Vì sao điện ảnh Việt mùa Tết 2020 bị chê nhạt

(PLVN) - Dù có cố gắng khai thác đề tài mới, nhóm phim chiếu rạp Tết Nguyên đán năm nay chỉ đạt chất lượng trung bình từ diễn xuất đến kịch bản. Với doanh thu giảm sút rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái, có thể thấy, khán giả đang ngày càng khó tính hơn với lựa chọn xem phim của mình.
Khán giả mua vé xem phim Tết khá thưa thớt
Khán giả mua vé xem phim Tết khá thưa thớt

Không còn scandal nhảm nhưng vẫn bị chê nhàm

Phim Tết năm 2019 từng “đãi” khán giả bằng một loại scandal liên quan đến hai bộ phim “Cua lại vợ bầu” và “Trạng Quỳnh”. Từ việc hai phim này đua nhau công bố doanh thu, tố cáo đối phương chơi xấu… đã trở thành đề tài “nóng” để câu kéo sự tò mò của khán giả đến rạp.

Mặc dù hai phim trên đều đạt doanh thu khá tốt (“Cua lại vợ bầu” cán mốc 50 tỷ đồng từ doanh thu phòng vé sau 3 ngày), song những chiêu trò của các nhà sản xuất đã đem đến sự khó chịu với phần đông khán giả khi chất lượng bộ phim không được như mong đợi. 

Mùa Tết Nguyên Đán năm 2020 có vẻ thiếu vắng các chiêu trò scandal nhảm nhằm “hâm nóng” sự chú ý của khán giả tới các bộ phim. Điều này phần nào khiến nhu cầu đi xem phim kém phần sôi động. Tuy nhiên, các phim Việt chiếu rạp năm nay ra mắt khá thuận lợi khi không phải cạnh tranh với bom tấn nước ngoài nào.

Không có bộ phim Trung Quốc nào bởi lịch hoãn chiếu vô thời hạn vì virus corona; bộ phim “Ashfall” của Hàn Quốc phải chiếu muộn hơn dự kiến; mà đại diện của Hollywood là bộ phim Dolittle cũng không gặt hái nhiều thành công tại Hoa Kỳ ngay trước khi khởi chiếu ở Việt Nam.

Phim "Gái già lắm chiêu 3" được đánh giá là còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản
Phim "Gái già lắm chiêu 3" được đánh giá là còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản  

Thực tế cho thấy doanh thu phòng vé năm nay sụt giảm đáng kể so với năm trước. Lý do nhiều nhất được đưa ra là bởi nhóm phim Tết vẫn sa đà vào các “lối mòn”, mô-típ phim không mới, diễn xuất còn đơ, chưa kể có những kịch bản lòng vòng, lê thê, thiếu logic.

Rõ thấy nhất, một “lối mòn” của các nhà làm phim Tết đều là hướng đến thể loại hài hước, pha trộn với nội dung về gia đình hoặc tình cảm, khiến khán giả tới rạp có thể tìm thấy tiếng cười đầu năm bên cạnh người thân yêu, gia đình của mình.

Đơn cử, tác phẩm kinh dị “Đôi mắt âm dương” của đạo diễn Nhất Trung bị mất điểm lớn nhất bởi kịch bản lạm dụng quá nhiều chi tiết hài hước ở phần đầu và giữa phim. Cùng với diễn xuất của diễn viên không gây được hào hứng, mâu thuẫn trong phim cũng bị đánh giá dễ đoán, thiếu yếu tố bất ngờ, những điều này đã khiến bộ phim chỉ được xếp vào thể loại “kinh dị nửa vời”.

Phim "30 chưa phải là Tết" bị đánh giá kịch bản quá rối ren, mâu thuẫn
Phim "30 chưa phải là Tết" bị đánh giá kịch bản quá rối ren, mâu thuẫn 

Bên cạnh đó, “30 chưa phải là Tết” của đạo diễn Quang Huy vẫn theo đuổi thể loại hài hước. Dù có thêm yếu tố vòng lặp thời gian và phát ngôn gây sốc của Trường Giang “nếu không hay sẽ trả lại tiền vé” trước khi khởi chiếu cũng không “cứu vớt” bộ phim này khỏi danh sách phim tệ với doanh thu ế ẩm.

Nhiều khán giả đánh giá, yếu tố vòng lặp thời gian dù mới ở Việt Nam nhưng đã được khai thác từ lâu trong các nền điện ảnh khác như Mỹ, Nhật Bản…, chính kịch bản rắc rối, lòng vòng, thiếu logic đã khiến bộ phim trở thành một thảm hoạ phim chiếu rạp. 

Cũng theo đuổi mô típ hài – lãng mạn là bộ phim “Gái già lắm chiêu 3” của Bảo Nhân và Nam Cito. Dù được đánh giá có chất lượng ổn nhất trong mùa tết 2020, “Gái già lắm chiêu 3” vẫn chưa thoát khỏi công thức “sốc, sex, sến” khi yếu tố hài hước của bộ phim đôi lúc trở nên phản cảm, lố lăng, cùng nhiều cảnh “khoe thân” thừa thãi của diễn viên.

Chưa kể bộ phim còn dính nghi vấn “nhái” cốt truyện và tuyến nhân vật từ bộ phim Hollywood “Crazy Rich Asians (2018) nhưng kịch bản lại thiếu đi sự thuyết phục cần thiết. Còn bộ phim “Đôi mắt âm dương” cũng bị đánh giá mang nhiều nét tương đồng với “Shutter (2004)” của điện ảnh Thái. Mặt khác, hai phim “Bí mật đảo Linh Xà” và “Tiền nhiều để làm gì?” không hề tạo nên tiếng vang hay thành tích đáng kể trong mùa tết vừa qua.

Đừng đổ lỗi cho thị hiếu khán giả

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng khán giả Việt, đặc biệt là giới trẻ, xem phim chỉ quan tâm đến diễn viên hoặc những câu chuyện ngoài lề, không quan trọng nội dung. Cách đây 2-3 năm, những tên tuổi như Thái Hòa, Hoài Linh, Trấn Thành hay Trường Giang còn được gắn với biệt danh “ông hoàng phòng vé”, bởi mỗi lần họ xuất hiện, dù bộ phim không mang nhiều giá trị nghệ thuật nhưng vẫn được khán giả đón nhận như một tác phẩm giải trí. Có thể nói đến “Siêu sao siêu ngố”, “Cua lại vợ bầu”, “Trạng Quỳnh”… đều đạt doanh thu cao ngất ngưởng. 

Yếu tố hài đã pha loãng chất kinh dị trong phum "Đôi mắt âm dương"
Yếu tố hài đã pha loãng chất kinh dị trong phum "Đôi mắt âm dương" 

Nhưng đến nay, công chúng Việt ngày càng khó tính hơn khi bỏ tiền ra rạp. Họ mong muốn những bộ phim đúng chất điện ảnh. Khi đặt lên bàn cân so sánh với nền điện ảnh nước ngoài có nhiều tác phẩm chất lượng như phim Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… trong năm 2019, điện ảnh Việt vẫn còn hạn chế về đề tài, không đồng bộ trong diễn xuất.

Theo đó, những vấn đề nóng của xã hội ít được nhắc tới; phim thiếu nhi Việt Nam cũng gần như vắng bóng tại các phòng chiếu, cụm rạp. Nhiều khán giả cho rằng nếu các nhà biên kịch, nhà làm phim không sớm thay đổi tư duy mới mẻ, tiếp tục cho ra đời những tác phẩm nhàm, nhảm nhằm chạy theo lợi nhuận; thì họ sẽ bị công chúng chỉ trích và tẩy chay. 

Mùa phim Tết 2020 được coi là ảm đạm nhất trong nhiều năm qua đối với phim điện ảnh Việt mặc dù có ít cạnh tranh từ phim nước ngoài. Đó cũng là một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các nhà sản xuất, nhà làm phim, rằng thị hiếu xem phim của khán giả đang ngày một nâng cao bởi sự tiếp xúc với nền phim ảnh quốc tế.

Song, thiết nghĩ, yếu tố tiên quyết của người làm nghệ thuật vẫn luôn là sự sáng tạo, đột phá trong suy nghĩ để đưa đến công chúng những tác phẩm mới lạ, không những có ý nghĩa nhân văn, mà còn đáp ứng được các yếu tố chân – thiện – mỹ. 

Đọc thêm