Hàn Quốc: Đã có luật ngăn chặn nạn bắt nạt nơi công sở

(PLVN) - Bắt nạt nơi công sở xảy ra khi người có chức vụ cao có thái độ hống hách, o ép nhân viên, đây là tình trạng được coi là rất phổ biến tại Hàn Quốc. Để khắc phục tình trạng này, Hàn Quốc đã cho ban hành luật chống bắt nạt, quấy rối nơi công sở. 
Hàn Quốc:  Đã có luật ngăn chặn nạn bắt nạt nơi công sở

Bị bắt nạt vì quan hệ thứ bậc

Theo một cuộc khảo sát mới đây của Chính phủ Hàn Quốc, có tới 2/3 số công nhân, nhân viên từng bị bắt nạt ở nơi làm việc, trong khi 80% số công nhân, nhân viên tận mắt chứng kiến những hành động đó.

Ở xứ sở Kim Chi, có một việc làm ổn định trở thành yếu tố quyết định khẳng định giá trị bản thân trong xã hội. Dù đã phát triển đến mức trở thành “con rồng Châu Á”, Hàn Quốc vẫn tồn tại những hệ tư tưởng đặc trưng của nền văn hóa Á Đông và chịu ảnh hưởng rất nặng từ giáo lý Khổng Tử. Chính điều này đã khiến đất nước này đề cao vai trò của văn hóa cấp bậc. 

Những cụm từ “tiền bối, hậu bối” trở thành những thứ thân quen hơn bao giờ hết khi người ta tiếp cận với xã hội Hàn Quốc. Cùng với đó, mặt trái của loại văn hóa này đã khiến không ít người trẻ tuổi phải chịu đựng những áp lực không tên mà không có cách thể nào thoát ra được.

Ở đất nước Đông Á này, mối quan hệ tiền bối - hậu bối không dựa vào độ tuổi mà gắn chặt với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên. Tại nơi làm việc, văn hóa đề cao thứ bậc này khiến người trẻ làm việc tại các văn phòng không được phép từ chối yêu cầu của cấp trên. 

Chính vì thế, tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”, chèn ép, sai vặt hay yêu cầu vô lý được đưa ra từ những tiền bối mà những hậu bối chỉ có thể “ngậm đắng nuốt cay” làm theo. Tại nơi làm việc, họ còn phải làm quen với thị phi như bị đồng nghiệp và cấp trên chèn ép, nói xấu, tình trạng bất bình đẳng nam nữ, nguy cơ bị lạm dụng và sàm sỡ...

Bắt nạt nơi công sở đang là một vấn nạn cần phải điều chỉnh
 Bắt nạt nơi công sở đang là một vấn nạn cần phải điều chỉnh

Ngoài ra, văn hóa  công sở ở Hàn Quốc còn nảy sinh thêm văn hóa đi nhậu sau giờ làm, trong đó nhân viên thường bị bắt buộc đi uống rượu, đi hát karaoke cùng sếp dù không thích. 

Frank Ahrens - tác giả của một cuốn hồi ký về thời gian làm việc cho tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc - cho biết uống rượu được coi là cách xóa nhòa khoảng cách giữa nhân viên cấp dưới và cấp cao của một công ty. Nhưng từ chối tiếp rượu giữa các đồng nghiệp và sếp tại Hàn Quốc không phải là chuyện dễ dàng. “Trừ khi có vấn đề về sức khỏe thật sự, còn đâu việc hầu rượu sếp là bắt buộc”, Frank nhấn mạnh.

Luật trên ra đời sau khi xuất hiện các vụ tố cáo hành vi bắt nạt bằng lời nói và hành động tại nơi làm việc, qua đó khơi mào cuộc tranh luận trên toàn quốc về “văn hóa độc hại” này. Hồi tháng 2, Lee Myung-hee, người vợ góa của Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho, đã bị truy tố hình sự với các cáo buộc tấn công và sỉ nhục nhân viên, chẳng hạn như bắt họ quỳ gối và đánh vào trán bằng cây lau sàn nhà. 

Tuy nhiên, nổi bật nhất là vụ “hạt mắc ca nổi giận” liên quan đến con gái lớn của bà này - Heather Cho. Cuối năm 2014, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ với vụ việc Phó Chủ tịch hãng Korean Air yêu cầu máy bay đang trên đường băng phải quay về cổng để đuổi tiếp viên trưởng khỏi máy bay. Lý do vì tiếp viên trưởng phục vụ hạt mắc ca trong gói chứ không bày ra đĩa sứ cho cô này.

Hiệu lực của luật mới

Trước thực trạng này, một luật mới nhằm ngăn chặn sự quấy rối tại nơi làm việc bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc ngày 16/7/2019, đưa vấn đề phổ biến nhưng thường bị bỏ qua tại công sở vào lĩnh vực pháp lý.

Theo luật mới, quấy rối nơi làm việc được định nghĩa là hành vi gây ra đau khổ về thể chất hoặc tinh thần, hoặc làm xấu đi môi trường làm việc của người sử dụng lao động hay người lao động, sử dụng địa vị hoặc quyền lực của họ để hành xử vượt quá phạm vi của các quy tắc làm việc.

Luật quy định, người lao động cũng có thể phản ánh tình trạng nói xấu nơi công sở hoặc bị ép tham dự các sự kiện ngoài giờ của công ty... Trong trường hợp việc quấy rối tại nơi làm việc được báo cáo, người sử dụng lao động nên điều tra ngay lập tức và có hành động đúng đắn, chẳng hạn như ngăn nạn nhân làm việc với thủ phạm ở cùng một nơi.

Luật mới nhằm ngăn chặn sự quấy rối tại nơi làm việc tại Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ 16/7/2019
 Luật mới nhằm ngăn chặn sự quấy rối tại nơi làm việc tại Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ 16/7/2019

Trong trường hợp các nạn nhân hoặc những người báo cáo việc bắt nạt bị ngược đãi hoặc phân biệt đối xử, chủ lao động có thể phải đối mặt với mức án tối đa 3 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 30 triệu won (25.423 USD). Tuy nhiên, luật không nêu khung hình phạt đối với thủ phạm.  

Một luật riêng, cũng có hiệu lực vào ngày 16/7, cho rằng căng thẳng do bắt nạt tại nơi làm việc cũng là đối tượng của các quy tắc về tai nạn công nghiệp và bồi thường. Giới chức Hàn Quốc hy vọng luật chống bắt nạt nơi công sở có thể ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng người có chức quyền lợi dụng vị trí của mình để bắt nạt cấp dưới. 

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn, trong đó nêu cụ thể các ví dụ bắt nạt nơi công sở để giảm bớt lúng túng cho các doanh nghiệp. Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nước này cũng đã phổ biến cho nhân viên về luật mới hoặc xem xét lại các quy định của mình để thực thi luật này.

Theo số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, tính đến ngày 29/8/2019 đã có 572 nhân viên chiếu theo luật mới đâm đơn kiện công ty của họ.

Chống bắt nạt nơi công sở

Sau khi luật chống bắt nạt công sở có hiệu lực từ ngày 16/7 tại Hàn Quốc, người dân ở đây đã đổ xô đi mua các thiết bị thu âm, quay lén để ghi lại các bằng chứng lạm dụng của chủ lao động. Các thiết bị công nghệ cao được ngụy trang dưới dạng thắt lưng, kính mắt, bút, USB, bật lửa, bút viết, chìa khóa xe hơi… được tiêu thụ một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Auto Jungbo là một trong khoảng 20 công ty trên khắp Hàn Quốc bán trực tiếp các thiết bị dạng này cho khách hàng cũng như cung ứng cho những nhà bán lẻ khác. Ông Jang Sung-churl, giám đốc điều hành của công ty điện tử Auto Jungbo, nói rằng các thiết bị ghi âm, quay hình bí mật bán “đắt như tôm tươi” kể từ khi chính phủ đưa ra dự luật lao động mới vào cuối năm ngoái.  “Bạn có thể tạo ra bất cứ hình dạng nào. Gọng kính là một máy ghi hình, nhưng bút viết mới là thiết bị phổ biến nhất”, ông Jang Sung-Churl chia sẻ. 

Một kỹ sư máy bay 34 tuổi đã chia sẻ với Reuters bằng chứng anh ta bị ông chủ bắt nạt tại nơi làm việc. Bản ghi âm cho thấy người chủ không ngừng mắng nhiếc, chửi rủa nam nhân viên khi anh ta xin nghỉ làm để chăm sóc người nhà bị bệnh. Ban đầu, kỹ sư này đã thu âm bằng điện thoại. Tuy nhiên, khi đối mặt trực tiếp với cấp trên, anh ta nghĩ mình nên dùng một thiết bị kín đáo hơn và quyết định sắm một loại USB có thể ghi âm. Giờ đây, anh ta mang nó theo mình “mọi lúc, mọi nơi”.

Đọc thêm