Giải phóng mặt bằng để.... trồng keo
Đầu tháng 3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018. Kết luận thanh tra chỉ rõ nhiều dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng sử dụng đất có nguồn gốc đất từ nông, lâm trường chậm tiến độ.
Trong đó theo thông báo của Thanh tra Chính phủ: Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc đã giải phóng mặt bằng 16,82ha (chỉ chiếm 16%) nhưng hiện đang trồng keo trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng. Dự án chậm tiến độ 6 năm 5 tháng.
Điều đáng nói, theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì chủ đầu tư bị thu hồi đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Khoản 12 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định: “Trường hợp đến thời điểm kiểm tra, thanh tra mới xác định hành vi không sử dụng đất đã quá 12 tháng liên tục hoặc đã chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định gia hạn.
Quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền được ban hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra hoặc kết luận thanh tra nếu người sử dụng đất có văn bản đề nghị;
Người sử dụng đất không sử dụng đất đã quá 12 tháng hoặc đã chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng có nhu cầu gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng phải có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất xem xét quyết, định gia hạn.
Trường hợp sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có văn bản xác định hành vi vi phạm mà người sử dụng đất không có văn bản đề nghị được gia hạn thì UBND cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định thu hồi đất theo quy định, trừ trường hợp bất khả kháng. Các trường hợp bất khả kháng được quy định bao gồm: Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường; Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh; Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh; Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Từ thực tế vi phạm của Công ty CP Đại Phú Phát, Thanh tra Chính phủ khẳng định, đối với sai phạm trong dự án này thì trách nhiệm thuộc Chủ đầu tư dự án; trách nhiệm liên quan thuộc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng. Trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình.
Hơn 6 năm chưa có Quy hoạch chi tiết
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng: “Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc chưa lập Quy hoạch chi tiết dự án, chưa đầu tư xây dựng”. Vậy quy hoạch chi tiết dự án là gì? Tại sao Chủ đầu tư các dự án phải thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết? XLPL đưa ra một số quy định có liên quan để cho thấy những tồn tại của Cty CP Đại Phú Phát ảnh hưởng như thế nào tới dự án.
Đầu tiên phải hiểu rõ rằng, có rất nhiều khái niệm trong quy hoạch xây dựng như: quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch nông thôn... Quy hoạch chi tiết có 2 loại tỷ lệ quy hoạch chính là: Quy hoạch 1/2000 và Quy hoạch 1/500.
Trong đó, Quy hoạch 1/500 hay còn gọi là Bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Đây là chi tiết của quy hoạch 1/2000. Loại bản đồ quy hoạch này chi tiết bố trí cụ thể tất cả các công trình trên đất dự án. Về hạ tầng kỹ thuật, bản đồ sẽ thể hiện chi tiết đến từng ranh giới lô đất. Đồng thời, quy hoạch 1/500 chính là cơ sở để được cấp giấy phép và lập dự án đầu tư xây dựng. Vì vậy, các nhà đầu tư phải lập bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho các dự án để được cấp phép xây dựng.
Theo quy định của pháp luật, các trường hợp bắt buộc phải có quy hoạch 1/500 hiện nay bao gồm: Các công trình xây dựng tập trung như: khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, khu bảo tồn, khu cụm công nghiệp, khu thương mại dịch vụ, các công trình giáo dục, công trình y tế, công trình văn hóa…
Sau khi quy hoạch 1/2000 được phê duyệt thì phải lập quy hoạch 1/500 cho các dự án có quy mô 5ha trở lên trừ trường hợp tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định 44/2015/NĐ-CP.
Được biết, Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc có quy mô là 109 ha. Do đó, căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành cùng quy mô của dự án thì Dự án KDL sinh thái Hồ Ngọc bắt buộc phải có Quy hoạch chi tiết mới có thể triển khai thực hiện.
Trước đó, năm 2007, Cty CP Đại Phú Phát do ông Đỗ Văn Hải làm đại diện pháp luật, có địa chỉ tại xóm Ngọc, xã Trung Minh (Kỳ Sơn – nay là thành phố Hoà Bình) có hồ sơ, dự án xin thuê đất tại xóm Ngọc để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc. Công ty này bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2007, với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
Ngày 25/6/2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1204/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, diện tích thu hồi 168.213,9 m2 đất các loại tại xã Trung Minh và Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Hoà Bình quản lý để cho Công ty Đại Phú Phát thuê đất trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái, thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc.
Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở ngành liên quan, phối hợp chủ đầu tư dự án sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường gồm: Công ty CP Đại Phú Phát. “Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, xem xét năng lực nhà đầu tư, xử lý thu hồi dự án theo quy định của pháp luật”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.