Một thuở vàng son làng nghề ươm tơ Cổ Chất

(PLVN) - Thời hoàng kim của làng nghề ươm tơ Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã qua đi nhưng vẻ đẹp của tơ Cổ Chất vẫn nức danh khắp trong và ngoài nước bởi sự thanh mảnh, sắc màu tươi sáng mà không loại tơ nào có được.
Ươm tơ Cổ Chất
Ươm tơ Cổ Chất

Dấu ấn thời hoàng kim 

Lịch sử làng Cổ Chất ghi lại, từ thời Hậu Lê, vào đời vua Lê Tương Dực, có các cụ Phạm Tài Dũng, Đoàn Sùng Hưng, Nguyễn Chân Phúc, Nguyễn Tri Vinh đến gò Ma Sá bên dòng sông Đại Hà trú ngụ để làm nghề chài lưới.

Sau khi được một vị quan tên Phương Đình Công giúp đỡ, các cụ cùng gia đình con cháu nhập cư, giao đất rồi tạo dựng thành trang Cổ Hiền thuộc tổng Phương Để. Và cũng từ đó, các cụ còn phát triển thêm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén. Như vậy, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất đã có từ lâu đời.

Người dân làng Cổ Chất với công việc phơi tơ hàng ngày
 Người dân làng Cổ Chất với công việc phơi tơ hàng ngày

Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất đã nức danh khắp nơi. Các cụ cao niên trong làng Cổ Chất kể lại, vào khoảng đầu năm 1936, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở thôn Hòa Lạc vì thấy được tiềm năng phát triển vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh Cơ hiền hòa. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh.

Tơ Cổ Chất được coi là tơ lụa quý
Tơ Cổ Chất được coi là tơ lụa quý  

Thương nhân khắp các miền đổ về Cổ Chất để thu mua sản phẩm quý này. Thời kì trước năm 1945, tơ được đem bán ở khu cảng sầm uất của Nam Định là bến Đò Chè và được cấp cho hầu hết các làng dệt lụa trong nước như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Không chỉ vậy, những lái buôn người Thái Lan, Campuchia cũng tìm về Cổ Chất để thu mua loại tơ quý. Từ đó, làng nghề tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời khỏi lịch sử truyền thống của làng quê Bắc Bộ.

Nghề ươm tơ ở Cổ Chất tuy đã có máy móc hỗ trợ nhưng vẫn giữ lối sản xuất thủ công truyền thống
 Nghề ươm tơ ở Cổ Chất tuy đã có máy móc hỗ trợ nhưng vẫn giữ lối sản xuất thủ công truyền thống 

Ông Vũ Phi Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định cho hay, trước đây toàn vùng lúc nào cũng xanh ngút ngàn vì cánh đồng dâu rộng tới 70 hecta. Người người trồng dâu, nhà nhà nuôi tằm, ươm tơ.

Nghề truyền thống này đã tạo công ăn việc làm cho không chỉ xã Phương Định mà còn tất cả các khu vực xung quanh. Khoảng đầu những năm 1990, số lượng nhân công ước tính làm nghề ươm tơ lên đến 1200-1500 lao động và số lượng bếp ươm tơ lên tới 700-800 bếp. Người dân làng Cổ Chất khéo léo có thể ươm được những sợi tơ các loại, có những sợi nhỏ như sợi chỉ mảnh nhưng vẫn đảm bảo đồng nhất về kích cỡ, bền dai…

Tơ Cổ Chất tươi sắc được phơi tự nhiên trên những con sào
 Tơ Cổ Chất tươi sắc được phơi tự nhiên trên những con sào

Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: tơ tốt nhất là sợi mốt, tiếp đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Làng nghề ươm tơ Cổ Chất được người dân khắp vùng biết đến bởi sợi tơ thanh mảnh, màu sắc tươi sáng, bền đẹp và đưa Nam Định vào câu ca nổi tiếng: “Nam Định có bến Đò Chè. Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”.

Thời hoàng kim ấy, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ở tỉnh Nam Định mỗi năm dành hơn 120 tỷ, quỹ tín dụng địa phương dành tới gần 100 tỷ đồng để cho các hộ kinh doanh vay lấy vốn sản xuất. Ước tính, mỗi tháng, hơn 200 tỷ đồng tiền cho vay được “rót” về các hộ kinh doanh. 

"Níu giữ" nghề truyền thống

Thời gian đi qua, chiến tranh tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ. Thiên tai làm hư hại đất trồng dâu bên sông Ninh Cơ. Diện tích đất trồng dâu thu hẹp lại còn vài hecta. Khoảng 5 năm trở về đây, làng nghề Cổ Chất đứng trước nguy cơ bị mai một. Hiện tại, trong thôn chỉ còn khoảng 20 hộ vẫn cố gắng duy trì nghề nhưng lao động chủ yếu là người già, số lượng bếp ươm chỉ còn khoảng 30 chiếc. 

Làng nghề Cổ Chất đang đứng trước nguy cơ thất truyền do nguồn cung cấp kén chính cho làng ươm tơ không còn. Để có kén ươm tơ, hiện nay, các hộ kinh doanh trong làng phải mua từ các tỉnh khác như Thái Bình, Lâm Đồng, Lào Cai, Yên Bái...

Ông Vũ Phi Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định mong muốn các hộ kinh doanh được hỗ trợ vốn
 Ông Vũ Phi Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định mong muốn các hộ kinh doanh được hỗ trợ vốn

Ông Vũ Phi Bằng chia sẻ, con tằm rất mẫn cảm với thời tiết do đó việc chăm sóc và nuôi dưỡng vô cùng khó khăn. Hiện tại, 1 kg tơ tằm người dân có thể bán với giá 1,5 triệu đồng tuy nhiên, các loại chi phí như nhân công, điện, vận chuyển... đều tăng do đó khoản lãi không cao.

Kèm với đó, quá trình vận chuyển kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ khiến người dân càng khó giữ nghề. Trước kia, người trong làng hoàn toàn ươm tơ bằng tay, phải mất gần 2 tiếng mới được một guồng tơ nhưng nay có máy móc hỗ trợ, một guồng tơ chỉ mất 1 tiếng ươm, do đó, nguồn nhân lực cần thiết cũng không cần dồi dào như trước. 

Nuôi tằm, ươm tơ tại Cổ Chất
Nuôi tằm, ươm tơ tại Cổ Chất

Những năm gần đây, nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước đã về Cổ Chất nghiên cứu hướng đi cho làng nghề và giải pháp phát triển nghề nuôi tằm, ươm tơ ở thị trường ngày nay. Tuy nhiên, để "cứu vãn" được làng nghề truyền thống này cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Chị Nguyễn Thanh Loan, một hộ kinh doanh tại làng Cổ Chất cho biết: "Khó khăn nhất đối với những người cố gắng gìn giữ làng nghề như chúng tôi là tìm đầu ra bởi không có đơn vị thu mua ổn định. Gia đình tôi phải tự tìm đường đi nước bước xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan, Lào. Trong khi đó, xuất khẩu tơ ra ngoài thị trường, tơ Cổ Chất chưa có một thương hiệu riêng được bảo hộ".

 

Bí thư chi bộ thôn Cổ Chất - ông Phạm Xuân Hướng cho hay, theo ước tính của người dân làng nghề, để có thể duy trì được hoạt động của một hộ kinh doanh cần khoản vốn từ 3-4 tỷ/năm. Vậy nhưng, hiện nay Nhà nước hỗ trợ vay vốn chỉ được 400 triệu đồng/năm đối với 1 hộ kinh doanh, do đó, nguồn vốn cũng là một bài toán nan giải mà những người "níu giữ" nghề truyền thống phải đối mặt. 

Dưới nắng xuân, tơ Cổ Chất vẫn tươi sắc, bóng mịn. Làng nghề tấp nập lái buôn trong và người nước xưa kia chỉ còn là hoài niệm. Nhưng sức sống của làng nghề chưa tắt khi vẫn còn đó những con người tâm huyết và dành cả cuộc đời bên bãi dâu, lứa tằm, sợi tơ, khung dệt.

Đọc thêm