Imadaddin Nasimi - Nhà thơ huyền bí và vĩ đại của đất nước Azerbaijan

(PLVN) - Nhà thơ Imadaddin Nasimi được biết đến là tượng đài về thơ ca của đất nước Azerbaijan. Sự nghiệp thơ ca đồ sộ của ông đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của tư tưởng văn học và nghệ thuật Azerbaijan. Các tác phẩm của ông trong nhiều lĩnh vực đã đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường mối quan hệ văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc.
Imadaddin Nasimi - Nhà thơ huyền bí và vĩ đại của đất nước Azerbaijan

Tượng đài văn hóa của Azerbaijan 

Imadaddin Nasimi (1369 – 1417) được coi là nhà thơ vĩ đại của đất nước Azerbaijan. Thơ ca Imadaddin Nasimi không chỉ ảnh hưởng ở đất nước ông mà còn lan tỏa mạnh mẽ tại vùng Cận Đông, Iraq, Tiểu Á, Syria và Trung Á.

Imadeddin Nasimi được sinh ra và lớn lên tại thành phố Shemakha của Azerbaijan. Nơi đây được coi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trong nhiều thế kỷ và nổi tiếng với bề dày truyền thống thơ ca. Trường học thơ ca, xã hội của các nhà khoa học và nhạc sĩ, những người tài năng nhất thời đó tập trung ở thành phố này. Không giống như các viện tôn giáo tại các nhà thờ Hồi giáo, các tổ chức này làm việc theo hướng thảo luận, sáng tạo - những người tập hợp ở đó thảo luận về văn học, nghệ thuật và triết học.

Có lẽ bởi môi trường sống tuyệt vời đó mà Nasimi đã có được một sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Nasimi đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của tư tưởng văn học và nghệ thuật Azerbaijan. Nasimi đã tạo ra nhiều kiệt tác thơ văn bằng tiếng Farsi, tiếng Ả Rập và tiếng Azerbaijan bản địa.

Các sáng tạo nghệ thuật của Nasimi là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thơ ca và ngôn ngữ học của người Azerbaijan. Các tác phẩm của Nasimi với ngôn ngữ Azerbaijan bản địa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện các đặc điểm hình thức trình bày thơ Azerbaijan.

Theo nhà nghiên cứu các tác phẩm của Nasimi, Abdul-Azal Demirchizade, ngôn ngữ văn học viết bằng tiếng Azerbaijan được hình thành vào thế kỷ 12, 13. Các nhà nghiên cứu tin rằng kỳ tích sáng tạo lớn nhất của Nasimi là ở nửa sau của thế kỷ 14, khi Farsi chiếm ưu thế trong khu vực, ông đã làm việc bằng ngôn ngữ tiếng Azerbaijan bản địa của mình. Là một người đàn ông có học thức cao và tài năng xuất chúng, ông đã đưa ra một hướng đi mới cho thơ ca và văn học Azerbaijan ở tất cả các quốc gia nói tiếng Turk.

Theo nhà nghiên cứu Dzhangir Kagramanov, sự trưởng thành và hoàn thiện các thể thơ của Nasimi được viết bằng tiếng Azerbaijan, chiều sâu tư tưởng và sự phong phú về ngôn ngữ là minh chứng cho truyền thống ngôn ngữ cổ đại. Tiếp tục những truyền thống này, Nasimi đã đặt nền tảng cho ngôn ngữ thơ ca cổ điển, và mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử văn học Azerbaijan với những sáng tạo của ông.

Nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng Nasimi đã trở thành “người thầy” của Fizuli, người được coi là một tác giả kinh điển của thơ ca Azerbaijan. Hai nhà thơ cách nhau hai thế kỷ. Họ làm việc ở các thời đại khác nhau, nhưng đã cố gắng tạo ra lời bài hát có nội dung triết học và xã hội sâu sắc, có ảnh hưởng rất lớn, nâng thơ ca Azerbaijan lên một tầm cao.

Các tác phẩm của Nasimi thu hút sự chú ý như một bước tiến mạnh mẽ đến các ý tưởng về chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân chủ và thế tục không chỉ trong văn học của người dân Azerbaijan mà cả trong văn học Cận Đông và Trung Đông. Ông được biết đến như một nhà tuyên truyền nhiệt huyết và là người truyền bá các ý tưởng nhân văn trong văn học dân tộc của người Azerbaijan sau người tiền nhiệm vĩ đại Nizami Ganjavi.

Vào thời Trung cổ, Nasimi đã được người Armenia đón nhận rộng rãi đến mức một số nguồn tin Armenia nói về ông như một nhà thơ “chấp nhận Kitô giáo”. Nhà nghiên cứu Miraly Seyidov giải thích điều này bởi thực tế rằng Nasimi không coi trọng sự khác biệt giữa các tôn giáo, đánh giá mọi người không phải bằng sự liên kết tôn giáo, mà bởi phẩm chất tâm linh: dù là Kitô hay Hồi giáo, một người đều có giá trị vì anh ta là một con người.

Nhà thơ đã viết các tác phẩm của mình trong các chủ đề chính trị, xã hội và đạo đức thời đó. Các mẫu thơ hoàn hảo của ông đã được trình diễn trong nhiều thế kỷ bởi Ozans, bậc thầy của nghệ thuật mugham.

Nasimi sống trong thời kỳ xung đột dân sự ở Azerbaijan, với những cuộc chiến liên tục với những kẻ xâm lược Timurid. Bản thân Nasimi đã bị Timurid bắt và xử tử bằng cách lột da sống hết sức dã man tại thành phố Aleppo, nhưng di sản của ông vẫn còn tồn tại.

Sau khi chết, Nasimi đã để lại một di sản thơ ca phong phú bằng tiếng Azerbaijan, Farsi và Ả Rập. Thơ của ông đã đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường mối quan hệ văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Không chỉ là một nhà thơ xuất chúng, Nasimi còn được coi là nhà triết học, thần học, thiên văn học, giáo dục học... Trong mỗi lĩnh vực, các tác phẩm của Nasimi đều mang đến sự nhiệt huyết, sáng tạo và độc đáo. Ở lĩnh vực nào, Imadaddin Nasimi đều được đánh giá là bậc thầy. Nasimi là người đã sáng lập ra triết học bằng ngôn ngữ bản địa trong lịch sử văn học Azerbaijan.

Con người huyền bí 

Trong chương trình Hội thảo nhân kỷ niệm 650 năm ngày sinh nhà thơ Azerbaijan Imadaddin Nasimi, được tổ chức vào 7/12 tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều chuyên gia đều có chung đánh giá các tác phẩm và cuộc đời của Imadaddin Nasimi hết sức huyền bí.

Các đại biểu tham gia cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 650 năm ngày sinh nhà thơ Azerbaijan Imadaddin Nasimi
Các đại biểu tham gia cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 650 năm ngày sinh nhà thơ Azerbaijan Imadaddin Nasimi 

Dịch giả Phùng Hồ - nhà nghiên cứu và dịch các tác phẩm của Nasimi phát biểu rằng, ông có cảm giác thơ Nasimi khó dịch và khó hiểu. Bởi bản thân sự nghiệp thơ ca và cuộc đời của Đại thi hào Azerbaijan là bí ẩn với giới nghiên cứu nghệ thuật. Phùng Hồ gọi Nasimi là “nhà thơ – người nổi loại vĩ đại”.

Lật lại lịch sử, Nasimi là người tôn thờ học thuyết Hurufism, một mặt nhằm thể hiện sự phản kháng của tầng lớp thợ thủ công đối với giới chủ ngoại bang và kêu gọi nhân dân đoàn kết chống lại chính sách đô hộ của ngoại bang. Học thuyết này nâng cao vai trò, sức mạnh của con người ngang với thượng đế, đề cao nhân văn, nhân đạo.

Thơ ông đề cập đến những khái niệm, những nguyên lý triết học rất sâu sắc và rất cao xa, những tư tưởng tôn giáo, quan hệ giữa con người với thượng đế, giữa tâm hồn và thể xác... Thơ ông đa số đều không có đầu đề nên người ta lấy câu đầu tiên để đặt tên cho chúng.

Ông nhất thể hóa con người và thượng đế. Có thể nói, những ý tưởng trong thơ của Nasimi vượt xa ra ngoài chủ thuyết của giáo phái mới, bởi vì trong thơ ông đã thể hiện, đã khẳng định một thế giới hiện thực tồn tại trên mặt đất với cả những đau thương khốn khổ, đồng thời với sự hoàn thiện về tinh thần, với vẻ đẹp, và khát vọng của con người giống như thượng đế. Chúng ta hãy đọc một số câu thơ để thấy được tinh thần Nasimi:

Hãy từ bỏ sa mạc những nghèo nàn

Quay về với những lâu đài tình cảm

Dáng hình em với khuôn trăng đầy đặn

Chiếu rọi nên cả thế giới nên thơ.

Đến bao giờ em cuối xuống bái chào

Cuốn lại tấm thảm dày tra tấn? 

Vì em đẩy đám đông những bọn

Đạo đức vờ, điên loạn bất minh!

Ngực Na-si-mi phủ kín những nét xăm

Những chữ cái thâm trầm bí ẩn

Người kêu gọi ý chí cao, chính thống

Những ngôn từ lên giấy trắng hàng hàng!

Ông ca ngợi cái đẹp con người, thiên nhiên, quê hương, đất nước. Và cho đến nay, đời tư và cái chết của Nasimi vẫn được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, nhưng vẫn chưa đưa ra được chủ ý nhất quán.

Đồng quan điểm với dịch giả Phùng Hồ, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã phân tích thêm về thuyết học Hurufism mà Nasimi theo đuổi cả cuộc đời. Hurufism là một học thuyết Sufi dựa trên sự huyền bí của các chữ cái, bắt nguồn từ Astrabad và lan sang các khu vực phía tây Ba Tư và Anatolia vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kể XV do người thầy của ông là Fazlallah (1340-1394) khởi xướng.

Fazlallah bắt đầu truyền bá giáo lý của mình trên khắp Iran và Azerbaijan, ảnh hưởng của nó là rất lớn. Fazlallah có nhiều tác phẩm, trong đó phải kể đến “Cuốn sách vĩnh cữu vĩ đại” viết ở Baku trước khi ông bị bắt (Makhdumzade – con gái ông đã lưu giữ tác phẩm của cha, tác phẩm đi vào dân gian và sau được bảo tàng sưu tầm, lưu giữ).

Fazlallah hướng tới tâm linh huyền bí, vì vậy, chính quyền đương thời không chấp nhận, cho là dị giáo và cuối cùng Fazlallah bị kết án và xử tử ở Alinja. Học thuyết Hurufism bị chính quyền đương thời chống phá quyết liệt. Nhưng nó vẫn phổ biến và tồn tại trong thời gian dài với nhiều hình thức khác nhau. Sau khi Fazlallah qua đời, Imadaddin Nasimi là người học trò tiếp nối phát triển và truyền bá ở Azerbaijan Seyid Ishag, Thổ Nhĩ Kỳ...

Nasimi ủng hộ mạnh mẽ, góp phần giúp cho học thuyết lan rộng, ông giữ vững niềm tin cho học thuyết này. Ông chế nhạo những kẻ ngăn cản ông bằng những câu thơ ngẫu hứng. Nasimi giống như người thầy bị hành quyết rất thương tâm. Ngôi mộ của Nasimi ở Aleppo hiện là một trong những điểm du lích thu hút nhiều khách tham quan. Tên Nasimi được đặt cho một quận ở Baku và nhiều nơi khác, tượng đại ông được đặt giữa trung tâm thành phố. Ông là người yêu thương nồng cháy, là người tử vì đạo.

Cũng tại buổi Hội thảo, TS. Đào Xuân Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan, người am hiểu về đất nước Azerbaijan cũng như về Nasimi đã xúc động khi nói về con người vĩ đại này.

“Cuộc Hội thảo về thơ của Nasimi lần này có ý nghĩa lớn lao, để chúng ta hiểu hơn nền văn hóa dân tộc Azerbaijan, về tình yêu con người gắn với thế giới và triết lý nhân sinh qua thơ của Imadaddin Nasimi”.

Đặc biệt, TS. Đào Xuân Tiến cũng đã dẫn ra mối liên hệ tài năng giữa Nasimi và Đại thi hào Nguyễn Du: Liên hệ với Việt Nam chúng ta vào thế kỷ XIV –XV có người anh hùng – nhà thơ - nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi (1380 -1442), hiệu Ức Trai, cũng đã được UNESCO tôn vinh. Ông để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và phong phú về thể loại, bao gồm nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi...

Ông có các tập thơ “Ức trai thi tập” (tiếng Hán), “Quốc âm thi tập” (tiếng Nôm) … Những tác phẩm của ông được đánh giá là có cách lập luận sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương của một nghệ thuật viết chính luận bậc thầy. Nguyễn Trãi cũng là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam giống như Nasimi đặt nền móng cho thơ ca của Azerbaijan bằng tiếng bản địa. Giữa Na-sa-mi và Nguyễn Trãi thật có nhiều điểm chung về tài năng và cuộc đời.

Imadaddin Nasimi và mối quan hệ hữu nghị Azerbaijan - Việt Nam 

Phát buổi tại buổi, Ngài Anar Imanov – Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn tới tất cả các chuyên gia đã tham gia cuộc hội Thảo đã chấp nhận lời mời của Ngài và tham dự buổi Hội thảo.

Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì các chuyên gia đã dành thời gian tìm hiểu và chia sẻ của họ về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Imadaddin Nasimi. Ngài đại sứ đánh giá cao những ý kiến tham luận của các chuyên gia.

Đặc biệt, sau khi nghe tất cả các ý kiến tham luận ông Anar Imanov đã xúc động nói: “Và phải chia sẻ rất thật lòng với những vị đại biểu ở đây là tôi đã tiếp nhận, học hỏi được thêm nhiều điều, nhiều thông tin về nhà thơ Nasimi qua buổi hội thảo này.

Đặc biệt, tôi rất đồng tình với cả ý tưởng của nhà thơ Bằng Việt trong việc chúng ta tiếp nối từ sự kiện này sẽ có một hoặc nhiều hơn tài liệu về nhà thơ Nasimi để người dân Việt Nam nói chung cũng như thế giới biết về ông. Tôi đã được truyền cảm hứng từ các đề xuất, các ý tưởng hợp tác từ các bài tham luận của các vị đại biểu của chúng ta ngày hôm nay”.  

Đồng thời, ông Anar Imanov cũng cho biết, qua 6 năm hoạt động tại Việt Nam của Đại sứ quán nói chung và ông nói riêng đã rất nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, kết nối văn hóa giữa hai quốc gia Azerbaijan và Việt Nam.

Đại sứ quán Azerbaijan – ngài Anar Imanov
Đại sứ quán Azerbaijan – ngài Anar Imanov 

“Và qua sự kiện lần này tôi mới nhận ra còn rất nhiều giữ liệu để cho hai nước có nhiều hoạt động về văn hóa hơn, để chúng ta hiểu hơn mang hai nước lại gần nhau hơn. Cá nhân tôi rất mong muốn làm sao người dân Việt Nam có thể hiểu hơn về văn hóa, con người của Azerbaijan và tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều có thể làm cùng nhau tiến theo hướng này”, Đại sứ Anar Imanov nói.

Nhân sự kiện quan trọng này, Ngài Anar Imanov cũng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến mối quan hệ thân thiện song phương của hai nước dựa trên truyền thống lịch sử phong phú. Đồng thời, ông cũng như gửi lời cảm ơn chân thành đến Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan về sự hỗ trợ toàn diện trong việc tổ chức sự kiện này.

Về mối quan hệ giữa Azerbaijan và Việt Nam, trong bài phát biểu, ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung Ương Đảng, Tống giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trưng Ương, cho biết: “Việt Nam và Azerbaijan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1992. Tuy nhiên, trên thực tế hai nước đã có nhiều hơn 25 năm cùng xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, do chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Azerbaijan – ông Heydar Aliyev dày công vun đắp từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước”.

Mối thân tình giữa các nhà lãnh đạo và người dân hai nước không chỉ về kinh tế, chính trị, mà còn là những ký ức xúc động của hàng nghìn thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam, đã từng sinh sống và học tập tại Azerbaijan, coi nước này như quê hương thứ hai của mình. Con đường mang tên thủ đô Baku tại thành phố Vũng Tàu và một con phố mang tên Vũng Tàu ở Baku là minh chứng cho mối quan hệ thân thiết gần gũi giữa hai thành phố nói riêng và người dân hai nước nói chung.

Về hợp tác chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và có các cuộc gặp song phương bên lề các diễn đàn quốc tế, khu vực. Tháng 5/2014, Tổng thống Ilham Aliyev thăm Việt Nam và tháng 10 cùng năm, ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư có chuyến thăm Azerbaijan. Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban liên minh chính phủ và các Nhóm nghị sỹ hữu nghị.  

 Azerbaijan - tên chính thức Cộng hoà Azerbaijan là một quốc gia vùng Kavkaz ở Âu Á. Nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á, nước này giáp với Biển Caspia ở phía đông, Nga ở phía bắc, Gruzia ở phía tây bắc, Armenia ở phía tây và Iran ở phía nam. Azerbaijan được thành lập vào năm 1991, sau khi liên bang Xô Viết tan rã.

Người Azerbaijan (hay đơn giản là Azeris) là nhóm sắc tộc đa số, đa số họ (khoảng 85%) theo truyền thống trung thành với dòng Hồi giáo Shi'a. Số còn lại là tín đồ dòng Hồi giáo Sunni. Các tôn giáo khác gồm Chính thống Nga (1.3%), Tông đồ Armenia (1.3%), khác (5%). Theo chính thức, nước này là một nền dân chủ đang hình thành, nhưng với quyền tự trị mạnh.

Đọc thêm