Khám phá nơi phát hiện “Kỳ lân châu Á”, rừng lùn và tộc người ngủ ngồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngược dòng con sông Giăng hung dữ vào mùa lũ, chúng tôi vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), được biết đến là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra sao la, còn được gọi là “Kỳ lân châu Á”, nơi tộc người ngủ ngồi sinh sống, khám phá đời sống của các loài vượn, voọc và thực mục sở thị cuộc sống, công việc của những người bảo vệ rừng. 
Toàn cảnh đại ngàn Pù Mát.
Toàn cảnh đại ngàn Pù Mát.

Danh thắng bí ẩn

Nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, trải dài trên 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương tỉnh Nghệ An, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát được thành lập vào năm 2002, có diện tích tự nhiên là 194.000 hecta.

Vườn có đỉnh Pù Mát cao 1.841m. Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất, tên này được chọn đặt tên cho VQG. Ông Trần Xuân Cường (Giám đốc VQG Pù Mát nói rằng), hiếm có du khách nào chinh phục được đỉnh núi này dù trước đó có thể họ đã đứng dang tay trên đỉnh Phan Xi Păng. Pù Mát đẹp ở sự hùng vĩ của rừng xanh, ở vẻ nguyên sinh không chút đụng chạm của bàn tay con người. 

Pù Mát có hệ sinh thái đa dạng, trong đó có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa bao gồm 69 loài thực vật và 70 loài động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. VQG Pù Mát cũng là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra loài thú quý hiếm: Sao la, còn được gọi là kỳ lân Châu Á vào năm 1992.

Phong cảnh tuyệt đẹp, trữ tình của VQG Pù Mát.
Phong cảnh tuyệt đẹp, trữ tình của VQG Pù Mát.  

Pù Mát hoang sơ với nhiều thắng cảnh nổi bật như: Rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều... thác Khe Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ và những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái, H’Mông, Đan Lai. 

Rừng lùn VQG Pù Mát xuất hiện ở độ cao 1.500m, trên các giông và chòm núi dốc có đá nổi và hướng gió mạnh. Nơi tập trung rừng lùn nhiều nhất là nguồn Khe Bu, giáp biên giới Việt-Lào. Để đến được đó phải vượt qua đỉnh Pù Xam Liệm (núi ba đỉnh) cao 1.600m và đi bộ mất 4 ngày đường. Bù lại, suốt chặng đường 4 ngày đi bộ, du khách sẽ bắt gặp hoa lan rừng nở khắp nơi, khoe sắc cheo leo trên ngọn cây, cành cây, hay ngay lối đi. 

Do đặc điểm địa lý đồi núi, độ ẩm cao và không khí rất lạnh, gió thổi mạnh nên những loài cây ở rừng lùn không thể phát triển về chiều cao mà chỉ ngang đầu người, nhưng bộ rễ thì rất phát triển để hút được nước ở tầng sâu, đồng thời chống chọi với gió bão. Đây dường như là quy luật sinh tồn của các loài cây này. Và hệ sinh thái này đã trở thành một đặc trưng kỳ lạ của VQG Pù Mát mà không nơi nào có được.

Rừng lùn rất đặc biệt, từ dáng cây không cao nhưng uốn khúc, có nhiều cành, nhiều rêu mốc, địa y bám vào thân cây, mọc trên thảm khô. Dưới đất là một thảm khô dày, do đặc điểm khí hậu lạnh và độ cao 1.500m các vi sinh vật và côn trùng không hoạt động nên lá cây rụng xuống không phân hủy được,vì vậy thảm khô cứ dày lên theo năm tháng.

Cuộc sống trong đại ngàn của những người bảo vệ rừng.
Cuộc sống trong đại ngàn của những người bảo vệ rừng.  

Những năm 1980, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An phát hiện một tộc người lạ ở giữa vùng lõi VQG Pù Mát (địa phận huyện Con Cuông). Nhóm cư dân này sinh sống hoang dã như người nguyên thủy. Thấy bóng người lạ là họ lại lẩn vào rừng sâu. Rất khó khăn, BĐBP mới có thể tiếp cận được với nhóm người này. Đó là tộc người Đan Lai, dân số chỉ có hơn 3.000 người, cư trú chủ yếu ở miền núi cao, tại các bản Co Phạt, Khe Khặng, Khe Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông).

Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo lời kể của các già làng, dòng họ này vì sự truy đuổi của bạo chúa miền Hoa Quân (vùng Thanh Chương, Nghệ An) từ mấy trăm năm trước nên đã gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn sông Giăng, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân.  

Khi đến vùng rừng sâu, núi hiểm, nước độc này, một nhúm cơm cũng không có mà ăn. Dân làng phải đi đào củ mài ăn cho hết đói. Người chết được bọc vỏ cây, lá rừng làm áo quan đem chôn.

Hàng trăm năm sống khép kín khiến tộc người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát tách biệt với thế giới bên ngoài. Trước đây, người Đan Lai không có nhà. Họ sinh sống dọc con sông Giăng bằng nghề săn bắt, hái lượm, bắt thú trên rừng, đi hái măng, rau rừng, đào củ mài, quăng chài lưới bên bờ khe bắt tôm cá. Hết ngày thì chặt 3 cái cọc chụm lại rồi lấy lá che lên để ngủ. Khi lá cây héo vàng, nhìn thấy sao trên trời lại dựng lều khác. Sau họ mới làm nhà sàn để ở. 

Hai đối tượng giết voọc xám trong VQG Pù Mát bị bắt.
Hai đối tượng giết voọc xám trong VQG Pù Mát bị bắt.  

Vì sống biệt lập giữa rừng, luôn phải đối phó với hiểm nguy rình rập nên người Đan Lai có tục ngủ ngồi bên bếp lửa để tránh rét và sự tấn công của thú dữ. Để thích nghi với tự nhiên, trẻ sau khi sinh, dù nắng hay mưa, đông hay hạ, rét đến buốt thịt da, đứa trẻ vẫn được đem xuống suối nhúng 6-7 lần rồi mới đưa về nhà. Đứa nào sống thì 3 tuổi biết bơi. Cứ thế nó khỏe mãi đến già, không bệnh tật gì vì có bệnh tật cũng không có thuốc chữa. Cả làng từ những đứa trẻ 4-5 tuổi đều ăn trầu để giữ ấm mùa đông và vệ sinh răng miệng khi chưa biết bàn chải đánh răng. 

Quen với nước từ khi sinh ra nên trẻ con Đan Lai 5-6 tuổi đã thạo bắt cá trong khe đá. Ban ngày, chúng ném đá để lùa cá vào hang. Ban đêm, khi cá mát, cá lăng, cá pa pị, cá sứt mui... chui vào hang ngủ thì lũ trẻ lại lầm lũi đi mò những con cá chỉ to bằng một vài đốt ngón tay. 

Thế giới của các loài linh trưởng

Hiện các loại động vật quý hiếm được bảo vệ cấp quốc tế và cấp quốc gia tại Pù Mát gồm: Sao la, voi, gấu, các loài linh trưởng và tê tê... bởi chúng đang bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng. Linh trưởng là tên gọi chung của các động vật có độ tinh anh (trí tuệ) cao hàng đầu trong số các động vật như vượn, khỉ, voọc... 

Vào rừng Pù Mát, 4h sáng chúng tôi đã thấy vượn đua nhau hót. Cả 3 loài vượn, khỉ và voọc đều chọn con đực là con đầu đàn. Nếu như khỉ sống theo tập tính bầy đàn, mỗi đàn khỉ có khoảng 50 đến hàng trăm con thì vượn sống thành gia đình như người. Mỗi đàn vượn có khoảng từ 3-9 con, tuy nhiên, mỗi đàn chỉ có 1 con cái trưởng thành. Khi vượn mẹ đẻ một con vượn cái con, con này đến tuổi trưởng thành phải tự tách đàn, lập một đàn mới. Nó sẽ đi tìm bạn tình ở các đàn khác, sinh con, đẻ cái rồi sau đó theo tập tính tự nhiên lại tách đàn. 

Ở Khe Choăng có khoảng 20 đàn vượn. Mỗi đàn vượn có một vùng lãnh thổ riêng nên sáng hôm nay nó hót ở khu vực này thì các ngày khác nó cũng hót ở đó. Hót xong, vượn đi kiếm ăn, sau đó nó không kêu, không hót nữa mà để đến sáng hôm sau. Đối với loài vượn, thường con lông màu sáng hay lông vàng là vượn cái, con lông màu đen là vượn đực. Pù Mát đủ sinh cảnh cho các loài linh trưởng sinh sống. 

Loài linh trưởng sống rất tình nghĩa, thợ săn bắn con cái, con vượn đực sẽ không chạy trốn mà ở lại bên xác con cái, buồn bã vài ngày mới bỏ đi. Dựa vào tập tính này của các loài linh trưởng, thợ săn trộm khi bắn được một con sẽ treo xác chết lên để dụ con đực hay cái đến. Còn loài voọc mông trắng phát hiện mùi thợ săn rất tinh nên cánh thợ săn thường để 3 đống quần áo ở 3 nơi đánh lừa cho chúng mất phương hướng rồi giết hại. 

Lực lượng kiểm lâm trèo đèo lội suối bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm trèo đèo lội suối bảo vệ rừng. 

Vào ngày 9/1/2019, 5 đối tượng gồm Lô Văn Hằng, Viêng Văn Thủy, Viêng Văn Sinh, Lô Văn Hậu và Vi Văn Hải (cùng trú tại xã Tam Quang, huyện Con Cuông, Nghệ An) thống nhất mỗi người góp 300.000 đồng để mua thức ăn, tổ chức đi săn trong rừng sâu. Sau đó, mỗi người mang theo 1 khẩu súng tự chế, dây cáp làm bẫy, rồi cùng nhau vào khu vực VQG Pù Mát, thuộc địa phận xã Châu Khê, huyện Con Cuông săn bắn động vật hoang dã. 

Sau khi vào khu vực rừng dựng lán nghỉ ngơi, các đối tượng bắt đầu đi cài bẫy thú và săn bắn. 13h ngày 11/1/2019, Lô Văn Hằng và Viêng Văn Sinh đi săn phát hiện 1 con voọc xám, Hằng đã dùng súng bắn chết con voọc. Qua kiểm tra, biết đó là con voọc cái nên cả hai theo kinh nghiệm treo xác con voọc đã chết lên cây rồi phục ở dưới, chờ con voọc chồng đến cứu “vợ” của nó. Một lúc sau, con voọc đực xuất hiện, đến bên xác con voọc cái và bị Hằng tiếp tục dùng súng hạ gục rồi mang về lán.

Khoảng 14h30 phút cùng ngày, lực lượng bảo vệ rừng bất ngờ kiểm tra lán của các đối tượng tại lô 3, khoảnh 2, tiểu khu 787A (VQG Pù Mát), thu giữ 2 cá thể voọc xám đã chết, 5 khẩu súng kíp, 5 con dao nhọn, dây bẫy săn động vật, chân và xương của 1 con lợn rừng sấy khô, cùng 1 con lợn rừng còn sống. 

Do 2 cá thể voọc xám là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP và có tên trong Nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP nên 5 đối tượng bị khởi tố. Tại phiên tòa ngày 25/6/2019, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lô Văn Hằng 4 năm tù giam, Viêng Văn Thủy 3 năm tù giam, Viêng Văn Sinh 30 tháng tù giam, Lô Văn Hậu và Vi Văn Hải 24 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ”.

14 năm qua kể từ năm 2005, đây là lần đầu tiên, một vụ săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn VQG Pù Mát được đưa ra xét xử. Đây cũng là thành tích đầu tiên của Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng (Anti-poaching team - nghĩa gốc là Đội chống săn trộm) Pù Mát. Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng Pù Mát do Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) và VQG Pù Mát thành lập vào tháng 6/2018.

Đây là Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng đầu tiên tại Việt Nam trên cơ sở đồng quản lý giữa tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan nhà nước. Ông Nguyễn Văn Thái (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam) cho biết, Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng Pù Mát ra đời là một trong những bước đi chiến lược trong công cuộc phục hồi và bảo vệ thiên nhiên, giảm thiểu sự săn bắt trái phép và tiêu thụ động vật hoang dã. 

Các loại bẫy và thú săn Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng thu giữ được.
Các loại bẫy và thú săn Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng thu giữ được.  

Đây cũng là nhóm chuyên trách đầu tiên kết hợp với lực lượng kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Pù Mát sử dụng 100% chương trình tuần tra ứng dụng phần mềm Smart cyber-tracker và Smart planning (Mạng theo dõi thông minh và lập kế hoạch thông minh). Với ứng dụng mới, toàn bộ thành viên trong Đội được hỗ trợ toàn bộ thiết bị điện thoại thông minh cho chương trình. Các số liệu thu được hàng tháng bao gồm: quãng đường đi rừng, số giờ tuần tra, số chuyến tuần tra, số lượng thú bị chết hoặc được thả sống, số người bị bắt gặp, số bẫy, số súng, số lán trại được phá huỷ...

Theo báo cáo của SVW, từ năm 2018-2020, tất cả các hoạt động săn bắt trái phép và vào rừng trái phép tại VQG Pù Mát giảm đến 80% khi có sự vào cuộc của Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng Pù Mát. Từ tháng 6/2018 đến hết năm 2020, Đội đã tháo gỡ được 9.701 bẫy thú; tịch thu 78 khẩu súng; thiêu huỷ và tháo dỡ 775 lán trại trái phép và kết hợp với lực lượng kiểm lâm, cơ quan công an bắt giữ 558 người. 

Riêng trong tháng 4/2021 thì cả Đội đã có 54 cuộc tuần tra với tổng 2.566 km đi bộ, bắt gặp trực tiếp 13 đối tượng, tháo gỡ tịch thu 392 bẫy thú, 8 khẩu súng; phá huỷ 22 lán trại trái phép và xử lý được 8 đối tượng.

“Mỗi tháng đội bảo vệ rừng Pù Mát gỡ được trung bình trên dưới 300 cái bẫy. Có tháng ít tìm thấy bẫy hơn không hẳn vì số lượng kẻ săn động vật hoang dã giảm đi, mà có khi là do độ tinh vi trong chiến thuật đặt bẫy của chúng tăng lên, che mắt đội tuần tra giữ rừng. Sau nhiều lần bẫy bị phát hiện và phá dỡ, nhóm thợ săn đặt từng cụm bẫy lẻ, được ngụy trang tinh vi dưới đất, phía trên phủ lớp lá mục. Những buổi đi phá bẫy, may mắn thì Đội chỉ tìm thấy những chiếc bẫy trống hoặc có những cá thể được kịp thời phát hiện, sơ cứu vết thương và tái thả về rừng. Đau xót nhất là khi thấy con vật đó đã chết khi chúng không được tháo bẫy sớm”, anh Lê Tất Thành (SN 1979), Đội trưởng Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng, người nhiều tuổi nhất nhóm cho biết. 

Dãi gió, dầm mưa bảo vệ rừng

“Sống trong rừng, nhu cầu của người dân cần gỗ để làm nhà và săn bắt thú rừng, cá dưới suối để làm thức ăn. Dù luật đã nghiêm cấm nhưng rất khó để ngăn chặn người dân xâm hại đến rừng”, Giám đốc Cường trăn trở. Hiện lực lượng kiểm lâm của vườn chỉ có 80 người, đảm trách ở 11 trạm kiểm soát, trong khi phải là 188 người mới có thể đảm trách hết lượng công việc. Áp lực công việc quá cao nên 5 năm qua, đã có 13 kiểm lâm viên bỏ việc.

Những thành viên trong Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng đều là kỹ sư, cử nhân lâm nghiệp, được tuyển dụng đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng. Đợt tuyển dụng đầu tiên năm 2018, có 170 ứng viên tham gia dự tuyển, nhưng chỉ có 7 người vượt qua được sự lựa chọn khắt khe này, trong đó có anh Thành.

Từ 7 người lúc ban đầu, hiện Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng có 16 thành viên. Trong số này, 11 người được chia ra “nằm” cùng kiểm lâm ở 11 trạm bảo vệ rừng, 5 người ở cùng Đội Kiểm lâm cơ động của VQG Pù Mát.

Loài Voọc xám quý hiếm trong VQG Pù Mát.

Loài Voọc xám quý hiếm trong VQG Pù Mát.

Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm VQG Pù mát trở thành 1 đội “đặc nhiệm” lớn, hoạt động theo cơ chế tuần tra chung, gồm 96 thành viên, có nhiệm vụ triển khai các tuyến tuần tra bảo vệ rừng, truy quét, ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại, tịch thu súng săn. 

Mỗi tháng Đội tuần tra 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 7-10 ngày. Hành trang của các anh ngoài máy định vị, bản đồ, đèn, bật lửa còn phải cõng thêm khoảng 20 kg nhu yếu phẩm, kèm theo đó là 2 gói thuốc chống rắn cắn. Khi ăn đồ khô không đủ sức leo núi thì các đội cõng theo ngan và gà còn sống. 

Lần đầu, họ đem cột ngan, gà ở xa chỗ nghỉ để tránh mùi hôi thối nhưng đêm xuống, chúng bị chồn, cáo ăn thịt mất. Sau đó, rút kinh nghiệm, anh em phải cột ngay bên võng nằm. Hành trình công việc của những người bảo vệ rừng không chỉ gian nan mà còn nguy hiểm nữa. Họ thường xuyên “nuôi” muỗi, vắt, ruồi vàng, rắn rết, thỉnh thoảng gặp cả heo rừng và chính những kẻ săn bắn trái phép. Có lần, có người ngủ dậy, thò chân xuống dép rọ đụng ngay con rắn cạp nong cuộn tròn bên trong. Có lần, anh em kiểm tra nước phát hiện có con tặc tè (một dạng đỉa nhưng nhỏ như sợi tóc) ở trong, lỡ uống vào là rất nguy hiểm. 

Cuộc sống người bảo vệ rừng, sáng sớm băng rừng đi. Đêm mắc võng ngủ. Tối đâu cũng là nhà, gặp nguồn nước ở đâu nấu ăn ở đó. Theo anh em, đi rừng mùa khô còn đỡ, mùa lũ rất nguy hiểm. Anh Nguyễn Hữu Trung, thành viên khác trong đội chia sẻ: Có đêm đang ngủ, vừa nghe ầm ầm, bật đèn ngó xuống, anh em đã thấy nước lũ đổ về ngay dưới võng, may là chạy kịp. 

Năm ngoái khô hạn, các khe nước cạn trơ đáy, anh em phải dùng quần áo lọc cặn bẩn lấy thứ nước vàng khè nấu cơm. Rồi đêm căng bao ni lông mang theo hứng nước sương từ thân cây lớn để uống.

Ngoài dùng súng, dân săn bắt thường dùng các loại bẫy như bẫy thòng lọng, bẫy phóng, bẫy kẹp... Có những khu vực địa hình hiểm trở, chúng rào lại, chỉ chừa chỗ đặt bẫy, thú buộc phải đi qua nên dính. Ngày trước, những người này hoạt động khá tự do trong rừng. Họ dựng hẳn lán trại kiên cố, mỗi tốp 3-4 người để chuyên săn bắt thú. 

Sau này, khi biết có “biệt đội” bảo vệ rừng, dân săn bắt tách ra hoạt động đơn lẻ. Trước, họ dựng lán ngay bên khe suối, nay đánh lạc hướng bằng cách dựng lán ở xa rồi cõng nước về dùng. Để phát hiện được những người này, “biệt đội” phải lần tìm từng vết chân, hiện tượng cành cây bị gãy, bị chặt, thậm chí là... ngửi khói cũng được vận dụng để phát hiện lán trại.

Khi được những thành viên “biệt đội” giải cứu phát hiện, những con thú dính bẫy bị thương sẽ được sơ cứu rồi thả ra, nặng hơn thì được mang ra trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Pù Mát để điều trị. 

Anh Lộc Văn Tạo, một thành viên của nhóm Anti-poaching cho biết: “Công việc giữ rừng vất vả thật nhưng là một công việc đáng nể, đáng trân trọng, được cùng về đội của SVW và VQG là cơ hội để hướng ra thế giới, xây dựng hình ảnh những người Việt trẻ tích cực trong công tác bảo tồn của Việt Nam.”

Đọc thêm