chí đưa tin, số tiền công đức tại một số chùa, đền vào mùa lễ hội thu được trung bình lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí tại một số di tích lớn có nơi thu được vài chục tỉ đồng tiền công đức mỗi năm.

Về vấn đề quản lý, kiểm soát việc sử dụng tiền công đức, theo Luật sư Vũ Thu Hường, chúng ta đã có Thông tư liên tịch số 04 ngày 30/5/2014 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo điều chỉnh cụ thể.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Theo đó, thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng, phân bổ tiền công đức cũng như vai trò phối kết hợp, giám sát của các cơ quan hữu quan để sử dụng minh bạch, đúng mục đích.

Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính nguyên tắc, khái quát chung. Thực tế tiền công đức được phân bổ cho nhiều hạng mục và được sử dụng theo thứ tự ưu tiên (chẳng hạn các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ưu tiên cho việc duy tu, tôn tạo, cho hoạt động duy trì sinh hoạt; các chùa đền thì ưu tiên cho các hoạt động phục vụ tôn giáo…) chứ hoàn toàn không phải nhà nước trực tiếp quản lý, điều tiết sử dụng số tiền công đức này.

Luật sư Hường cho biết, ở một số địa phương UBND tỉnh có ban hành quyết định về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Theo đó, thường thì số tiền công đức sẽ được chi theo thứ tự ưu tiên: phục vụ việc quản lý, tu bổ di tích và các chi phí hợp lý khác tại cơ sở đó... Tuy cùng một vấn đề nhưng việc quy định ở mỗi địa phương cũng không giống nhau.

Tiền công đức phải được quản lý bằng pháp luật

Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Văn phòng luật sư Tràng Thi, Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề khá "nhạy cảm" bởi liên quan đến quyền lợi của các tổ chức tôn giáo, cộng đồng làng xã cũng như cá nhân chức sắc tôn giáo, cũng như yếu tố tâm linh.  

Theo luật sư Khỏe, nếu để nhà nước mà trực tiếp là chính quyền địa phương quản lý, điều tiết việc sử dụng tiền công đức sẽ không phù hợp bởi đa phần người dân muốn công đức trực tiếp cho nhà chùa, cơ sở tôn giáo, thờ tự hơn là chính quyền địa phương, do đó sẽ gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo công trình tâm linh.

 

Về vấn đề quản lý tiền công đức, theo Thông tư liên tịch số 04 ngày 30/5/2014 hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ, tại Điều 7 quy định về việc Thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức như sau: “1. Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. 3. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.”

Thông tư 4 quy định như vậy nhưng thực tế ghi nhận, việc quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn tiền công đức rất khó. Ví dụ, ngoài khoản tiền công đức bỏ vào thùng hoặc được ghi vào sổ sách cụ thể, thì nhiều tín đồ, người dân vẫn quan niệm “tiền xuất Phật biết” nên không muốn ghi tên tuổi, số tiền tiến cúng vào sổ sách nên khoản tiền “chênh” giữa sổ ghi chép với thực tế cũng không nhỏ. Hoặc tại các cơ sở thờ tự, chùa, miếu vẫn còn hiện tượng người dân, tín đồ để tiền lễ lên các ban thờ, để tiền giọt dầu… Số tiền nhỏ nhưng hàng ngàn người hành hương thì lại là chuyện khác. 

Phát huy vai trò giám sát của người dân 

Trả lời câu hỏi vậy vai trò giám sát của người dân đến đâu, người dân cũng phải biết và có quyền được biết số tiền mình công đức vào nơi tâm linh được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích hay không, luật sư Đỗ Thúy Phượng (Văn phòng luật sư Vạn An, Hà Nội) cho rằng yêu cầu người dân được giám sát hoạt động sử dụng tiền công đức là hoàn toàn chính đáng và rất dân chủ.

Thực tế, ở một số nơi người dân đã phát huy rất tốt quyền dân chủ, quyền giám sát của mình khi phát hiện và báo với cơ quan có thẩm quyền việc các cá nhân, nhóm người sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, gian lận hoặc trộm cắp, xà xẻo tiền công đức…

Tuy nhiên, theo luật sư Phượng thì chỉ khi phát hiện ra có dấu hiệu sai phạm người dân mới có quyền đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, còn giả sử việc sử dụng chi dùng tiền công đức vẫn đang đúng mục đích, không có khuất tất thì người dân không được phép yêu cầu cơ sở tôn giáo giải trình xem đã sử dụng tiền như thế nào, có đúng mục đích không? Nghĩa là, mặc dù nguyện vọng được biết số tiền mình công đức vào nơi tâm linh được sử dụng như thế nào của người dân là chính đáng nhưng xét về cơ sở pháp lý của vấn đề thì lại không phù hợp.

Bởi vì, Luật Di sản Văn hóa, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo đều có quy định tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Nguồn tiền công đức cũng được coi là tài sản hợp pháp của di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo vì đây là nguồn tiền người dân tiến cúng hoặc tự nguyện đóng góp theo sự kêu gọi quyên góp.

Về nguyên tắc, các tín đồ, người dân tự nguyện phát tâm công đức nên họ không có quyền yêu cầu, đòi hỏi chủ quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cho biết số tiền họ đóng góp không có điều kiện ấy được sử dụng như thế nào; trừ trường hợp các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có thông báo tổ chức vận động các tín đồ, người dân phát tâm công đức tiền của để thực hiện việc xây dựng, trùng tu, sửa chữa nơi thờ tự, hoặc làm từ thiện, thì người phát tâm công đức mới có quyền đòi hỏi được biết số tiền họ đóng góp có sử dụng đúng mục đích hay không (vì theo Bộ luật Dân sự, đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện). 

Bởi vậy, việc công khai, minh bạch nguồn tiền công đức và sẽ quản lý, giám sát việc quản lý sử dụng tiền công đức hợp lý, minh bạch được đến mức nào vẫn đang là bài toán nan giải.

Đọc thêm