Hàng Việt tìm chỗ đứng tại các thị trường khó tính

(PLVN) - Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng của của năm 2019, trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 218,82 tỷ USD, tăng 8,3%. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang dần chinh phục được cả những thị trường khó tính.
Hàng Việt tìm chỗ đứng tại các thị trường khó tính

Ngăn chặn khả năng gian lận thương mại

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, Mỹ hiện đang là một trong những thị trường chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cao nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này đã đạt 50,30 tỉ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ của năm 20. Kim ngạch này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhưng cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi nhiều quy định khắt khe, phức tạp đối với hàng hóa từ các nước nói chung và với hàng hóa của Việt Nam nói riêng. Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tại TP Hồ Chí Minh - khuyến nghị, khi tiếp cận thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần chú ý những quy định về việc hạn chế nhập khẩu của Mỹ, ước tính được phí hải quan, cung cấp các chứng từ theo quy định khi đặt vận chuyển hàng và cung cấp đủ chứng từ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng ở Mỹ. 

Trái cây mang thương hiệu Việt đã có mặt ở nhiều thị trường lớn, quy chuẩn nghiêm nhặt
 Trái cây mang thương hiệu Việt đã có mặt ở nhiều thị trường lớn, quy chuẩn nghiêm nhặt 

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia cảnh báo rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới nguy cơ xảy ra gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà hải quan Mỹ áp dụng với một số nước, trong đó có Trung Quốc…

Để ngăn chặn nguy cơ vô tình “tiếp tay” cho gian lận thương mại, đội lốt xuất xứ Việt Nam xuất đi các nơi khác, các doanh nghiệp cần nắm rõ và thực hiện đúng các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa, đồng thời quản trị tốt việc lưu trữ chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm để phục vụ hoạt động xác minh, điều tra của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, có một điểm cũng cần chú ý là theo đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng năm 2008 của Mỹ, bất kỳ sản phẩm nào khi vào thị trường nước này đều phải có giấy chứng nhận hợp chuẩn đối với các yêu cầu của Mỹ kèm theo sản phẩm hay lô hàng sản phẩm, sẵn sàng xuất trình giấy chứng nhận này khi Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) và Hải quan Mỹ yêu cầu.

Tuy nhiên, ngay cả khi hàng hoá đã qua đáp ứng các yêu cầu trên và tới tay người tiêu dùng Mỹ, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt vẫn chưa hết. Bởi, theo quy định của luật pháp Mỹ, với những rủi ro trong quá trình sử dụng, người sản xuất hoặc nhà bán lẻ sẽ phải bồi thường. 

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam trước khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ cần có những thử nghiệm ngẫu nhiên và thường xuyên để phát hiện lỗi. Bên cạnh đó, họ cũng cần theo dõi phản hồi của khách hàng đối với sản phẩm của mình để có thể kịp thời phát hiện các lỗi liên quan đến sản phẩm và báo cáo ngay với CPSC để có biện pháp khắc phục.

Mỹ có thể xử phạt nặng doanh nghiệp không kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục hay ra lệnh tiêu huỷ sản phẩm nếu nó vi phạm các yêu cầu. Đây là quy định doanh nghiệp Việt cần tính trước khi quyết định xuất khẩu hàng sang Mỹ để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. 

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 với 4,77 tỷ USD. Song, con số này lại đã giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 66,7% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được xác định là do Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng hạn chế thương mại tiểu ngạch, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch; đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Trung Quốc cũng áp dụng các quy định kỹ thuật khác như tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng, theo đó, từ tháng 10/2019, mọi thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải tuân thủ quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói. 

Trước đó, từ tháng 4/2019, Trung Quốc đã yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu. Ngoài ra, nước này cũng đã siết chặt quản lý danh mục hàng hóa thực phẩm nhập khẩu quản lý danh sách cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu hàng vào thị trường này…

(ảnh minh họa)
 (ảnh minh họa) 

Lâu nay, chúng ta vẫn mặc định các thị trường khó tính là châu Âu, Mỹ, Nhật… còn Trung Quốc là thị trường dễ tính. Tuy nhiên, sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019 đã cho thấy thị trường này cũng dần đặt ra những đòi hỏi gắt gao về chất lượng.

Để có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt cần đảm bảo chất lượng của sản phẩm, thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu của đối tác về nhãn mác, bao bì, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc… 

Tương tự, hàng nông sản Việt để có thể tiếp tục thâm nhập sâu và mở rộng thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU cũng cần đảm bảo đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; có đủ các giấy tờ cần thiết chứng minh việc giám sát dịch bệnh trên động vật và thực vật, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản phẩm...

Chứng nhận Halal mở ra nhiều cơ hội lớn

Theo các thống kê gần đây, trên toàn thế giới có gần 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm khoảng 23% dân số toàn cầu. 1 tỷ người trong số này sống tại châu Á, trong đó 230 triệu người sống tại Đông Nam Á. Có 1 điểm đáng chú ý là người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm halal – các sản phẩm mà họ được phép ăn uống hoặc sử dụng theo Kinh Koran.

Ngành sản xuất liên quan đến halal bao gồm thực phẩm và đồ uống chế biến, nguyên liệu thô cho chế biến, dược mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, các dịch vụ logistic và nhà hàng… Do chỉ một số nước Hồi giáo phát triển mạnh việc sản xuất các sản phẩm này nên tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào thị trường này được đánh giá là rất lớn. 

Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất halal như cà phê, gạo, thủy sản, các loại gia vị, các loại đậu và rau, cùng với nhiều sản phẩm khác. Số liệu thống kê gần đây cho thấy Việt Nam có thể cung ứng các sản phẩm halal trị giá lên tới 34,1 tỷ USD nhưng hiện mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD, còn nhiều dư địa để khai thác.

Để có thể xuất sang các thị trường này, giấy chứng nhận Halal - giấy chứng nhận xác nhận rằng sản phẩm không có các chất cấm theo Luật Hồi giáo và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất – sẽ là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có người Hồi giáo.

Đọc thêm