Làng thông minh Lapland - (Kỳ 1): Giải pháp mới cho nông thôn hiện đại

(PLVN) - Lapland là một trong những khu vực đầu tiên ở Phần Lan áp dụng mô hình làng thông minh – một cách tiếp cận chiến lược, có hệ thống để phát triển nông thôn đổi mới, làng xã kết nối. Mô hình làng thông minh Bắc cực Lapland đã trở thành mẫu mực, nhận được sự công nhận của Uỷ ban Châu Âu về hiệu quả quản trị. Đáng nói ý tưởng này cũng đang xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm gần đây.
Lapland là khu vực phía Bắc Phần Lan, đặc trưng khí hậu cận Bắc cực khắc nghiệt.
Lapland là khu vực phía Bắc Phần Lan, đặc trưng khí hậu cận Bắc cực khắc nghiệt.

Công nghệ hướng về làng xã

Làng thông minh Bắc cực Lapland, hay “Arctic Smart Village” (ASV), đang nằm ở vị trí dẫn đầu Liên minh châu Âu trong việc vận dung các giải pháp phát triển nông thôn bền vững, hiện đại, trên nền tảng phát huy các giá trị tài nguyên và điều kiện tự nhiên ở Bắc cực.

ASV đã định nghĩa một “sân chơi” mới cho bất cứ ai mong muốn trở về cuộc sống nông thôn yên bình thơ mộng, để tránh khỏi sự ồn ào xô bồ chốn đô thành. Làng thông minh Lapland không chỉ có sức hút đối với khách du lịch, mà còn chào đón những cư dân từ đô thị di chuyển về, tăng thêm sức sống cho khu vực. 

Nông thôn đổi mới lại là xu hướng chuyển dịch tất yếu, cấp thiết của các quốc gia trên thế giới hiện nay, không chỉ bó gọn trong những đất nước đang phát triển. Một nghiên cứu về dân số thế giới vào năm 2015 cho biết, khoảng 80% dân số thế giới sống ở các vùng nông thôn, phần lớn những khu vực này không được kết nối hoặc bị hạn chế kết nối với điện, dẫn đến hạn chế cơ hội việc làm, sinh kế của người dân khó khăn.

Kể từ đó, các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo với chi phí thấp của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) được khởi động. Những dự án này nhằm cung cấp giải pháp cho các vùng nông thôn bớt khó khăn hơn, góp phần giải quyết tình trạng ly hương – ly nông của người nông dân, đồng thời giảm thiểu tốc độ đô thị hoá nhanh chóng hiện nay.  

Mô hình làng thông minh Bắc cực Lapland.
Mô hình làng thông minh Bắc cực Lapland.  

Theo đó, làng thông minh cũng chính là một giải pháp như vậy. Khái niệm này bắt đầu xuất hiện rộng rãi từ năm 2016 khi châu Âu đưa ra cam kết hành động về làng thông minh nhằm bảo tồn và phát triển môi trường nông thôn. Để quảng bá làng thông minh, Châu Âu đã xây dựng kế hoạch và đề xuất 16 hành động tổ chức một số chuyên đề, hội thảo, hội nghị, nhóm chuyên đề như: Nền tảng nông nghiệp chuyên môn hóa thông minh, thiết lập các văn phòng mới như văn phòng cạnh tranh băng thông rộng và đề xuất một số dự án khác về làng sinh thái thông minh (Smart Eco Vilages).

Đáng nói, vào tháng 4/2018, Tuyên bố Bled (Bled, Slovennia) đã thừa nhận rằng nền kinh tế kỹ thuật số nông thôn, nếu được phát triển theo hướng đổi mới, tích hợp và toàn diện, có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, qua đó góp phần giải quyết sự suy giảm hiện tại của khu vực nông thôn.

Về vấn đề như thế nào là làng thông minh, TS. Ngô Kiều Oanh nhận định: “Làng thông minh là cộng đồng (xóm, thôn, xã) ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên các thế mạnh và cơ hội của địa phương, vào cách tiếp cận có sự tham gia, chia sẻ để phát triển và thực hiện mục tiêu  cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường  đặc biệt bằng cách huy động các giải pháp công nghệ kỹ thuật số”. 

Tuy nhiên, khởi điểm vào năm 2016, các dự án thí điểm được xây dựng và phát triển nhằm tìm kiếm các mô hình mẫu mực từ các cơ hội và thách thức tại nông thôn, từ đó cung cấp định nghĩa chuẩn xác về làng thông minh, phục vụ công tác xây dựng chính sách. Đồng thời, các dự án này được theo dõi điều kiện, chi tiết thực hành, hiệu quả để lựa chọn ra những biện pháp thực hành tốt nhất, có thể lan rộng. Đến nay, được biết, có 6 mô hình làng thông minh đã được xác định. 

Nông thôn Việt Nam đóng góp khoảng 14% GDP nhưng chiếm tới hơn 60% dân số.
Nông thôn Việt Nam đóng góp khoảng 14% GDP nhưng chiếm tới hơn 60% dân số.  

 Các yếu tố đóng góp cho chất lượng cuộc sống người dân trong một làng thông minh được quan sát, đánh giá từ các góc độ khác nhau, từ môi trường sống, cơ sở vật chất, việc làm, phúc lợi xã hội đến cách họ tận hưởng, cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Nói nôm na, làng thông minh không đô thị hoá để trở thành một đô thị thông minh nhưng lại có sức cạnh tranh về mặt kinh tế - xã hội với các đô thị.

Làng thông minh dựa trên các giải pháp sẵn có tại lợi thế và điều kiện tự nhiên của địa phương, vừa phát triển vừa bảo tồn, chứ không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển. Làng thông minh phát huy những giá trị nông nghiệp, làng nghề trên nền kinh tế chia sẻ và nền tảng số (Big Data, IoT, AL…). Từ đó, nền kinh tế truyền thống tại nông thôn sẽ dần dần được thay thế sao cho phù hợp với khí hậu, môi trường, đời sống người dân.

Làng thông minh Bắc Cực Lapland là mô hình mẫu mực cho những dấu hiệu nêu trên. Bắt đầu từ giải pháp xây dựng nhà ở thân thiện với cư dân và môi trường, các nhà quản lý làng cũng áp dụng các ứng dụng tích hợp dữ liệu để tăng cường quản lý tài nguyên, cũng như các hoạt động hàng ngày trên địa bàn của cư dân. Mô hình nhà ở Lapland áp dụng phương thức xây nhà rẻ hơn, nhưng tối ưu được năng lượng để giảm chi phí sinh hoạt cho người dân. 

Sáng kiến làng thông minh có thể thay đổi diện mạo làng xã Việt Nam.

Sáng kiến làng thông minh có thể thay đổi diện mạo làng xã Việt Nam. 

Theo bà Juri Laurila - Giám đốc điều hành của mô hình ASV, làng thông minh không chỉ tập trung tìm ra các giải pháp mới để giảm chi phí nhà ở mà còn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh để tạo thu nhập cho cộng đồng. Thậm chí, các cơ hội này sẽ thu hút những cư dân có trình độ đến ở, cải thiện sức sống vùng nông thôn. Ý tưởng làng thông minh đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư Phần Lan, cũng như từ các quốc gia Âu – Mỹ, kể từ khi bắt đầu thí điểm. Không chỉ vậy, ý tưởng này còn mang đến cơ hội hợp tác, liên minh giữa các làng xã để cùng hỗ trợ nhau phát triển, đặc biệt là các cộng đồng “Off grid” – tức vùng sâu vùng xa, còn lạc hậu, hẻo lánh.

Tiềm năng làng thông minh, xã kết nối ở Việt Nam

Theo thống kê công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dân số khu vực thành thị năm 2019 ở Việt Nam là khoảng hơn 33 triệu người, chiếm 34,4%; còn ở khu vực nông thôn là hơn 63,1 triệu người, chiếm 65,6%. Như vậy, có thể thấy một sự cần thiết phải có các giải pháp mới cho người dân nông thôn Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 dân số. Tuy nhiên, về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP toàn quốc, theo số liệu Tổng cục thống kê.

Có thể thấy, một lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn đang chưa phát huy hết tiềm năng của họ. Ở nông thôn, sinh kế của người dân vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn xuất hiện những mô hình kết hợp nông nghiệp với văn hoá bản địa để tạo ra các sản phẩm phi nông nghiệp như du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch sức khoẻ, du lịch tâm linh…

Đây là hiện tượng có thể thấy ở hầu như tất cả các vùng nông thôn tỉnh thành nào trên lãnh thổ nước ta, như Ba Vì, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hoà Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Huế…. Dù vậy, các hoạt động này còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đặc biệt là chưa hề tạo ra được những liên minh làng xã vững mạnh, hiệu quả, kết nối được toàn bộ thế mạnh của nông thôn các địa phương, trở thành mô hình mẫu mực cho toàn quốc noi theo. 

Thêm nữa, ngày nay chúng ta đang nói rất nhiều về thành phố thông minh. Do vậy, công bằng mà nói, làng thông minh vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng tầm. Theo các chuyên gia thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp số, trong xu hướng chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025, thì mô hình “làng thông minh, xã kết nối” trong xây dựng “nông thôn mới nâng cao” và “nông thôn mới kiểu mẫu” có thể cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường, giúp  người dân nông thôn có việc làm, cuộc sống thịnh vượng. 

Thiết nghĩ, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị có thể xa về mặt địa lý nhưng đối với công nghệ trong kỷ nguyên số thì chỉ tính bằng giây, bằng một cái click. Bài toán hay cơ hội đó đang nằm trước mắt các nhà quản lý Việt Nam. 

(còn tiếp)

Đọc thêm