Ký ức kinh hoàng những ngày sống giữa chiến sự tại Israel

(PLVN) - Ngày 21/5, cả Israel và Hamas vừa ra thông báo đạt được thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, chấm dứt chuỗi ngày bạo lực chết người. Tuy nhiên, trong suốt 11 ngày chiến sự leo thang tại Dải Gaza đã khiến cho những người Việt ở Israel phải học cách thích nghi với cuộc sống trong bom đạn, tìm mọi cách để làm quen với nhịp sống mới.
Gia đình chị Kim ở Israel.

Giao tranh giữa hai bên nổ ra vào ngày 10/5 khi lực lượng Hamas tại Gaza phóng rocket tầm xa về phía Jerusalem sau khi các cuộc đụng độ kéo dài nhiều ngày nổ ra giữa người biểu tình Palestine với cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. 

Để đáp trả lại, Israel cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng của Hamas, gồm cả một mạng lưới đường hầm rất lớn.

Sống trong hồi hộp, sợ hãi

Chia sẻ với VOV, chị Kim sống tại thành phố Tel Avi (Isarel), là Việt kiều dù đã sống ở đây 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên chị trải qua những ngày đạn pháo dữ dội. Từ khi bắt đầu xảy ra xung đột, cuộc sống của cả gia đình chị Kim phải điều chỉnh để sẵn sàng chạy đạn bất cứ lúc nào. 

“Lúc nào gia đình tôi cũng phải sống trong tư thế sẵn sàng. Con cái lúc nào cũng phải trong tầm nhìn của bố mẹ. Một tuần vừa rồi ăn uống thất thường, làm đồ ăn nhanh gọn, không nấu nướng nhiều như bình thường. Cả tuần qua chúng tôi không đi chợ, chỉ ăn đồ đông lạnh. Hàng ngày, con cái phải tắm rửa từ lúc 16-17h chiều và cũng phải nhanh chóng”, chị Kim chia sẻ. 

Khu phố nhà chị Kim xây dựng từ những năm 1990 nên nhiều tòa nhà không có phòng trú ẩn. Tuần trước có một quả rocket rơi ngay gần nhà chị khiến 1 người tử vong, 80 ngôi nhà xung quanh bị hư hỏng, lần đầu tiên có người thương vong nên ai cũng sợ hãi. 

Khói lửa bao trùm khi Israel không kích dải Gaza.  

Chị Kim cho biết ban đêm họ sẽ tìm chỗ ngủ nhờ, còn ban ngày khi còi hú là cả gia đình chạy. “Nhà lúc nào cũng gọn gàng, đồ đạc ở dưới nhà là mang lên để khi chạy không bị vướng, còn chân lúc nào cũng phải mang giày để sẵn sàng chạy bất cứ lúc nào. Một tuần qua chúng tôi lúc nào cũng phải sống trong cảm giác lo sợ, hồi hộp”. Suốt 11 ngày qua, tính từ lúc có còi báo động người dân sống ở đây chỉ có 1 phút 30s chạy vào hầm trú ẩn. 

May mắn nằm cách xa biên giới với Dải Gaza nên cuộc sống của những tu nghiệp sinh như Phạm Thị Tươi cũng đỡ lo hơn gia đình chị Kim. Tươi hiện tại đang làm thêm tại một trang trại dưa chuột, cà chua và ớt của Trung tâm Đào tạo Quốc tế Ramat Negev (Israel). Cả trung tâm hiện có khoảng 80 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc.

Từ khi xảy ra chiến sự, những tu nghiệp sinh như Kim được Đại sứ quan Việt Nam ở Israel thông báo và hướng dẫn hạn chế đi lại, thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng tránh bom đạn. Bên cạnh nỗi lo bom đạn, nguy cơ an ninh do xung đột giữa các cộng đồng người Do Thái và Ả-rập tại các thành phố ở Israel cũng là một nỗi lo thường trực.

Những tu nghiệp sinh như Tươi khi sống tại Israel đã không ít lần được chứng kiến cảnh nhiều dòng người mặc áo đen, cầm cờ đi ngoài đường và sau đó là khói lửa và tiếng la hết trên đường phố. Tự bản thân những tu nghiệp sinh như Tươi cũng tự biết dặn dò nhau hạn chế ra ngoài, tuân thủ nghiêm quy định của nước sở tại và hỗ trợ nhau trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chính nhờ sự đoàn kết, đùm bọc và động viên nhau ở nơi xứ người mà những người như Tươi cảm thấy an tâm hơn. 

Người dân hoảng loạn tìm nơi ẩn trú.  

Theo Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng, ở Israel, ai cũng phải cài vào điện thoại của mình ứng dụng “Cảnh báo đỏ”. Nó giúp người dùng nhận được thông báo sớm nhất về các đợt tấn công tên lửa trên toàn Israel. Đôi khi đang ngồi ở Tel Aviv, người ta vẫn giật mình vì ứng dụng báo rocket đang bay ở đâu đó. Dù nó không nhắm đến Tel Aviv nhưng mọi người vẫn rất cần cảnh giác. Chỉ cần ứng dụng rung chuông, ai nấy đều phải kiểm tra.

Một phương tiện cảnh báo khẩn cấp hơn là tiếng hú còi của thành phố. “Bất kể đang làm gì, chỉ cần nghe thấy tiếng còi báo động, phải di chuyển thật nhanh xuống hầm hoặc vào phòng an toàn, ở trong đó 15-30 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nào tình hình bên ngoài trở lại bình thường thì mới được ra ngoài”.

Theo dữ liệu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp quốc, ít nhất 219 người Palestine, trong đó có 63 trẻ em, đã thiệt mạng ở Gaza trong cuộc giao tranh gần đây giữa Israel và Hamas. Các nguồn tin của Israel cho biết có 12 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em và một binh sĩ. Ngoài ra, đã có hàng ngàn người bị thương, chủ yếu ở Gaza và Bờ Tây.

“Ưu tiên số 1 cho công tác bảo hộ công dân”

Trong những ngày căng thẳng leo thang, tại các thành phố của Israel nhiều cơ quan, tổ chức, trường học phải đóng cửa. Những nơi gần biên giới với Gaza, chiến sự xảy ra khiến đường phố vắng lặng, người dân không dám ra đường vì lo ngại nguy cơ trúng đạn pháo. 

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng cho biết, Đại sứ quán đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Israel có kế hoạch bảo vệ an ninh, an toàn cho cộng đồng người Việt Nam tại Israel, đặc biệt là đối với các sinh viên. Đại sứ quán cũng có thông báo chung với cộng đồng, hướng dẫn các biện pháp an toàn, an ninh; đề nghị bà con thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp về an toàn, an ninh, bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng xung quanh.

Trong bối cảnh tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, Đại sứ Đỗ Minh Hùng kêu gọi cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Israel tiếp tục bình tĩnh, đoàn kết. Đại sứ đề nghị bà con người Việt liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp.

Trước đó, vào sáng sớm ngày 17/5 theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp khẩn thứ ba trong tuần về tình hình căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine. Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng leo thang giữa người Israel và người Palestine với số lượng thương vong ngày càng lớn, khẳng định Việt Nam lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự.

Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh, trong khi tìm kiếm giải pháp cho các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, điều cần thực hiện ngay lập tức là chấm dứt bạo lực. Theo đó, Đại sứ kêu gọi tất cả các bên ngay lập tức chấm dứt mọi hành động bạo lực và kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình.

Đáp lại những lời kêu gọi đó, theo hãng tin AP, văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 20/5 cho biết, Israel đã chấp nhận đề xuất của Ai Cập sau một cuộc họp vào đêm muộn của nội các an ninh. Hamas cũng nhanh chóng làm theo và tuyên bố tôn trọng thoả thuận. Thông tấn xã MENA của Ai Cập đưa tin, thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực lúc 2h sáng nay (21/5), khoảng 3h sau khi thông báo được đưa ra. 

Trong thông báo, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, nội các an ninh nhất trí phê chuẩn đề xuất sau khi nhận các khuyến nghị từ tham mưu trưởng quân đội và các quan chức quốc phòng hàng đầu khác. Thoả thuận ngừng bắn sẽ khép lại đợt giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến 50 ngày hồi 2014. 

Gaza là một dải đất dài 25 dặm (40km) giữa Israel và Ai Cập, nằm dọc theo bờ phía Đông của Địa Trung Hải. Cả Gaza và Bờ Tây (vùng đất nằm giữa Jordan và các đường biên giới được quốc tế công nhận của Israel) đều thuộc quản lý của chính quyền Palestine. Tuy nhiên từ năm 2007 Gaza thuộc kiểm soát của tổ chức Hồi giáo Hamas. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc với khoảng 2 triệu dân. 

Đọc thêm