Kỳ bí “bảo bối biết đẻ”, thung lũng đưa người xấu đi lạc đường ở rừng Chư Mom Ray

(PLVN) - Từ xa xưa, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray trải dài trên hai địa phận huyện Ngọc Hồi và huyện Sa Thầy (đều thuộc tỉnh Kon Tum) đã tồn tại biết bao điều kỳ bí. Đó là nơi có hòn đá thần kỳ, người Rơ Mâm xem nó như một bảo bối, biết bảo vệ và phù hộ cho buôn làng sống trong yên bình. Đặc biệt, khi người nào đó đặt chân lên vùng đất này mà có ý đồ xấu sẽ bị lạc không còn đường mà về...
Kỳ bí “bảo bối biết đẻ”, thung lũng đưa người xấu đi lạc đường ở rừng Chư Mom Ray

Loài cây đưa người đi sai đường

Sau khi vượt qua những đoạn đèo quanh co, uốn lượn cheo leo rồi lại thả mình trôi theo những dốc thật dài trên dải Trường Sơn hùng vĩ cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi bắt đầu của con đường Quốc lộ 14C (0km). Muốn đến được thung lũng Mô Rai (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) khách nhất định phải vượt qua con đường độc đạo dài 40 cây số xuyên qua rừng già trước mặt.

Không còn bụi đỏ đất rừng cao nguyên bốc lên cuốn theo xe mịt mù mà thay vào đó là cảnh xóc lộn ruột vì mặt đường gồ ghề vì đá dăm và ổ gà. Chỉ cần sơ ý một chút là cả xe và người sẽ bị văng xuống vực sâu hoặc mất tích trong khu rừng rậm rạp.

Thung lũng Mô Rai giống như một chiếc lòng chảo, vùng đất này nằm giáp ranh với biên giới nước bạn Campuchia và Lào. Khí hậu nơi đây có phần nóng và khắc nghiệt, mùa khô những cơn gió Lào quăng quật vào làm cho cỏ cây héo úa, còn mùa mưa thì nước trút như thác đổ.

Có lẽ vì thế mà xã Mô Rai là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Người Rơ Mâm (dân tộc ít người nhất Việt Nam-PV) đã chọn thung lũng Mô Rai này làm nơi sinh sống và lập nên làng Le.

Tính đến thời điểm này, người Rơ Mâm chỉ có 102 hộ với hơn 300 nhân khẩu. Người dân quanh năm chỉ biết tỉa đậu, trồng bắp, trồng khoai, sắn để ăn, cả năm luẩn quẩn trong rừng, vì thế cái đói, cái nghèo cứ bám chặt lấy dân làng.

Già làng A Blong (SN 1953, ngụ làng Le, xã Mô Rai) cho biết: Trên đỉnh Chư Nâm Rai (nằm trong rừng Chư Mom Ray), đỉnh núi cao nhất của dãy Trường sơn hùng vĩ ấy có một hồ nước trong xanh, quanh năm không biết cạn. Bên hồ nước ấy có một thác nước chảy dài như dải lụa, cảnh vật đẹp như tiên cảnh bồng lai, không một nơi nào sánh được.

Cũng chính vì thế mà nó có nhiều động vật, cây cỏ quý hiếm. Trong khu rừng thơ mộng này có một loài cây, khi lá vàng rơi xuống có thể lấy lá hút, hút xong cảm giác khoan khoái, con người không còn cảm giác mỏi mệt.

Nhưng hút nhiều sẽ thấy trời đất quay cuồng, mây cuốn con người vào giấc ngủ không biết đêm ngày là gì. Nhưng kỳ lạ nhất là loại lá trên chỉ có thể hút tại chỗ, không thể mang về nhà hút được. Vì ai lỡ đúc túi mang về đều bị làm cho mộng du, đi loanh quanh trên núi không biết đường mà về.

Thác nước giữa đại ngàn Chư Mom Rây
Thác nước giữa đại ngàn Chư Mom Rây  

Trước đây, đã có nhiều kẻ xấu nghe đến vùng đất kỳ bí này có nhiều động vật quý hiếm đã tìm đến để săn bắn nhưng không thể bắn được con thú nào. Trời tối mà chúng vẫn không thể tìm được đường thoát ra khỏi đó, càng đi càng lấn sâu vào rừng thẳm.

Sau nhiều ngày lạc trong rừng không còn thứ gì ăn nên chết rũ xương ở trong đó. Cũng chính vì vậy mà khu rừng kỳ bí này còn nổi tiếng là rất linh thiêng, chỉ cần kẻ nào có ý đồ xấu, làm tổn hại, phá hoại bất cứ thứ gì trong rừng đó đều sẽ bị phạt không còn đường thoát thân.

Cũng chính vì ý thức được việc động vào cây rừng sẽ bị thần linh trách phạt cho nên không một người Rơ Mâm nào dám săn con thú hoặc chặt cây đem về làng. Hơn thế nữa, nhiều thế kỷ qua, người dân nơi đây còn bảo vệ cho khu rừng xanh tươi được vẹn toàn.

“Bảo bối biết đẻ”, mất tích tự trở về

Theo già làng A Blong cho biết: “Người Rơ Mâm sống yên bình hàng thế kỷ qua ở nơi “rừng thẳm, núi thiêng” này là nhờ vào “bảo bối biết đẻ” của làng. Bảo bối đó có hình dáng kỳ dị, nửa nhẵn như ngà voi, nửa cứng như đá núi, dài cỡ cánh tay trẻ con, to bằng bọng tay chàng trai Rơ Mâm trưởng thành.

Năm nào “bảo bối” đẻ là năm ấy buôn làng được mùa to, đồng bào lại được no cái bụng, ấm cái thân. Nhưng không phải năm nào “bảo bối” cũng đẻ, vài ba mùa rẫy mới đẻ một lần. Còn nếu sau năm mùa rẫy mà “bảo bối” không chịu đẻ là dân làng lại lo mất mùa, con người ốm đau, con vật dịch bệnh”.

Cũng chính vì tin vào mối liên hệ mật thiết ấy nên từ lâu “vật thiêng” kia đã được tất cả người dân trong làng Le này tôn sùng, gọi là Yàng Đá (Thần đá-PV). Cũng vì do hình thù kỳ quái khác với những hòn đá tầm thường lại có khả năng biết “đẻ” và ứng nghiệm với bao điều may mắn trong cuộc sống nên họ gọi như vậy.

Già làng A Blong kể lại sự xuất hiện của thần đá hết sức kỳ lạ và bao đời này dân làng Le hết thế hệ này qua thế hệ khác vẫn kể cho nhau nghe về bảo bối của làng như vậy: Từ lâu lắm rồi, một trận dịch kinh hoàng đã quét qua làng Le khiến hơn 50 người bị chết. Người đàn ông đứng đầu của làng thất thần câm lặng mất mấy ngày.

Cái đầu lờ phờ của ông trắng như bông chít của ông đang dao động. Thế là ông quyết định lên nơi linh thiêng nhất trên núi Chư Nâm Rai, nơi có biết bao điều kỳ bí để cầu xin thần núi cho dân làng qua khỏi bệnh tật.

Sau khi ông từ núi trở về ông bỗng dưng quyết định tổ chức cho trai làng đi săn một bữa. Nhưng không hiểu sao dù đã lùng sục cả ngày từ sáng sớm đến lúc mặt trời gần khuất phía sau đỉnh Chư Nâm Rai mà không săn được con thú nào.

Định ra về trong vô vọng thì bỗng nhiên lũ chó nhà đi theo đoàn săn cùng túm tụm trước một bụi cây rậm sủa vang cả núi rừng. Nghi ngờ có con thú ẩn nấp, các trai làng bao vây lùm cây chỉa nỏ để bắn. Chẳng thấy gì, đoàn người suỵt chó về nhưng chúng lại càng sủa dữ hơn.

Thấy sự lạ, người đứng đầu làng đích thân vén lùm cây vào xem thử. Và trước mắt ông là một vật có hình thù kỳ dị, nửa như ngà voi, nửa như đá núi. Cho là thần núi mang lại điềm gì đó, nên già tổ hạ lệnh cho mọi người công kênh vật lạ về làng. 

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta, người Rơ Mâm (hay Rơ-măm) ở dưới dãy núi Chư Mom Ray, làng Le (xã Mô Rây, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là một trong những dân tộc từng được đánh giá có số dân thấp nhất nước. Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở phía bắc Tây Nguyên và phía tây của tỉnh Kon Tum, trên địa phận của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Phía bắc giáp địa giới hành chính các xã: Bờ Y, Sa Loong (thuộc huyện Ngọc Hồi). Phía nam giáp địa giới hành chính các xã Mô Rai, Ya Xiêr (thuộc huyện Sa Thầy). Phía đông giáp địa giới hành chính các xã: Rơ Kơi, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy. Phía tây giáp biên giới Việt Nam-Campuchia–Lào.

Đêm đến, trăng đã treo đỉnh núi, đám đàn ông làng tổ chức uống rượu sau một ngày dài đi săn thất bại. Đang lăn lóc quanh đống lửa lớn, mọi người bỗng choàng dậy vì tiếng thét thất thanh của một người, vật lạ kia đã “đẻ” một đứa con bằng nắm tay người lớn!

Hoảng sợ vì điều kỳ dị xảy ra, theo lời khuyên của người đứng đầu, cả làng đã tế “vật lạ” một con trâu đực. Lấy máu trâu tắm cho “vật lạ” và đứa con của nó.

Quan sát kỹ thấy hình dạng “vật lạ” nửa như đang ngậm chiếc ngà voi, nửa cứng như đá núi nên người dân đồng ý tôn là “Yàng đá”.

Kỳ lạ năm đó dân làng Rơ Mâm được mùa săn thú, cả làng ấm no, người người khỏe mạnh, vật nuôi sinh sản đủ đầy. Niềm tin ứng nghiệm khiến vật lạ này trở thành vị thần hộ mệnh cho người Rơ Mâm của làng Le từ đó đến tận bây giờ.

Có thể với người Rơ Mâm quan niệm “vạn vật hữu linh”, khi vật gì đó được người dân tôn sùng trở thành “bảo bối” để thờ phụng nên họ thường khoác lên nó một màn sương huyền bí như thế.

Tính đến thời điểm hiện tại, bảo bối của làng đã có tới 12 đứa con, mỗi một đứa con có hình thù, màu sắc khác nhau, nhưng tất cả chúng đều là đá. Sau mỗi lần “bảo bối đẻ”, dân làng Le lại có niềm vui lớn, con người, gia súc không xảy ra dịch bệnh, lúa được mùa chất đầy bồ.

Và câu chuyện càng thêm kỳ bí hơn vì thi thoảng “Thần đá” lại dẫn lũ con đi đâu mất biệt. Đã vài lần già làng phải huy động già trẻ, lớn bé vào rừng vạch từng gốc cây ngọn cỏ để tìm mà không thấy tăm hơi. Khi tất cả mọi người đinh ninh là trong làng có ai đó làm điều gì phật ý “Thần đá” nên đã bỏ làng mà đi thì vài hôm sau “Thần đá” lại dẫn lũ con nguyên vẹn trở về. Cũng chính vì chiếm được niềm tin của dân làng nên “bảo bối” được dân làng trịnh trọng cất vào một chỗ trang trọng ở nhà rông.

Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân giặc đã bắn phá và trút biết bao bom đạn lên vùng đất này khiến cho cả làng bị hủy diệt vậy mà “Thần đá” vẫn còn đó. Có lần quân giặc đã lần tìm đến mảnh đất này, chúng bắn chết 2 người ngay khi vào làng khiến dân làng hốt hoảng trốn hết lên đỉnh Chư Nâm Rai.

Để dụ dân làng xuống núi chúng đã đốt nhà rông rồi đem “Thần đá” đi, nhưng chỉ được một lúc thì chúng lại phải đem thần đá quay trở lại vì lý do, khi đưa vật thiêng của làng lên máy bay thì máy bay không thể cất cánh được, còn xe cơ giới không thể chuyển động mà rời khỏi làng. Quá kinh hãi bởi những điều lạ xảy ra nên chúng đã trả lại bảo bối cho dân làng.

Lời nguyền trên đỉnh Chư Nâm Rai

Từ xa xưa, người Rơ Mâm vốn sống biệt lập giữa đại ngàn Chư Mom Ray heo hút. Tổ tiên của họ có nhiều lần di chuyển nơi sống nhưng chỉ loanh quanh trên các khu vực lưng trừng núi, chẳng bao giờ họ xuống đến chân thung lũng Mo Rai như bây giờ.

Nhiều năm sinh sống, người Rơ Mâm gần như chỉ biết trồng mỗi cây lúa rẫy, cây đậu và tỉa bắp. Cứ săn được con thú nào, việc đầu tiên là họ mổ bụng, lôi các bộ phận tim, cật, và nội tạng ra ăn sống. Và sau khi cây lúa đã tỉa xong trên rẫy, cây bắp trên rẫy đã ra trái, hoa màu khác tốt tươi, dân làng trở về để nghỉ ngơi. Con vật trong nhà cũng được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho lễ tế “Thần đá”. Người Rơ Mâm tế “bảo bối biết đẻ” bằng một con trâu đực, một con dê”.

Già làng cho biết năm nay buôn làng cũng làm lễ tế “Thần đá”, dân làng đã chuẩn bị nhiều ghè rượu, chiêng ché cũng dược lau chùi sạch sẽ. Trước ngày tế “Thần đá” cả làng tập trung quanh nhà góp trâu, dê hiến tế để dựng cây nêu. Khi bóng đêm buông xuống chân núi Chư Nâm Rai cũng là lúc dân làng tấu lên những khúc nhạc chiêng, trống.

Dân làng Le chuẩn bị lễ hội đâm trâu
Dân làng Le chuẩn bị lễ hội đâm trâu 

Sau đó họ uống rượu và vui chơi, dù trai hay gái bất cứ là dân làng Le nào cũng phải uống, uống cho thật say. Khi những tia nắng đầu tiên xuyên mây dày rọi vào làng. Chim chóc tấu rộn khúc hoan ca, chiêng trống đánh vang cả cánh rừng, trai gái Rơ Mâm ăn mặc đẹp.

Tất cả tập trung quanh cây nêu được dựng lên từ hôm trước. Dê được giết, trâu được giết để lấy đầu cúng tế, thịt chia cho cả làng, và máu thì “tắm thần đá”. Sau những thủ tục hiến tế “Thần đá” là dân làng ăn mừng và lại uống rượu.

Theo quan sát của phóng viên, “bảo bối biết đẻ” được đựng trong chiếc gùi, dưới đáy gùi là một lô những hòn đá trắng xanh lẫn lộn, nhẵn như trứng chim. Chiếc gùi đựng “Thần đá” được buộc thật vững vào cây nêu, vật hiến tế được chặt đầu rồi cũng buộc lên đó.

Già làng A Blong tâm sự: “Năm nay “thần đá” không đẻ. Không đẻ là mất mùa to đấy! Người Rơ Mâm từ bao đời nay chỉ sống quanh quẩn ở khu vực núi Chư Mo Rai. Dù sống hay chết cũng không bao giờ rời bỏ mảnh đất này. Tổ tiên của chúng tôi đã thề như vậy nên con cháu họ có chết cũng không rời bỏ mảnh đất yêu quý này.

Do có vị trí ở vùng biên giới giáp với Campuchia, Lào, các thế lực phản động luôn tìm cách dụ dỗ, lôi kéo đồng bào Rơ Mâm. Nhưng không vì thế mà họ rời bỏ thung lũng Chư Rai, rời bỏ đỉnh Chư Mom Ray, lúc nào cũng nâng cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu”.

Lý giải chuyện “bảo bối biết đẻ”

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hồ Thị Đào (cán bộ xã Mô Rai) cho hay: “Đúng là từ nhiều năm nay mảnh đất này người dân vẫn truyền miệng cho nhau nghe những chuyện kỳ bí. Từ vùng đất có thứ cây làm cho người cảm giác mộng du đến “thần đá biết đẻ”.

Nhưng theo cá nhân tôi thì tất cả chỉ là câu chuyện văn hóa là nét đẹp văn hóa của người dân bản địa. Do người Rơ Mâm yêu mảnh đất này, yêu thung lũng Chư Rai này nên họ muốn quê hương mình có những điều thật đẹp, thật huyền bí. Và sự thật, họ không muốn thay đổi những huyền thoại do tổ tiên, cha ông mình để lại”.

Thế nhưng, cuộc sống vẫn là cuộc sống, vẫn phải tuân thủ theo những quy luật và sự chứng minh của khoa học. Rất có thể do sự cấu tạo đặc biệt nào đó của “Thần đá”, như kiểu tập hợp của những loại đá có thành phần và màu sắc khác nhau bị kết dính bởi một chất đặc biệt trong quá trình vận động kiến tạo của vỏ trái đất.

Cho đến khi gặp những biến động đột ngột về thời tiết chúng sẽ giản nở và tự tách ra. Cũng vì thế mà trên thân của “Thần đá” có những lỗ tương ứng với những đứa con đẻ ra. Do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, họ vẫn quan niệm đá biết đẻ là vì vậy.

Còn riêng về chuyện “Thần đá” mất tích rồi lại xuất hiện rất có thể người nào đó trong buôn làng có ý đồ xấu muốn đem bán nhưng sau đó hối hận đã đem trả lại. Sợ dân làng phạt nên đã âm thầm để lại chỗ cũ. Hoặc tổ tiên của người Rơ Mâm muốn con cháu của mình biết trân trọng, bảo vệ “bảo bối” của làng Le nên đã “khai sinh” ra chuyện lạ như vậy.

Bà Đào cho biết thêm: Dù có lý giải theo cách nào thì dân làng Le vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Họ sống tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và tôn sùng bảo bối “thần đá” của dân làng mình. Họ yêu mảnh đất với những điều kỳ bí và sống chết để bảo vệ nó. Không một thế lực nào có thể làm suy giảm niềm tin của người Rơ Mâm ở nơi thung lũng với những câu chuyện dung dị xen lẫn sự ký bí như một huyền thoại của họ.

(Còn nữa)

Đọc thêm