Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị): Phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân.
Cây cà phê cho giá trị kinh tế cao được huyện Hướng Hóa đầu tư phát triển.
Cây cà phê cho giá trị kinh tế cao được huyện Hướng Hóa đầu tư phát triển.

Huyện miền núi, biên giới Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 115.000ha, trong đó đất có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp khá lớn. Trong những năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện, khí hậu, đất đai, tạo ra một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân.

Chú trọng phát triển nguồn lương thực tại chỗ

Để giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, cùng với tận dụng đất ven triền đồi, nương rẫy trồng ngô, khoai, sắn và các cây họ đỗ, các địa phương đã vận động nhân dân khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước 2 vụ.

Thông qua các chương trình dự án, huyện đã đầu tư khai hoang đất đai, làm các công trình thủy lợi, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng các mô hình trồng lúa nước.

Một góc thị trấn Khe Sanh - trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa.

Một góc thị trấn Khe Sanh - trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa.

Nhờ vậy diện tích, năng suất và sản lượng lúa nước qua các năm đều tăng. Năm 2020 toàn huyện có 1600 ha lúa nước đưa vào gieo cấy 2 vụ, với sản lượng 7.832,0 tấn thóc, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện lên 8.907,80 tấn, tăng 3,8 % so với 2019.

Song song với đẩy mạnh trồng cây lương thực trong những năm qua, đặc biệt từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đưa vào hoạt động, người dân các xã vùng Lìa nói riêng và các xã trong huyện đã đẩy mạnh trồng sắn KM94, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Thông qua phong trào trồng sắn nguyên liệu không chỉ giúp nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo mà còn xuất hiện nhiều hộ là người đồng bào dân tộc Văn Kiều, Pa Kô có thu nhập từ sắn mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Đến nay toàn huyện có 4.706,9 ha sắn, với sản lượng hàng năm 120 nghìn tấn sắn củ tươi, doanh thu khoảng 240 tỉ đồng.

Sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao

Với lợi thế của điều kiện khí hậu và nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, Hướng Hóa đã tập trung phát triển cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, xoài, bơ... hình thành các vùng chuyên canh như: Phát triển cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Ba Tầng, Húc; trồng cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Lộc, Thuận, trồng cây cao su và sắn nguyên liệu ở các xã vùng Lìa.

Đến nay ở Hướng Hóa đã có 4.424,5ha cà phê, 1.131,9ha cao su, 234,2 ha hồ tiêu, 4.346 ha cây ăn quả, trong đó 3.528,2 ha chuối mỗi năm tạo ra một khối lượng hàng hóa nông sản khá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Mặt khác, tận dụng lợi thế của địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn dồi dào, Hướng Hóa đã đẩy mạnh phong trào chăn nuôi trâu bò đàn, lợn, dê và các loại gia cầm, nuôi cá nước ngọt theo hướng sản xuất hàng hóa.

Một vườn ươm cà phê tại huyện Hướng Hóa.

Một vườn ươm cà phê tại huyện Hướng Hóa.

Ngoài các trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô khá lớn của các hợp tác xã, các hộ gia đình, ở các xã vùng bản, bà con dân bản đã chuyển từ tập quán chăn nuôi theo lối thả rong sang chăn nuôi có chuồng trại, chăn dắt, đầu tư thức ăn, tiêm phòng theo định kỳ, nhờ thế hàng năm đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng lên cả số lượng lẫn chất lượng.

Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 4.155 con trâu, 11.822 con bò, 14.100 con lợn, 12.784 con dê; 228.800 con gia cầm, diện tích mặt hồ nuôi cá nước ngọt 76,3ha. Sản phẩm từ chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm, lễ hội; cung cấp sức kéo, phân bón cho trồng trọt mà đem lại nguồn thu nhập khá lớn trong đời sống kinh tế gia đình và không ít hộ đã biết làm giàu từ chăn nuôi gia sức, gia cầm.

Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc luôn được chú trọng, bình quân hàng năm trồng từ 400 - 500ha rừng tập trung, 10 vạn cây phân tán, riêng trong năm 2020, Hướng Hóa đã trồng 300 ha rừng tập trung và 10 vạn cây lâm nghiệp phân tán, giao 200 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng các thôn xã Hướng Linh nhận bảo vệ và hưởng lợi; giao khoán bảo vệ rừng cho các xã, thôn, bản, các tổ đội bảo vệ rừng 15.000 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng 1.000ha.

Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản ngày càng cao, năm 2020 đạt 1.075 tỉ đồng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng lên 46,7%.

Cùng với khai thác có hiệu quả lợi thế về phát triển nông - lâm nghiệp - thuỷ sản, các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2020 giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 3.495,9 tỉ đồng, tăng 7,5 so với năm 2019; giá trị thương mại, dịch vụ đạt 6.741 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 36,08 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục phát triển kinh tế toàn diện, bền vững

Để tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng toàn diện và bền vững Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như: Cà phê, cao su, chuối, tinh bột sắn, chanh leo, hạt tiêu... Quan tâm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với các doanh nghiệp, ký kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Cây cao su ở vùng Lìa đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Cây cao su ở vùng Lìa đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

Phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích gieo trồng 20.112,15 ha, trong đó lúa nước cả năm 2.000 ha, lúa rẫy 760 ha, 1.200 ha ngô, với tổng sản lượng lương thực cây có hạt 10.000 tấn; 4.400 ha sắn với sản lượng 65.000 tấn. Tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư, mở rộng diện tích cây chanh leo, đến năm 2025 đạt 200 ha, sản lượng 2.250 tấn.

Duy trì ổn định các cây trồng chủ lực: 5.000 ha cây cà phê, sản lượng 5.800 tấn cà phê hạt nhân; 268 ha hồ tiêu, sản lượng 242, 44 tấn; 1300 ha cao su, sản lượng 999,14 tấn mủ đông; 3.500 ha chuối, sản lượng 112 nghìn tấn. Tiếp tục xây dựng quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hợp tác xã, trang trại, gia trại, an toàn sinh học, phù hợp với lợi thế từng vùng; đến năm 2025 đàn trâu 3.700 con, đàn bò 14.000 con, đàn lợn 35.000 con, đàn dê 18.000 con, tổng đàn gia cầm 300.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản 75 ha.

Phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hóa nghề rừng, tổ chức tốt việc giao rừng tự nhiên ổn định lâu dài, khuyến khích và hỗ trợ phát triển nhanh rừng sản xuất, chú trong bảo vệ rừng, phấn đấu hàng năm trồng mới từ 150 - 200 rừng tập trung và 10 vạn cây phân tán, duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 47%; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp dựa trên lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Thực hiện tốt chính sách khuyến công, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, tăng giá trị; tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể trên thị trường trong nước và thị trường nước ngoài...góp phần xây dựng quê hương Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.

Đọc thêm