Chiến lược quảng bá sản phẩm
Doanh nhân Trương Văn Bền (1883 - 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười. Những năm 1940, ông chuyển sang làm ngành xà bông, lập Công ty đường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5), lấy tên là Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam.
Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông. Ở Sài Gòn vào những năm thập niên 40-50, nhãn hiệu Xà bông Cô Ba rất nổi tiếng, không có đối thủ trên thị trường nội địa.
|
Doanh nhân Trương Văn Bền |
Nhiều người đánh giá ông Trương Văn Bền có tầm nhìn xa, trông rộng. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người dân Bến Tre đã biết ép dừa thành dầu để cung cấp cho các nhà sản xuất tại Sài Gòn. Từ dầu ông Trương Văn Bền làm ra xà bông để sau đó tạo nên thương hiệu xà bông Cô Ba “làm mưa, làm gió” trên thị trường trong suốt vài chục năm...
Thời điểm đó, trên thị trường cũng có nhiều loại xà bông. Tuy nhiên, xà bông của Pháp thì quá đắt, loại rẻ do các lò nấu nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất thì chất lượng kém, không dùng được. Nhìn ra cơ hội vàng, nhưng ông Bền không nôn nóng, hấp tấp. Ban đầu ông chỉ cho ra loại xà bông đá để thăm dò.
Từ xà bông đá, ông nghiền ngẫm tìm cách đáp ứng thị hiếu người dùng để sau đó, xà bông thơm cô Ba ra đời. Xà bông cô Ba không những rẻ mà chất lượng còn rất tốt, mùi thơm lâu nên được người tiêu dùng đón nhận.
|
Thương hiệu Xà bông Cô Ba nổi tiếng một thời |
Trong quyển hồi ký của mình, ông Bền kể lại: “Thấy xà bông bán chạy tôi làm thêm một chảo nữa. Nay nhiều thêm thì phải làm quảng cáo dữ mới bán được. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua.
Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu “Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”.
Còn chiến lược truyền thông quảng bá sản phẩm cũng được ông chủ Xà bông Cô Ba thực hiện bài bản: “Hết người này tới người khác, thét rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông Việt Nam, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu xà bông Việt Nam. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm”.
Cũng trong hồi ký, doanh nhân nức tiếng một thời Sài Gòn cho rằng điều cần nhất trong kinh doanh là phải có chí nhẫn nại. Như ông bị thất bại đã mấy phen, nhưng có thất bại mới có thêm kinh nghiệm.
Tránh đối đầu trực tiếp
Ông Quách Diệm, tên thường gọi là Quách Đàm (chú Quách) sinh năm 1863-1927, vốn gốc là người Hoa. Theo ghi chép trong cuốn sách "Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa" của tác giả Thượng Hồng thì Quách Đàm vốn mồ côi cha mẹ và không có nhà cửa. Thuở nhỏ ông có cuộc sống cơ cực phải sống lang thang đầu đường xó chợ, đi lượm ve chai kiếm sống.
Lớn lên sống cuộc sống bấp bênh nhưng ông Đàm vẫn nuôi chí làm giàu. Ông mua đi bán lại các mặt hàng hiếm và lạ, như da trâu, vi cá. Thời đó, những mặt hàng này chủ yếu là đem bán ra nước ngoài.
|
Doanh nhân Nguyễn Tấn Đời |
Ông quyết định mướn một căn nhà ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay (thời đó toàn bộ khu vực này còn là một con rạch chảy ra kênh Tàu Hũ). Lợi dụng địa thế ngôi nhà ở ngay bờ kênh, Quách Đàm đã chuyển sang kinh doanh nông sản, thực phẩm, chủ yếu là thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trong cuốn "Sài Gòn xưa", học giả Vương Hồng Sển đã kể về một mánh lới làm ăn làm nên tên tuổi Quách Đàm như sau: "Lần nọ, ông sai mua lúa khắp miền Tây chở về dự trữ ngập trong các nhà kho, chờ ngày xuất bán sang nước ngoài. Nhưng do nắm tin thị trường chưa kỹ, năm đó giá lúa quốc tế sụt giảm nặng. Với kho lúa hiện tại, Quách Đàm có thể lỗ nặng, phá sản nên người nhà, nhân công hết sức lo lắng.
Lúc đó Quách Đàm vẫn bình tĩnh như thường, ông ra mật lệnh cho nhân viên dưới miền Tây tiếp tục mua lúa giá như cũ. Không những thế, ông còn trả giá lúa cao hơn các thương lái khác để gom mua bằng hết. Mặt khác, Quách Đàm gửi thư cho đại diện ở nước ngoài tung tin đồn giá lúa sắp tăng vọt lên cao.
Mánh lới này của ông nhanh chóng khiến các thương lái "sập bẫy". Họ đua nhau thu mua lúa trong nước với giá cao chờ bán kiếm lời. Lúc này, Quách Đàm mới âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Kho lúa vơi dần cũng là lúc các nhà buôn khác phát hiện bị lừa. Họ chia nhau gánh thay phần lỗ của ông".
Các tài liệu để lại viết rằng, trong kinh doanh, chú Quách khôn khéo tránh va chạm quyền lợi trực tiếp hoặc đối đầu với thế lực khác. Tuy nhiên, chú Quách luôn làm chủ tình hình vượt lên các đối thủ nên chẳng mất chốc chú được “nhà nước bảo hộ” dành cho đặc quyền mua, xuất khẩu lúa gạo. Khi đã có đặc quyền rồi, chú Quách phát huy lợi thế và trở thành “trùm” buôn lúa gạo giàu có.
Khoảng năm 1920, Chú Quách đã xin hiến đất và bỏ tiền ra xây ngôi chợ mới (với điều kiện là cho ông cất hai dãy phố lầu cặp theo hai hông chợ và đặt ngay cửa chợ một bức tượng đồng đúc hình Quách Đàm). Sau hai năm, chợ hoàn thành và đặt tên là chợ Bình Tây nhưng dân gian vẫn quen gọi là Chợ Lớn Mới.
Muốn thành công phải tự thân vận động
Doanh nhân nổi tiếng ở Sài Gòn không thể không nhắc tới ông Nguyễn Tấn Đời. Ông sinh ra và lớn lên ở Châu Đốc (An Giang) trong một gia đình nông dân. Thời trẻ, Nguyễn Tấn Đời làm nghề buôn trâu, bò qua biên giới. Tuy vốn liếng không nhiều nhưng ông là người luôn giữ chữ tín trong làm ăn nên rất được giới thương lái Campuchia tín nhiệm. Vì thế Nguyễn Tấn Đời nhanh chóng tích luỹ một số vốn đáng kể và ông quyết định rời bỏ vùng biên giới quê hương cùng nghề buôn trâu để lên Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1954.
Ông được một người bạn giới thiệu cho chân thư ký một hãng buôn của người Pháp. Tuy nhiên, nghề ngồi một chỗ này không phù hợp với ông. Ông nhanh chóng bước vào nghề môi giới. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng chuyên tâm nhiều nhất vào vật liệu xây dưng và vải vóc.
Ông thành công ngay những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực mới, kiếm được rất nhiều tiền nhưng không ăn chơi lãng phí. Ông tích lũy để nhanh chóng có được số vốn lớn rồi sắm xe hơi. Sau đó, ông mon men bước vào lĩnh vực tiền tệ và đã bị thất bại thảm hại ngay từ đầu. Số vốn liếng tích cóp được bị mất sạch. Chiếc xe hơi phải bán đi, thế nhưng với ông những sự cố ấy chưa làm ông nản chí. Ông tiếp tục vay mượn bạn bè, những người thân quen một số vốn bước vào lĩnh vực gạch ngói. Hãng gạch ngói Đời Tân do ông làm chủ ra đời.
Để tiêu thụ được sản phẩm làm ra, ông chủ lò Nguyễn Tấn Đời còn phải đảm nhận thêm vai trò chào hàng và quảng cáo. Một mình ông len lỏi vào tận các công trình đang xây dựng không kể lớn nhỏ, xắn tay lợp ngói, lát gạch để giới thiệu sản phẩm đến tận các công nhân cũng như chủ công trình.
Kết quả không bao lâu, tiếng tăm của gạch Đời Tân nổi lên và bắt đầu thao túng thị trường. Không dừng lại ở thành quả có được, đích thân ông sang Pháp đến các hãng gạch ngói danh tiếng tìm hiểu và học hỏi. Nhờ vậy, gạch Đời Tân luôn có những mặt hàng mới đạt chất lượng về sản phẩm và mẫu mã.
Thành công ở lãnh vực gạch ngói chưa làm ông thỏa mãn. Ông bắt đầu len lỏi sang các lãnh vực khác. Bấy giờ tại Sài Gòn hãng sản xuất dây điện Vidico phá sản. Ông Đời mua lại hãng kịp lúc ông biến mớ rác thải đã mua thành nguyên liệu chế biến dây điện. Từ một hãng làm ăn thua lỗ, ông đã cứu toàn bộ công nhân ở đây thoát khỏi tình trạng thất nghiệp....
Những năm sau đó ông tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực quảng cáo, điện ảnh, bất động sản. Ông xây hàng loạt cao ốc nằm rải rác trên các trục lộ chính trong thành phố với hàng ngàn phòng. Với dịch vụ cao ốc đồ sộ, ông Đời đã thu về một khoảng lợi nhuận khổng lồ không phải ai cũng có thể có được. Đến lúc này thì mức độ giàu có của ông Đời đã lên đến chót vót ít có người theo kịp... Nguyễn Tấn Đời mất ngày 6/7/1995 tại Orlando, Floria (Hoa Kỳ), hưởng thọ 73 tuổi.
Trước khi qua đời, ông Nguyễn Tấn Đời kịp để lại cho hậu thế quyển hồi ký về cuộc đời của mình. Trong quyển hồi ký đó, ông ghi lại các bí quyết để ông thành công: "Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng.
Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho. Đồ chứa tốt, lớn chính là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm, linh hoạt, sáng kiến, biết quan sát tìm hiểu để đúc kết kinh nghiệm cho sự thành công”.