Tuy hiện nay làng nghề đang dần mai một khi chỉ còn chục hộ gia đình còn theo nghề đóng xuồng, nhưng ở đó vẫn còn những người tâm huyết quyết tìm hướng đi mới để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.
Dù trải qua bao cuộc bể dâu, người miền Tây vẫn đặt hình ảnh chiếc xuồng cui như một phần ký ức. Như câu vọng cổ “Chiếc xuồng cui” của tác giả Văn Hồng Cẩm:
“Quê em, em mến em yêu từng dòng sông xanh.
Yêu xuồng, em xuôi dòng trăm nẻo chở bao nghĩa tình.
Xuồng ơi, nếu xa bến này, xuồng có nhớ ta chăng?
Ta thì thương nhớ từng con sóng cùng xuồng đi xa.”
|
Làng nghề hơn 100 tuổi
Con rạch Bà Đài, thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, dài chừng 2,5km, chảy len giữa hai ấp Long Hưng 2 và Long Hòa. Dọc hai bờ rạch là những trại cưa, xưởng mộc đóng ghe, xuồng nằm san sát nhau. Cách đây hơn chục năm trở về trước, đây là nghề chính nuôi sống hơn 200 hộ dân sinh ven rạch Bà Đài. Trong suốt hơn một thế kỷ, làng nghề Bà Đài tồn tại và phát triển theo kiểu “cha truyền con nối”, nức danh khắp một vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Người dân làng Bà Đài cho biết, ông tổ khai sinh ra nghề đóng xuồng, ghe là cụ Phạm Văn Thuông hay còn được dân trong vùng gọi với cái tên thân mật Sáu Thuông (1875 - 1945). Chính ông là người đã tự tay đóng được một chiếc xuồng cui, loại xuồng nhỏ dùng để đi giăng câu, thả lưới trên kênh rạch, trước sự thán phục của cư dân trong làng. Tương truyền, cụ Thuông là thợ mộc nay đây mai đó, đi cất nhà mướn cho cư dân khắp xứ. Vào khoảng đầu những năm 1900, cụ về làm mướn ở làng Long Hòa. Vốn bản tính hiền lành, chăm chỉ lại giỏi nghề nên cụ Sáu Thuông được dân làng yêu mến.
Thuở đó, trong làng có bà góa phụ Lê Thị Nhân với mong muốn cho con theo nghề nên bà nhân mời thầy Sáu Thuông dạy nghề cho con trai mình là Hai Hy. Lâu dần, thầy Sáu Thuông và bà Nhân nảy sinh tình cảm và hai người lấy nhau sinh được một cô con gái. Sau đó, tiếng lành đồn xa, trại mộc của thầy Sáu Thuông càng ngày càng đông trai làng đến xin học nghề.
Vốn là một người kỹ tính nên thầy Sáu Thuông cũng đặt ra nhiều yêu cầu vô cùng khắt khe đối với học trò. Trong quá trình học nghề cụ yêu cầu học trò phải thông thạo từng thao tác cơ bản của nghề mộc: học cưa, xả, búng mực, bào, đục, khoan, lạo… Rồi học các kỹ thuật chính của việc đóng xuồng: ghim lô - liệt nề, ghim tiếp, uốn be, vô vỏ dưa, ngáng và câu đầu, lọng cong… Người chăm chỉ cũng phải mất 3 năm mới thành thợ giỏi. Lớp thợ đầu tiên của thầy Sáu Thuông chừng 5 - 7 người nhưng ai cũng giỏi, được thầy truyền dạy hết bí quyết của nghề. Lớp thợ này về mở trại làm ăn và tiếp nối việc truyền nghề.
Từ đó cho đến nay, bao thế hệ gia đình ông Sáu đã định cư và gắn bó với nghề đóng xuồng ở vùng này, đến nay đã hơn 100 năm. Cứ đến ngày 25 tháng 7 âm lịch hằng năm, những người làm nghề xuồng ghe Long Hậu cùng tưởng nhớ ngày mất tổ nghề – ông Sáu xuồng cui.
Vào những ngày đầu, những chiếc xuồng cui nhỏ chỉ dùng để giăng câu, giăng lưới trên đồng ruộng, kênh rạch. Lâu dần, nghề đóng xuồng ghe ở Bà Đài phát triển với nhiều loại hình khác nhau như ghe bầu Cái Răng, xuồng Cần Thơ, ghe Cà Vom An Giang, xuồng ba lá Long An, Tháp Mười… theo nhu cầu của khách hàng.
|
Ông Nguyễn Văn Tốt giới thiệu sản phẩm xuồng ghe “mini” với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2020. |
“Nương mình” theo mùa nước nổi
Trước đây, cứ mỗi mùa nước về (mùa lũ sông Cửu Long), làng đóng xuồng, ghe Bà Đài lại rộn vang những tiếng búa, máy cưa, máy bào... phát ra từ những trại đóng ghe, xuồng nằm san sát hai bên bờ rạch. Từng nhóm thợ tất bật làm việc để cho ra đời những chiếc xuồng, ghe phục vụ người dân vào mùa lũ. Từ những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế và cần cù của những người thợ giỏi nghề đã đóng ra nhiều loại ghe, xuồng đi khắp nơi vùng Tây Nam bộ.
Thời kỳ cao điểm sản xuất ghe, xuồng ở nơi đây là từ đầu tháng 4 Âm lịch cho đến cuối tháng 8 Âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10. Các loại xuồng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m - 6,5m (giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán hơn 2 triệu đồng/chiếc). Loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn thì phải đóng đến 40 ngày mới xong và giá dao động từ 180 triệu đến 300 triệu đồng.
Trước đây, mỗi năm, xã Long Hậu cho “xuất xưởng” khoảng 20.000 chiếc xuồng, ghe các loại, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên ở địa phương. Trung bình, mỗi ngày xã Long Hậu xuất xưởng hàng trăm chiếc ghe, xuồng bán cho người dân mưu sinh mùa nước nổi. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng. Vào mùa nước lũ, không chỉ người dân ở Đồng Tháp, mà các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... đều đến đặt mua xuồng ở Bà Đài. Nhiều thương lái, mỗi lần đặt hàng trăm chiếc xuồng, để bỏ mối và bán lẻ cho người dân ở vùng lũ và biên giới Campuchia.
Khác với xuồng cui Long Xuyên, xuồng cui Bà Đài có đặc điểm bửng thon, tấm chỉ hạ thấp nên đẹp hơn. Khi đặt cạnh xuồng ba lá, xuồng cui nơi đây còn đặc biệt bởi then xuồng đóng liền gần với bửng. Trong khi, ghe Cần Đước có mũi nhọn dựng cao, mắt vẽ tròn xoe, tròng đen to gần hết con mắt.
Còn ghe vùng Rạch Giá, Phú Quốc thường có mắt tròn, sơn đen và đỏ trên nền xanh, nhìn cúi xuống. Nhưng riêng mắt ghe làng xuồng cui Long Hậu vẽ hình quả trứng, lòng đen to hơn. Vì theo người dân quan niệm giống như chọn dâu phải lựa con gái mắt to mới đẹp, mắt xuồng có tròng đen to để nhìn xa.
Bên cạnh đó, để có một chiếc xuồng thành phẩm, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn như rọc be, uốn lô, ghim lô, phân công, đóng chuốt rồi du vỏ dưa, sau đó ráp bửng, đóng sạp, đẻo mũi… Để có một chiếc xuồng đẹp và bền bỉ, ở mỗi công đoạn đều cần sự kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ của đôi tay người thợ.
|
Người dân dùng xuồng cui để di chuyển và chuyên chở hàng hóa giữa những kênh rạch. |
Theo như ông Nguyễn Văn Tốt hay còn được gọi với cái tên Bảy Tốt (61 tuổi, cháu gọi ông tổ nghề đóng xuồng cui bằng cố) thì xuồng cui Bà Đài đóng theo nguyên tắc số lẻ là 7 lá hoặc 5 lá, dân trong nghề gọi là “vỏ dưa”. Các loại ghe xuồng khác, ngoại trừ xuồng ba lá, thì khách hàng đặt theo “hoành”, tức kích thước chiều ngang. Người thợ căn cứ vào đó mà tính số lượng “vỏ dưa” là 5 hay 7 hoặc 9, 13…
Bên cạnh điểm khác biệt riêng có, làng đóng xuồng Bà Đài vẫn phải tuân thủ với những nguyên tắc “bất di – bất dịch” của nghề. Từ nguyên tắc đóng ghe xuồng phải khi vô be xong mới dằn công. Hay một người thợ có tâm phải chú ý đến số lượng cong quy định theo truyền thống với câu “Sanh – Tài – Tử – Mạt” … Từ đó chọn số công đúng vào hai chữ Sanh hoặc Tài, để giúp chủ phương tiện luôn được may mắn.
Ông Bảy Tốt chia sẻ, trước đây, làng nghề không chỉ đóng xuồng ghe cỡ nhỏ mà còn đóng nhiều loại ghe trọng tải lớn hàng chục đến trên 100 tấn dùng để chở lúa. Dù khách hàng có đưa ra yêu cầu khó khăn gì thì người dân trong làng cũng quyết chí làm bằng được.
“Còn nhớ năm đó, có một vị khách ở tận Cà Mau lên đặt tôi chiếc ghe trọng tải 150 tấn để trung chuyển hàng hóa. Khi đó, trong rạch Bà Đài, ai nấy cũng ngán ngẩm đơn hàng này. Tuy nhiên, tôi tin là mình sẽ làm được nên mạnh dạn nhận lời vị khách này. Rồi tôi cùng mấy chục anh em, thanh niên trai tráng làm suốt mấy tháng ròng, cuối cùng sau 3 tháng, chiếc ghe khủng 150 tấn cũng được hạ thủy an toàn”, ông Bảy Tốt tự hào kể lại.
Sau nhiều tháng làm ăn, vị khách ở Cà Mau lên tận nhà ông Bảy Tốt cảm ơn vì chiếc ghe cỡ lớn của ông cùng anh em đóng giúp họ làm ăn phát đạt. Ông Bảy cười lớn nói rằng: “Với những người thợ đóng ghe như tôi chỉ cần nghe khách nói vậy là đã ấm lòng lắm rồi. Đó là động lực để tôi quyết tâm gắn chặt đời mình với nghề này”.
Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều biến cố, thăng trầm, đã có những lúc làng nghề xuồng cúi nơi đây tưởng chừng bị mai một. Số hộ đóng xuồng ngày một giảm theo thời gian, từ 150 hộ vào năm 2005 thì đến 2018 chỉ còn 50 hộ có thể bám trụ với nghề. Nhiều thợ đóng ghe xuồng nay phải rời địa phương sang Cái Bè (Tiền Giang) hay Cần Đước (Long An) hành nghề. Bởi lẽ, nhu cầu xuồng cui hiện tại đã không còn nhiều như trước chủ yếu chỉ phục vụ cho du lịch.
Những năm gần đây, do mực nước lưu vực sông Mekong có những diễn biến vô cùng thất thường và chính sách đê bao, những mùa nước lũ đã về muộn và ít hơn trước. Hơn thế, xu hướng các loại hình vận tải đường bộ được đầu tư, phát triển cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người dân không còn mặn mà với xuồng cui.
Tuy nhiên, những người dân làng đóng xuồng Long Hậu đã chủ động chuyển mình bằng cách đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất. Từ máy xẻ gỗ, máy cưa đến máy lọng, máy bào đã góp phần cho sản lượng làm ra nhanh hơn, đồng bộ hơn. Đồng thời, đã giúp làm giảm nhiều chi phí, thời gian và công lao động so với quy trình sản xuất thủ công trước đây. Như cú bật mạnh mẽ trong những năm gần đây, Làng đã có gần 100% các hộ áp dụng máy móc trong sản xuất. Nếu năm 2007, làng nghề sản xuất 10.000 ngàn chiếc xuồng ghe thì năm 2011, làng nghề sản xuất 15.000 chiếc.
“Cha đẻ” của những chiếc xuồng mini
Cũng như nhiều thanh niên sinh ra và lớn lên ở rạch Bà Đài, ông Tốt đã gắn bó với nghề đóng xuồng, ghe từ năm 15 tuổi. Không chỉ để mưu sinh, nghề đóng ghe xuồng còn là niềm đam mê của ông Bảy Tốt.
Hiện nay, thợ giỏi với tay nghề cao có thể đóng mỗi ngày hai chiếc xuồng loại nhỏ, xuồng trung bình làm 3 chiếc mất 2 ngày. Từ bao đời nay, ở làng nghề Bà Đài, những người đàn ông phải rèn luyện, học hỏi để trở thành những thợ cưa xẻ gỗ chuyên nghiệp, thành thạo trong việc chọn lựa gỗ, bỏ mực, uốn be, cưa, rọc, bào… Phụ nữ lo việc cơm nước, trét chai, lấp vò; trẻ em nhổ đinh, gom dăm bào, mạt cưa, củi vụn, vỏ cây… bán cho khách hàng mua về làm nhang (mạt cưa), nhúm lửa (mạt cưa, dăm bào), chất đốt (củi vụn, vỏ cây).
Mấy chục năm gắn bó với làng nghề, ông cũng như bà con nơi đây vui mừng khi làng nghề đóng xuồng rạch Bà Đài được Bộ VH-TT-DL công nhân di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào tháng 4/2015. Ý thức được việc phải gìn giữ giá trị văn hóa của địa phương nhưng ông Tốt không khỏi băn khoăn vì làng nghề đang gặp nhiều khó khăn và dần mai một, nhiều hộ không trụ được, bản thân ông Tốt cũng đã phải dừng làm nghề một thời gian.
Đầu tiên, ông đóng thử chiếc xuồng cui rạch Bà Đài cho con tham gia cuộc thi sáng tạo trong trường học và đạt giải nhất. Sau đó, sản phẩm được nhiều người yêu thích, tìm mua. Theo ông Tốt, nguyên liệu làm xuồng, ghe thu nhỏ là gốc và rễ cây sao được ngâm, phơi đủ nắng, bào, mài cẩn thận, sau đó cất giữ để tránh bị mối mọt làm hại. Để có sản phẩm hoàn thiện, đẹp mắt phải qua các công đoạn cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn, chà nhám rồi sơn dầu, đảm bảo các chi tiết sản phẩm sắc sảo nhưng vẫn giữ được nét dân dã, thân quen của xuồng, ghe miền sông nước.
Mặc dù tay nghề vững, nhưng khi làm những chiếc xuồng, ghe thu nhỏ ông Tốt gặp không ít khó khăn. “Từng mũi đinh, đường cưa… đều phải cẩn thận, chăm chút cho giống, đúng với nguyên bản. Mình làm để sau này lưu giữ lại cho con cháu có thêm hiểu biết và trân trọng di sản địa phương”, ông Tốt chia sẻ.
Theo ông Bảy Tốt, đóng chiếc xuồng lớn mất chỉ một ngày công nhưng chiếc xuồng nhỏ mất đến 10 ngày, nửa tháng. Vì càng nhỏ thì càng khó làm, đòi hỏi tỉ mỉ, kiên trì. Để làm ra chiếc xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ mất khá nhiều công phu và sản phẩm thu hút khách hàng bởi sự sắc sảo các chi tiết, nét dân dã thân thương của chiếc xuồng ghe quê hương.
Những chiếc xuồng mini đã tạo ra sức hút mạnh ở các khu du lịch. Ngoài ra, chúng còn dùng để trưng bày hàng nông sản vừa bắt mắt vừa chân quê tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại. Chưa dừng lại, xuồng, ghe mini còn sang cả các nước phương Tây, sang Mỹ gợi nhớ ký ức tuổi thơ của bao Việt kiều xa xứ. Từ chỗ cười chê ông, nhiều người nhiều người bắt đầu làm theo.
Từ những chiếc xuồng cui ban đầu, đến nay số lượng xuồng, ghe ông Tốt đóng đã hơn trăm chiếc với nhiều kiểu, mẫu như: ghe Bà Đài, ghe cà dom, xuồng ba lá, ghe tam bản, xuồng cui Long Xuyên, Cần Thơ, ghe ngo Sóc Trăng... mỗi loại có một kiểu dáng đặc thù riêng, giá bán dao động từ 300.000 - 5 triệu đồng/chiếc.
Từ đó đến nay hơn 10 năm ròng, ông Bảy Tốt theo nghiệp đóng ghe xuồng mini. Đơn hàng từ chỗ lai rai vài chiếc, hiện nay ông đóng không thể nghỉ tay một ngày. Sự kiên trì, yêu nghề của ông được tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì những đóng góp cho đề án phát triển du lịch tỉnh nhà.
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa quốc gia. Tăng cường công tác quảng bá hoạt động và sản phẩm làng nghề đến thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về giá trị của “Nghề đóng xuồng, ghe” rạch Bà Đài.
Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo các sản phẩm làng nghề, đồng thời thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch.
Xây dựng chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân có công đóng góp xây dựng và phát triển làng nghề. Nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền có chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, mặt bằng giới thiệu sản phẩm, xúc tiến mua bán mở rộng thị trường tiêu thụ…đối với hoạt động của làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài cũng như nhiều làng nghề khác của Đồng Tháp.