Ngày 2/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 TP Hà Nội phối hợp với cơ quan công an tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại địa chỉ số 16C phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), phát hiện tại tầng 1 của địa điểm này đang kinh doanh, bày bán số lượng lớn các loại phụ kiện thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, theo luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc Cty Luật TNHH Link & Partners) thì thuốc lá điện tử chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào nên các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý.
Lô hàng khủng không giấy tờ
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 31.800 chiếc thuốc lá điện tử, 2.250 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử và 58 chiếc máy hút thuốc lá điện tử tại cơ sở này, do ông Nguyễn Ngọc Trường Giang làm chủ. Toàn bộ số hàng hoá trên do nước ngoài sản xuất. Đấu tranh tại chỗ, anh Giang là chủ cơ sở kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.
Trị giá lô hàng ước tính hơn 4 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Thuốc lá điện tử được hiểu là dạng mô phỏng theo hình dạng chức năng của thuốc lá thông thường, không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. do thuốc lá điện tử là một loại thuốc lá thế hệ mới nên các quy định của pháp luật về mặt hàng này còn nhiều hạn chế.
|
Những vấn đề pháp lý
Theo luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh, căn cứ Khoản 2, Điều 3, Nghị định 67/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá thì sản phẩm thuốc lá là: sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi.
Do đó, có thể xem thuốc lá điện tử là một sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra, nếu cơ sở kinh doanh nói trên không có giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh đã hết hiệu lực, không đáp ứng điều kiện kinh doanh hay sử dụng giấy phép kinh doanh của chủ thể khác để kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử thì có thể bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐCP do mua bán thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá nói chung theo quy định của pháp luật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tiếp theo, do anh Giang đã khai nhận rằng toàn bộ số hàng hóa trên được nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam nên theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hành vi Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ dưới 50 bao đến hơn 1.500 (1 bao = 20 điếu, đối với xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao) sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 1 triệu đồng, tịch thu phương tiện, tang vật liên quan, tiêu hủy hàng hóa, tước giấy phép kinh doanh và nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp.
Cuối cùng, nếu cơ sở kinh doanh của anh Giang có các hành vi vi phạm về bán sản phẩm thuốc lá, tùy theo các hành vi khác nhau như bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, không treo biển thông báo... có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 10 triệu đồng, tịch thu tang vật phương tiện vi phạm, tước giấy phép kinh doanh theo Điều 23 Nghị định 98/2020.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo Điều 190 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 đến 4.500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra để tìm ra nguồn gốc lô hàng. Đối với hành vi nhập lậu thuốc lá điện tử, các đối tượng sẽ bị xử phạt về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất là 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Mặc dù có những quy định xử phạt như trên nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử phạt những tội danh liên quan đến thuốc lá điện tử.
Thứ nhất, ngoài tội “Buôn lậu” thì tất cả các chế tài xử phạt khác đều là các chế tài xử phạt đối với thuốc lá điếu truyền thống, xì gà. Thuốc lá điện tử là một loại thuốc lá tương đối mới, thậm chí Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định nào áp dụng cho mặt hàng thuốc lá điện tử.
Thứ hai, thuốc lá điện tử được chia ra thành nhiều phần như tinh dầu, máy hút tinh dầu, máy hút thuốc lá... cho nên rất khó xác định số lượng thuốc (trong các quy định của pháp luật được tính theo đơn vị điếu) để tiến hành xử phạt.
Cuối cùng, do những quy định pháp luật chưa rõ ràng, thuốc lá điện tử chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào nên các cơ quan chức năng đang gặp lúng túng trong việc xử lý. Lợi dụng những kẻ hở này, thuốc lá điện tử trở thành một mảnh đất màu mỡ để các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội nhằm kiếm lời, số lượng các vụ nhập lậu, buôn bán trái phép thuốc lá điện tử ngày càng lớn cả về quy mô lẫn cách thức.
Để hạn chế những hành vi phạm tội liên quan đến thuốc lá điện tử, các cơ quan có thẩm quyền cần tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của các sản phẩm thuốc lá điện tử, hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên và quan trọng hơn cả, cần nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dạng hàng hóa mới này.
Theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá (2012) thì thuốc lá được hiểu“là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Luật đã quy định cả “các dạng khác” nên theo nhiều chuyên gia, dù chưa nêu cụ thể nhưng “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá làm nóng” cũng có thể bao hàm trong “các dạng khác” mà Luật đã nếu.
Trong Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) được phân loại là sản phẩm thuốc lá.
Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội vừa công bố có tới 5,2% thanh thiếu niên chưa hút thuốc bao giờ nhưng lại hút thuốc lá điện tử. Mặc dù hiện chưa ghi nhận được số liệu tác động đến giới trẻ của các sản phẩm thuốc lá làm nóng nhập lậu nhưng thiết nghĩ thuốc lá làm nóng đã nằm dưới luật, cơ quan chức năng cần hành động sớm để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.