Đã có 725 dịch vụ công được triển khai trên phạm vi toàn quốc
Theo đó, 6 dịch vụ công được cung cấp từ ngày 1/7/2020 trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm có: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế; Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông.
Đặc biệt, để phục vụ việc cung cấp dịch vụ công nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đến nay Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành việc kết nối với nền tảng thanh toán.
Cổng dịch vụ công quốc gia là một trong những hệ thống được triển khai để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chính thức khai trương từ ngày 9/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 8 nhóm dịch vụ với 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ cho doanh nghiệp.
Đây là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, góp phần công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng. Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối tích hợp với Cổng dịch vụ công của 17 bộ, cơ quan.
Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 596 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Qua tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến nhiều nghĩa vụ tài chính liên quan.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. |
Quá trình giải quyết các thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ được thông tin tới các doanh nghiệp, mà Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận thông tin để đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong khâu giải quyết. Ưu điểm rất lớn của việc này là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời còn tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo thống kê, kể từ ngày 9/12/2019 đến ngày 19/6/2020, đã có trên 171 nghìn tài khoản, trên 44 triệu lượt truy cập, trên 9,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và trên 131 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng cũng đã tiếp nhận hỗ trợ trên 14 nghìn cuộc gọi; tiếp nhận trên 6,5 nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/3, trong năm nay, có 65 dịch vụ được ưu tiên cung cấp trên Cổng, gồm 8 dịch vụ công liên quan đến một số chỉ số môi trường kinh do¬anh; và 57 dịch vụ công thuộc nhóm dịch vụ công thiết yếu, số lượng đối tượng thực hiện cao.
Tiến tới thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả bộ ngành, địa phương
Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, vừa qua, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và các lợi ích dành cho do¬anh nghiệp”.
Thông qua các hội nghị này, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan mong muốn tiếp tục giới thiệu được các lợi ích của Cổng dịch vụ công quốc gia với cộng đồng doanh nghiệp, tập trung vào các nhóm thủ tục hành chính đã vận hành thông suốt trên Cổng, cùng một số tính năng đặc biệt như thanh toán trực tuyến, gửi phản ánh kiến nghị cho Chính phủ, tra cứu thông tin quy trình thủ tục... và giới thiệu các phương án, lộ trình phát triển tiếp theo để thu hút sáng kiến, góp ý từ doanh nghiệp. Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội do¬anh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa Cổng dịch vụ công quốc gia.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, dịch vụ công chỉ thực sự hiệu quả khi được đầu tư đồng bộ ở tất cả ngành, địa phương. “Ví dụ trường hợp kiểm định xe bị phạt nguội ở tỉnh. Yêu cầu đưa ra là phải đóng tiền phạt thì kiểm định mới làm nhưng địa phương đó chưa tham gia vào Cổng dịch vụ công quốc gia nên buộc phải đóng trực tiếp” - ông Tuyến nói.
Còn theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, để Cổng dịch vụ công thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ công giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Trong đó, cần áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các mô hình cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì nhấn mạnh, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người dân. Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, các doanh nghiệp, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả bộ ngành, địa phương, thực hiện thanh toán các nghĩa vụ về tài chính, các thủ tục liên quan…
“Tương lai, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đăng ký một lần duy nhất trên cổng thay vì phải nộp nhiều lần. Nếu phải nộp thêm giấy tờ sẽ là giúp làm giàu kho dữ liệu” - Bộ trưởng Dũng nói và mong muốn các doanh nghiệp cùng tiếp sức xây dựng Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết sẽ nỗ lực tạo sự đồng bộ hạ tầng, nền tảng dữ liệu, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ công.
“Điều cốt lõi là thay đổi tư duy của tất cả chúng ta, chứ không phải phần mềm hay công nghệ” - ông Dũng chia sẻ. Bộ trưởng sẽ ghi nhận, tổng hợp tất cả ý kiến, phản hồi, đánh giá của người dân và doanh nghiệp trình lên Thủ tướng và gửi đến các bộ, ngành nhằm hoàn thiện thể chế, quy trình cho Cổng dịch vụ công.
Cũng liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, do¬anh nghiệp, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng giúp giảm tải cho Trung tâm hành chính công ngay trong thời gian dịch Covid-19.
Cụ thể, tính đến hết quý II/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt 14,11%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 7%). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khoảng cách lớn so với mục tiêu đặt ra là đạt 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020.